Sức khỏe hôm nay

Thể thao cải thiện sự tập trung và chất lượng cuộc sống ở học sinh tiểu học

Nghiên cứu với học sinh tiểu học khẳng định tác động tích cực của hoạt động thể chất.

Các học sinh tiểu học có thể chất khỏe mạnh cảm thấy tốt hơn và tập trung tốt hơn. Các em có nhiều khả năng vào được các trường trung học cấp cao hơn là các em kém khả năng thể thao. Điều này đã được xác nhận lần đầu tiên trong một nghiên cứu của Khoa Thể thao và Sức khỏe tại Đại học Kỹ thuật Munich (TUM).

Vận động thường xuyên giúp trẻ khỏe mạnh và có vóc dáng phù hợp khi đến trường. Lợi ích của thể thao đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu tại TUM đã tìm ra bằng chứng về mối tương quan giữa thể lực, khả năng tập trung và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của học sinh tiểu học.

Nghiên cứu với học sinh tiểu học khẳng định tác động tích cực của hoạt động thể chất.

Nghiên cứu liên quan đến 3.285 trẻ em gái và 3.248 trẻ em trai từ quận Berchtesgadener Land của Bavaria (Đức). Các tiêu chí quan trọng là thể lực và sức bền, khả năng tập trung và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, được các nhà khoa học xác định theo quy trình kiểm tra tiêu chuẩn quốc tế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Mức độ thể chất của trẻ càng cao thì khả năng tập trung của trẻ càng tốt và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của trẻ càng cao. Trong khi các em nam làm bài kiểm tra thể lực tốt hơn thì các em nữ lại có kết quả tốt hơn về khả năng tập trung và giá trị chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, trong tất cả các bài kiểm tra về thể lực, trẻ thừa cân béo phì đều có kết quả kém hơn hẳn so với trẻ nhẹ cân và trẻ có cân nặng bình thường. Trẻ béo phì cũng có giá trị kém hơn đáng kể về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe nói chung, thể chất, lòng tự trọng cũng như hạnh phúc trong các mối quan hệ bạn bè và ở trường.

Một kết quả quan trọng khác của nghiên cứu: "Học sinh tiểu học có thể chất tốt và khả năng tập trung tốt sẽ có nhiều khả năng vào các trường trung học tốt hơn”.

Giáo sư Renate Oberhoffer-Fritz, Trưởng khoa Thể thao và Khoa học sức khỏe TUM cho biết thêm: “Điều này có nghĩa là việc khuyến khích phát triển vận động ở trẻ em ở giai đoạn đầu càng quan trọng hơn, vì điều này cũng có tác động tích cực đến sự phát triển thể lực trí não. Sự hợp tác giữa phụ huynh, nhà trường, cộng đồng và các câu lạc bộ thể thao là rất quan trọng khi muốn trẻ em phát triển toàn diện”.

Dữ liệu được thu thập dựa trên các bài kiểm tra phù hợp với lứa tuổi và được công nhận trên toàn thế giới. Do đó, thể lực và sức bền được đo lường theo các tiêu chí của hướng dẫn FitnessGram, khả năng tập trung được xác định bằng bài kiểm tra d2-R và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe (HRQOL) được đo bằng bảng câu hỏi KINDL.

Nghiên cứu được thực hiện tuân thủ các nguyên tắc của Tuyên bố Helsinki và được sự chấp thuận của ủy ban đạo đức địa phương.

Trong một nghiên cứu sâu hơn, nhóm nghiên cứu cũng điều tra trẻ lớn hơn và thanh niên ở các trường trung học. Một công bố khoa học bổ sung dựa trên những dữ liệu này đã được lên kế hoạch trong thời gian tới.

Kết quả của nghiên cứu đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của hoạt động thể chất đối với lứa tuổi học sinh tiểu học. Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến các hoạt động ngoài trời của trẻ hơn nữa để giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Xem thêm:

Ra nhiều mồ hôi - dấu hiệu cảnh báo bệnh tim sắp xảy ra ở trẻ em

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/the-thao-cai-thien-su-tap-trung-va-chat-luong-cuoc-song-o-hoc-sinh-tieu-hoc-34133/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY