Thiên đường đảo ngọc Việt Nam
Đậm đà nước mắm Sa Châu
Khu vực bán mắm được nhiều người biết đến nhất là cạnh miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Khách thả bộ dọc theo các tuyến đường chính, nghe mùi mắm quấn quýt bước chân.
Mỗi gian hàng lại có thương hiệu riêng, nhưng thường gắn với nhiều con số giống hệt nhau. Nói chung, người bán thích đặt tên gì thì đặt, từ 333, 11111, 9999, 444444, 666666… kèm tên riêng. Đây cũng là nét thú vị đặc trưng của người sản xuất- kinh doanh mắm ở Châu Đốc.
Một điểm bán mắm nổi tiếng khác là chợ Châu Đốc. Diện tích kiot nhỏ hơn, gò bó hơn, nhưng vẫn đầy đủ chủng loại mắm, khô.
Người bán bật mí cách để trang trí thau mắm đẹp. Đó là để một cái thau nhỏ ở dưới, rồi mới chất mắm lên một cách ngay ngắn, “trật tự”. Nhờ vậy, thau mắm nhìn đầy vung mắc thèm.
Để mắm luôn giữ được vẻ tươi ngon, thấm sâu gia vị, người bán thỉnh thoảng đảo trộn thau mắm lên. Động tác này cũng giúp đuổi côn trùng “ghé thăm”. Mỗi lần được đảo, mắm lại dậy mùi, kích thích giác quan người nhìn.
Rất nhiều loại mắm được bày bán, như mắm cá lóc. Loại này chia ra theo kích thước cá lớn hay nhỏ mà có mức giá khác nhau.
Mắm cá linh cũng là đặc sản được ưa chuộng. Cá linh chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi ở miền Tây, lên khỏi mặt nước là hết tươi ngon. Cá được chọn làm mắm phải còn sống, vừa được kéo lưới lên, trải qua nhiều công đoạn ủ công phu.
Khách du lịch thường ghé mua nhiều loại mắm, tùy theo sở thích mỗi người. Nhưng bán chạy nhất là mắm thái. Mắm thái gồm thịt cá lóc thái ra, trộn với mắm đu đủ. Loại mắm này có thể ăn liền, không cần chế biến gì thêm, nêm nếm cũng rất vừa miệng.
Mắm cá chốt trộn chung với dưa mắm.
Mỗi sạp ghi rõ loại mắm kèm giá để khách tham khảo trước khi mua. Nếu chịu khó trả giá, khách sẽ được khuyến mãi chút đỉnh “làm quen”.
Theo chị Thùy Dương (27 tuổi, bìa phải), khách phương xa đến chợ Châu Đốc sau khi đi tham quan, du lịch, cúng Bà. Họ tiện đường mua ít mắm về làm quà cho người thân, người quen. Lượng khách đông nhất là từ rằm tháng giêng đến hết vía bà.
Để khách thuận tiện đem mắm lên xe hơi, đi máy bay, người bán gói kỹ qua nhiều lớp bọc, giấy báo, đảm bảo không để bay mùi.
Bà Thủy (55 tuổi) gánh vác sạp mắm của mẹ để lại 11 năm nay. Gia đình bà cứ thế bán theo kiểu gia truyền. Cuộc sống khấm khá, ổn định cũng nhờ nghề này. Khách thắc mắc gì, bà vui vẻ giải đáp, sẵn tiện quảng bá món đặc sản xứ mình. Muốn chụp ảnh lưu niệm, bà sẵn lòng tạo dáng. Sự thân thiện của những người bán mắm như bà Thủy tạo ấn tượng đẹp khi khách rời đi. Để rồi, mỗi khi nhớ đến mắm, họ lại tìm về TP. Châu Đốc…
Khám phá Côn Đảo: Thiên đường du lịch biển vạn người mê
Thiên đường ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải