Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (212 - 1): Chuyện xung quanh cái máy ATM phát gạo

MangYTe - Cái máy ATM phát gạo từ thiện đặt ở sân nhà văn hóa phường. Mảnh sân rộng lát gạch đỏ. Bốn hàng ô so le cắm những cái ô tròn để che mưa nắng cho người đến nhận gạo.

Ô nọ cách ô kia 2m, đúng khoảng cách quy định. Người đến nhận gạo đứng dưới ô. Ai đến trước nhận trước, đến sau nhận sau. Đa số họ đều là những người phụ nữ đã luống tuổi. Hình như việc đi nhận gạo từ thiện không phù hợp lắm với tính kiêu hãnh của người đàn ông.

Đội thanh niên tình nguyện chúng tôi phụ trách việc cấp phát gạo. Chúng tôi có 9 người, chia nhau làm việc 3 ca, từ 8h cho đến 17h. Mỗi ca có hai bạn nam khỏe mạnh. Việc của họ là khênh gạo từ kho ra đổ vào cái thùng hình phễu, mỗi lần một bao 50kg. Còn việc của các bạn gái nhẹ nhàng hơn.

Chúng tôi theo dõi và cấp phát gạo cho mọi người. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh máy ATM có nước rửa tay khô sát khuẩn. Ai đến nhận gạo cũng phải rửa tay và đeo khẩu trang. Có một ít khẩu trang để sẵn trên bàn, ai chưa có thì lấy. Những người nhận gạo tiến đến gần máy ATM. Mỗi người đều được tôi đánh một dấu nhân vào cuốn vở kẻ oli. Không ai phải khai họ tên, cũng không phải xuất trình một thứ giấy tờ gì. Tôi đánh dấu vào vở là để cuối ngày ông Trưởng ban Mặt trận biết trong ngày chúng tôi đã phát bao nhiêu gạo. Sau khi đã đánh dấu nhân cho một người, tôi giẫm vào cái nút đỏ ở phía dưới và gạo sẽ chảy ra, mỗi lần 2kg, không thừa, không thiếu.

Thỉnh thoảng lại có người đến cho gạo. Vì thế gạo trong kho chúng tôi không bao giờ thiếu. Có một nhà từ thiện, tôi nhớ mãi. Anh ta khoảng gần 40 tuổi. Cứ đúng 16h30 phút là cái ô tô 4 chỗ của anh ta xuất hiện. Anh ta vác 4 bao tải gạo nạp vào kho. Nhìn anh vác 50kg gạo đi nhẹ tênh, tôi biết đó là một người đàn ông sức lực. "Sao anh không đưa lính đi để khuân vác cho?". "Lính nào? Tôi là lính chứ không phải sếp". "Họ tên anh là gì?". "Có cần phải khai họ tên không?". "Em phải ghi họ tên, địa chỉ của anh để báo cáo với Ban Mặt trận". "Nếu thế thì em cứ ghi là người vô danh". Cứ đúng 16h30 phút là người vô danh đến chỗ chúng tôi, chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ. Mỗi lần đến người vô danh lại nạp vào kho 2 tạ gạo. Sau đó anh kiểm tra lại cái máy ATM. "Ngày nào cũng phải kiểm tra. Nếu máy trục trặc 1h là hàng chục người không nhận được gạo". Anh nói với tôi như vậy. "Anh cũng hiểu biết về máy ATM?". "Hơi biết. Chính tôi đã thiết kế và lắp đặt cái máy này". "Và ban Mặt trận mua cái máy này của anh?". "Đúng vậy. Tôi bán cái máy này với giá 0 đồng và bảo hành vĩnh viễn".

Tôi thấy thích người đàn ông này. Anh thông minh cả trăm công việc lẫn trong chuyện trò. Trước khi ra về anh dặn tôi: "Nếu máy có vấn đề gì thì gọi cho tôi ngay nhé. Việc này không thể để chậm trễ được. Số điện thoại của tôi dán trên máy ATM".

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-212-1-chuyen-xung-quanh-cai-may-atm-phat-gao-20200425102545838.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY