Thị trường chứng khoán 22/4 kết phiên với 223 mã tăng, trong khi chỉ còn 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 253,4 triệu đơn vị, giá trị 4.245 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 828 tỷ đồng. Thanh khoản hôm nay giảm 36% về khối lượng và 30,7% về giá trị so với phiên hôm qua.
Dòng tiền hoạt động khá tích cực kéo VN-Index lên vùng giá 775 điểm với số mã tăng nhiều dần lên, trong khi số mã giảm ít dần đi. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng theo thông tin riêng với dòng tiền chảy mạnh.
Tuy nhiên, VN-Index không thể chinh phục lại được ngưỡng 775 điểm khi chịu sức ép từ một vài mã lớn như VIC, VCB, VHM, VRE, thậm chí chỉ số này suýt chút nữa không giữ được sắc xanh khi chốt phiên chiều nay. Việc bên bán tiết cung giá thấp cũng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên hôm qua
Phiên hôm nay ghi nhận sóng lớn tại HSG sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, HSG công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính 2019 - 2020 (từ 30/9/2019 đến 30/9/2020) với doanh thu ước đạt 5.780 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 200 tỷ đồng, tăng mạnh 277% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2019 - 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 381 tỷ đồng, tăng mạnh 228% so với cùng kỳ.Dù mở cửa phiên sáng với mức giảm hơn 2,2% xuống 6.100 đồng, sau khi đã giảm sàn phiên hôm qua, cổ phiếu HSG nhanh chóng bật mạnh trở lại sau thông tin kết quả kinh doanh tích cực, leo thẳng lên mức trần 6.670 đồng.
Chốt phiên, HSG khớp 5,88 triệu đơn vị, đứng thứ 7 về thanh khoản trên HOSE và còn dư mua giá trần tới 3,29 triệu đơn vị, chưa kể lượng đặt mua ATC không được khớp do bên bán không ra nhiều hàng trong phiên chiều.
Ngoài HSG, phiên hôm nay còn chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng trần như DBC tăng trần lên 25.900 đồng, khớp 4,87 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
HCM tăng trần lên 16.750 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị, DCM tăng trần lên 7.970 đồng, khớp 2,23 triệu đơn vị, SJF tăng trần lên 1.640 đồng, khớp 1,94 triệu đơn vị, cùng các mã QCG, FRT, DHM và đều còn dư mua giá trần. Ngoài ra, KSB cũng tăng trần lên 18.900 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị, TRC, LDG, TGG...
Trong các mã lớn, như đã đề cập VIC giảm 0,54% xuống 92.500 đồng, còn VCB, VHM nới rộng đà giảm khi mất lần lượt 3,08% xuống 69.300 đồng và 3,82% xuống 65.400 đồng. Bên cạnh đó là VRE giảm 3,48% xuống 23.550 đồng, GAS giảm 1,55% xuống 63.500 đồng, trong khi đà giảm của PLX hãm lại chỉ còn 0,37% xuống 40.700 đồng.
Trong khi đó, hàng loạt mã khác tăng giá tốt như BID tăng 4,32% lên 36.200 đồng, nhưng mức này khiêm tốn hơn nhiều so với mức tăng 6,77% của phiên sáng; SAB tăng 2,94% lên 175.000 đồng; CTG tăng 2,39% lên 19.250 đồng; MSN tăng 2,83% lên 58.200 đồng; VJC cũng đảo chiều có sắc xanh nhạt; HPG tăng 2,97% lên 20.800 đồng; VPB tăng 3,32% lên 20.200 đồng; MBB tăng 2,88% lên 16.100 đồng, MWG tăng 3,27% lên 82.000 đồng; BVH tăng 3,07% lên 47.000 đồng; FPT tăng 3,65% lên 51.100 đồng; POW tăng 1,61% lên 9.480 đồng; HDB tăng 3,48% lên 20.800 đồng; EIB tăng 1,65% lên 15.400 đồng; STB tăng 2% lên 9.170 đồng; TPB tăng 2,91% lên 17.700 đồng...
Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với 11 triệu đơn vị và cũng dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp đến là STB với 8,17 triệu đơn vị, POW hơn 6,72 triệu đơn vị, CTG hơn 6,36 triệu đơn vị.
Trong các mã thị trường, ROS có lúc đã đảo chiều tăng thành công, nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên giảm sàn hôm qua. Chốt phiên, ROS giảm 0,56% xuống 3.570 đồng, khớp 9,51 triệu đơn vị, đứng sau HPG.
Trong khi một số cổ phiếu dầu khí hãm đà rơi, chỉ còn giảm mức khiêm tốn, thì PVD vẫn giảm 3,4%, xuống 9.390 đồng, khớp 7,48 triệu đơn vị.
Trong khi đó, không gặp vật cản nào, chỉ số HNX-Index thẳng tiến một mạch lên mức cao nhất trong ngày trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC, nhưng vẫn có được phiên tăng mạnh hôm nay.
Chốt phiên, HNX - Index có 88 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,7 triệu đơn vị, giá trị 482 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 64,6 tỷ đồng. So với phiên hôm qua, thanh khoản hôm nay giảm 32,5% về khối lượng và 27% về giá trị.
HNX-Index tăng mạnh nhờ sự khởi sắc của ACB và VCS khi 2 mã lớn này tăng lần lượt 3,03% lên 20.400 đồng và 3,41% lên 60.600 đồng. Trong đó, ACB khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn VCS chỉ khớp hơn 0,16 triệu đơn vị.
Một mã vốn hóa lớn khác trên sàn cũng tăng mạnh là VIF với mức tăng 4,14% lên 15.100 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Trong khi đó, PVS hãm đà giảm chỉ còn giảm 1,71% xuống 11.500 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị. SHB chỉ giảm 0,64% xuống 15.600 đồng, khớp khá khiêm tốn 0,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, KLF giữ vững mức trần 1.700 đồng, khớp 7,63 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần và ATC tới hơn 3,4 triệu đơn vị.
Cũng bật tăng lên mức trần trong phiên chiều còn có HUT khi đứng ở mức giá 1.800 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị.
Các mã tăng trần và còn dư mua giá trần khác là TNG lên 12.700 đồng, C69 lên 5.900 đồng, SPP lên 500 đồng, NRG lên 8.300 đồng…
Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường cũng nới rộng đà tăng khi bước vào phiên chiều, nhưng hạ nhiệt sớm hơn HNX.
UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,58%), lên 51,48 điểm với 104 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,47 triệu đơn vị, giá trị 234 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 36,8 tỷ đồng.
Vẫn chỉ 3 mã BSR, LPB và OIL là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị với BSR khớp 4,84 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 5.800 đồng; LPB khớp 2,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,47% lên 6.900 đồng; OIL khớp 1,56 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,37% xuống 7.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, giống như chỉ số VN30, các hợp đồng tương lai của chỉ số này đều tăng tốt trong phiên hôm nay. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,10% lên 714,42 điểm, còn hợp đồng VN30F2005 đáo hạn ngày 21/5 tăng 2,51% lên 686,9 điểm với 258.419 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.863 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, giống như trên thị trường cơ sở, sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 23 mã tăng, trong khi có 15 mã giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CVRE2002 với 737.160 đơn vị, đóng cửa giảm 30,77% xuống 90 đồng. Tiếp đến là CVRE2001 với 712.630 đơn vị, đóng cửa giảm 28,57% xuống 200 đồng.