Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (214 - 1): Ký ức thời lửa đạn

MangYTe - Một người bạn từ Lạng Sơn về Hà Nội thăm tôi, mang theo một con vịt bầu Thất Khê. Chúng tôi làm món vịt luộc, cùng món măng vịt, ăn với bún rối. Vịt Thất Khê ngon nổi tiếng, thịt ngọt và thơm, da mỏng và giòn.

Rượu vào anh bạn tôi ngủ say như ch*t, ngáy o o. Còn tôi thì không sao ngủ được. Ký ức cuộc chiến đấu ở Thất Khê năm 1979 cứ ùa về không cho tôi chợp mắt. Năm 1979, tôi đã có mặt ở Thất Khê với tư cách là nhà báo đi chiến trường. Tôi chọn Thất Khê vì ở đó có bà Mai mẹ nuôi của tôi. Ba tháng huấn luyện trước khi vào chiến trường tôi ở trong nhà bà Mai, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Mẹ Mai rất quý tôi, chăm sóc tôi như con đẻ. Mẹ đã góa chồng. Con gái của mẹ là Hồng Nhung lúc đó đang học cấp 3 trên tỉnh. Cứ thứ Bảy hàng tuần là Nhung về nhà. Cô gái tuổi 17 sức trẻ hừng hực, đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh. Con gái về là mẹ Mai xuống Thất Khê mua một con vịt bầu của bác E. Không ai biết tên thật của người chăn vịt này, có lẽ bác không có tên mà người ta gọi theo đặc điểm riêng của bác. Bác bị câm từ nhỏ, thứ ngôn ngữ duy nhất phát ra từ miệng bác là những tiếng e. Thất Khê là thị trấn của huyện Tràng Định. Từ nhà mẹ Mai xuống thị trấn chỉ 11km. Với người dân miền núi, 11km đường nhựa là rất gần. Tôi được ăn thịt vịt Thất Khê rất nhiều nhờ 3 tháng huấn luyện ở Tràng Định. Ba tháng ở nhà mẹ Mai, tôi béo tròn ra, da thịt hồng hào, sức vóc tăng lên nhiều. Ngày đó tôi sốt ruột mong đến ngày cuối tuần để được gặp Nhung. Cứ chiều thứ Bảy là tôi ra đầu con dốc cuối bản đứng đợi Nhung. Khi thấy bóng em lúc hiện lúc ẩn trên con đường rừng rợp bóng cây là tôi chạy về nói với mẹ Mai: "Mẹ ơi! Nhung về rồi".

Tiếng súng nổ ran suốt cả vùng biên giới phía Bắc khiến tôi rất sốt ruột. Những câu hỏi đó thôi thúc tôi lên Thất Khê. Tôi đến một đơn vị bộ đội địa phương đang ém quân ở bờ Đông sông Bắc Khê để nắm tình hình. Chỉ huy đơn vị nói với tôi: "Chúng tôi rất vinh dự được đón nhà báo trên tuyến đầu chống giặc. Anh vốn là lính đi chiến đấu giải phóng Sài Gòn, như vậy chúng tôi có thêm một tay súng. Lát nữa anh em quân giới sẽ đến trang bị vũ khí cho anh. Ở đây nếu chỉ có cây bút không thôi thì chưa được". Trận tuyến phòng thủ được chỉ huy đơn vị lập với địa thế sau lưng là núi, trước mặt là sông. Giặc chỉ có thể qua sông bằng một cái ngầm đá có thể lội bộ được. Phòng tuyến được đã bố trí 4 trụ đại liên ở đầu ngầm phía Đông. "Chúng nó cứ sang đây. Bao nhiêu vạn quân tôi cũng không sợ", chỉ huy đơn vị nói với tôi.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-214-1-ky-uc-thoi-lua-dan-20200522180353564.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY