Phổ biến nhất, nếu một em bé có các biểu hiện như vặn mình nhiều, hay giật mình, rụng tóc hình vành khăn, đổ mồ hôi trộm, ngủ không yên giấc, mọc răng chậm, thì có đến khoảng 99% người được hỏi sẽ khẳng định như đinh đóng cột “con bạn/chị thiếu calci (hoặc vitamin D) rồi!”. Nhưng thực tế, đó là một kết luận không có cơ sở khoa học.
Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số ngộ nhận mà các bà mẹ hay mắc phải:
Trẻ hay vặn mình là do thiếu canxi hoặc vitamin D
Vặn mình là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi mới sinh, não của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên chưa kiểm soát được tay chân và thân mình. Vì vậy, chân, tay, thân mình bé thường cử động “vô tổ chức”, không kiểm soát mà chúng ta thường gọi là vặn mình.
Não của bé sẽ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân: Đầu tiên là kiểm soát cổ (bé sẽ nhấc đầu lên khi bế tư thế đứng); Tiếp đến là phần lưng và thân mình (bé sẽ lật); Rồi mới đến mông, đùi, chân (bé sẽ đạp trườn, co chân lên để gặm ngón chân, ngồi, chống chân đứng lên...).
Vì vậy, đến khoảng 4 tháng tuổi là đa số các bé kiểm soát được thân mình (nên bé có thể sẽ lật được) và tự nhiên sẽ hết vặn mình.
Lời khuyên: Bố mẹ không thể dựa vào biểu hiện này để khẳng định là bé bị thiếu vitamin D hay canxi mà tự ý bổ sung canxi hay vitamin D, điều này đôi khi còn gây hại cho bé vì thừa canxi cũng không tốt. Riêng với trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn thì có thể cho bé uống bổ sung vitamin D vì sữa mẹ chứa rất ít vitamin D, không đủ cho con.
Trẻ rụng tóc hình vành khăn là do thiếu vitamin D hay còi xương
Lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn tăng sinh (mọc tóc). Sau một thời gian ngắn, 1 phần do sự thay đổi các nội tiết tố mà bé nhận từ mẹ trong bào thai, tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng tóc (các bà mẹ sau khi sinh em bé cũng có thể bị rụng tóc vì những lý do tương tự).
Và theo lý luận thông thường thì chỗ nào trên đầu cọ xát nhiều thì chỗ đó sẽ rụng tóc nhiều. Mà với bé nhũ nhi từ 0-6 tháng, đầu bé luôn ngọ nguậy, quay qua quay lại, phần tiếp xúc, chà xát với gối nhiều nhất sẽ là vùng rụng nhiều tóc nhất (đó là lý do tại sao bé lại thường rụng tóc theo hình vành khăn). Tình trạng rụng tóc này ở sơ sinh sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3-6 tháng tuổi.
Lời khuyên: Từ 6 tháng đến 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần ngồi nhiều hơn, lật úp và trườn bò nhiều hơn, vì vậy đến khoảng 6-12 tháng tuổi thì đa số ở các bé tình trạng rụng tóc hình vành khăn cũng tự mất đi.
Đổ mồ hôi trộm và ngủ không ngon là do thiếu canxi hay vitamin D
Lý do chính của đổ mồ hôi là do nóng. Nóng do thời tiết và nóng do cơ địa của bé. Thân nhiệt của bé vốn cao hơn người lớn, hệ thần kinh giao cảm mạnh hơn (nên nhịp tim và nhịp thở của bé nhanh hơn người lớn).
Vì vậy bé dễ đổ mồ hôi hơn người lớn. Với 1 nhiệt độ phòng nhất định nào đó, người lớn thấy lạnh, thì với đứa bé có thể thấy là nóng. Mặt khác, đứa bé được cho bú sữa nóng thì đương nhiên nó sẽ nóng lên, và dễ đổ mồ hôi hơn.
Đứa bé cũng không xoay trở đầu thường xuyên được như người lớn, nên đầu dễ bị bí, bị nóng hơn. Mặt khác, vùng đầu có nhiều tuyến mồ hôi nên chúng sẽ đổ mồ hôi nhiều trên đầu. Tương tự, khi nằm nhiều, bé cũng đổ mồ hôi ở lưng.
Chưa kể, vì sợ bé lạnh (do suy từ chính cảm nhận của bản thân), bố mẹ còn ủ ấm thêm cho bé bằng quần áo ấm, chăn… thì bé chắc chắn sẽ ra mồ hôi trộm (đổ mồ hôi khi ngủ). Và khi nóng bức, đổ mồ hôi thì chắc chắn bé sẽ không thể ngủ ngon giấc.
Lời khuyên: Nên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 16-24 độ C để bé được ngon giấc. Khi để bé ở nhiệt độ này, bạn không cần phải đắp thêm chăn cho bé. Bố mẹ thay vì mua canxi cho bé uống thì nên mua máy điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp cho con.
Ảnh minh họa |
Chậm mọc răng là do thiếu canxi
Khi lọt lòng mẹ, bộ răng sữa của bé đã có sẵn, còn chuyện bao giờ chúng sẽ mọc là... chuyện của nó. Khó ai biết được lúc nào những răng đó sẽ nhú ra.
Tuy nhiên, dựa trên quan sát lịch mọc răng rất nhiều bé, người ta thống kê được rằng: khoảng 99% các bé sẽ mọc cái răng đầu tiên (thường là răng cửa dưới) trong khoảng từ 6-12 tháng tuổi, một số rất ít trường hợp (khoảng 1%) mọc răng đầu tiên khoảng 3-4 tháng tuổi hay sau 12 tháng tuổi.
Sẽ không có bé nào giống bé nào (ngay cả 2 bé sinh đôi cùng trứng) nên sẽ có bé mọc răng sớm và có bé chậm hơn. Vì vậy, nếu con bạn 1 tuổi mà vẫn chưa mọc răng thì bạn cũng không cần quá lo lắng. Và càng không nên quy kết chuyện mọc răng muộn là do thiếu canxi hay vitamin D.
Hạ Uyên
Bài viết dựa trên tư vấn của BS. Nguyễn Trí Đoàn
(Giám đốc y khoa Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, Tp.HCM)
Chủ đề liên quan: