Theo số liệu cập nhật của Đại học John Hopkins (Mỹ), tính đến sáng nay 29/4, số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên hơn 3,1 triệu người, trong đó riêng Mỹ chiếm khoảng 1/3 tổng số ca.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 217.000 người trên thế giới đã Tu vong do Covid-19. Mỹ hiện là nước có nhiều ca nhiễm bệnh và Tu vong nhiều nhất thế giới với hơn 1,03 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 58.000 người đã Tu vong.
Số người mắc Covid-19 trên thế giới cán mốc 3 triệu ca trong vòng chưa đầy 4 tháng, so với 3-5 triệu ca cúm mùa mỗi năm trên thế giới. Theo số liệu của Reuters, trong vòng một tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới có thêm 82.000 ca mắc mới, trong đó 1/3 số ca tập trung ở Mỹ, và hơn 43% ở châu Âu. Châu Á chỉ chiếm chưa đầy 7% tổng số ca Covid-19 của thế giới do một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát được làn sóng lây lan của dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch tiếp tục lan rộng, nhiều quốc gia, trong đó có các nước ở tâm dịch châu Âu như Italia, Tây Ban Nha đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa, kích hoạt nền kinh tế trở lại giữa những lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Tại Mỹ Latinh và châu Phi, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trung bình toàn cầu.
Brazil, quốc gia Nam Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, ghi nhận hơn 5.000 ca Tu vong, chính thức vượt số người ch*t do dịch bệnh này tại Trung Quốc. Tính đến ngày 28/4, Brazil ghi nhận tổng cộng hơn 73.000 ca mắc bệnh.
Giới chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm còn hạn chế. Một số nhà khoa học cho rằng, có thể hơn 1 triệu người ở Brazil đã mắc Covid-19, và quốc gia này có thể trở thành tâm dịch tiếp theo của thế giới. Bất chấp cảnh báo này, Tổng thống Jair Bolsonaro cũng cho biết Brazil không cần những biện pháp hạn chế gắt gao như ở Mỹ hay châu Âu.
Trong khi đó, châu Phi đã ghi nhận khoảng 36.000 ca mắc bệnh, trong đó hơn 40% số ca tập trung ở Bắc Phi. Dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại các nước như Morocco, Ai Cập, Algeria.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều lần cảnh báo, các nước không nên vội vã nới lỏng các lệnh hạn chế bởi điều này có thể khiến dịch tái bùng phát trở lại. Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus tuần trước nói rằng, dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài hơn một năm và ít nhất 18 tháng nữa mới có thể có vắc xin ngừa bệnh.
Minh Phương
Theo SCMP