Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (206 - 3): Ở nơi túi bom

MangYTe - Mẹ Tuấn tên là Huệ. Tuấn gọi mẹ là u và tôi cũng gọi như vậy. U Huệ thương tôi như con đẻ. Biết tôi và Quỳnh Anh đã phải lòng nhau, u Huệ nuôi hai con lợn to trong chuồng để lo đám cưới cho chúng tôi.

Nhưng chắc chắn là tôi phải ra trận. Nếu tôi ngỏ lời với Quỳnh Anh thì tình yêu sẽ trở thành gông cùm đối với em. Em sẽ phải đợi tôi những năm tháng dài dặc. Và liệu tôi còn sống sót để trở về với em không? Rồi nhà nước ra lệnh tổng động viên. Tôi và Tuấn gác bút nghiêng ra trận. Chúng tôi được biên chế vào một đơn vị pháo phòng không, bảo vệ một cửa khẩu. Cửa khẩu là cuống họng của chiến trường. Cửa khẩu tắc thì chiến trường đói gạo, đói đạn. Trận địa chúng tôi đóng nơi chiến trường ác liệt, gọi là "cái túi bom". Từ khóa của chiến tranh là tiêu diệt. Nếu ta không tiêu diệt địch thì địch sẽ tiêu diệt chúng ta. Bằng mọi cách chúng tôi phải tiêu diệt máy bay địch. Cũng bằng mọi cách bọn giặc lái địch sẽ tiêu diệt trận địa của chúng tôi. Ngày nào cũng nổ ra những trận đánh quyết liệt. Ngày nào đơn vị chúng tôi cũng có người bị thương và hy sinh. Những người bị thương, chúng tôi cáng về trạm xá của Mặt trận để cấp cứu. Còn những người hi sinh thì chúng tôi đưa một nơi để chôn cất. Ở đây có một đơn vị dân quân huyện Bố Trạch, thường trực để lo mai táng liệt sĩ. Các liệt sĩ sẽ được tắm rửa sạch sẽ, được khâm liệm và an táng trong nghĩa trang liệt sĩ Bố Trạch.

Tuấn hy sinh vào một buổi trưa mùa hạ năm 1971. Tuấn là pháo thủ nạp đạn, chiến đấu ở tư thế đứng. Đang bắn máy bay Mỹ thì khẩu pháo của Tuấn bị tắc vì hết đạn. Khẩu đội trưởng ra lệnh nạp đạn nhưng Tuấn không đứng lên. Anh ngồi thụp xuống mâm pháo. Một mảnh bom xuyên qua mũ sắt găm vào đầu Tuấn. Tôi cõng Tuấn ra bờ suối, tắm rửa sạch sẽ rồi chọn bộ quân phục mới nhất mặc cho Tuấn. Sau đó tôi chặt rất nhiều nứa tép, loại nứa này chỉ to bằng ngón chân cái bó Tuấn lại và vác chạy qua cửa khẩu nơi chôn cất. Cửa khẩu lúc nào cũng bom rơi đạn nổ và tôi không muốn Tuấn phải dính đạn thêm một lần nữa. Tôi đập bẹp cái bình tông bằng nhôm rồi lấy đinh khắc họ tên Tuấn và ngày hy sinh rồi chôn cất cùng. Lúc đó tôi mới chợt nghĩ tới u Huệ và Quỳnh Anh. Nước mắt tôi trào ra. Từ ngày vào chiến trường, tôi không có thời gian để nghĩ về u Huệ và Quỳnh Anh. Tất cả trí tuệ của người lính ở mặt trận là nghĩ cách giữ được mạng sống của mình. Chiến dịch này nối tiếp chiến dịch khác. Chiến tranh lôi kéo tôi tiến sâu vào phía Nam và ở đâu cũng đầy bom đạn. Rồi tháng 3/1975, chúng tôi đánh Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Chúng tôi truy kích địch vào sát Sài Gòn. Cuộc chiến tranh đang vào giai đoạn kết thúc.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-206-3-o-noi-tui-bom-20200226174844358.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY