Ăn đa dạng cũng thiếu
Chị Nguyễn Thị Hà, Đống Đa, Hà Nội cùng lúc đưa cả hai con, cháu lớn 10 tuổi, cháu bé 4,5 tuổi tới bệnh viện khám bệnh. Cháu bé thì biếng ăn, táo bón, còi xương, còn cháu lớn thì ít ngủ, gầy yếu, thiếu 10kg so với tiêu chuẩn. Bác sĩ kết luận, các cháu đều bị thiếu máu, thiếu sắt và đặc biệt là thiếu vitamin D. Chị Hà rất ngạc nhiên khi bác sĩ kết luận con chị bị thiếu vitamin D. Vì cháu 8 tháng tuổi mà nặng 11kg. Trông cháu bụ bẩm khỏe mạnh, mỗi tội tóc rụng và hay ra mồ hôi. Mẹ cháu cho biết, nhà cháu cho cháu ăn uống rất khoa học, đảm bảo đủ các thành phần nền không thể thiếu vitamin D được.
BS. Lê Quang Hào, Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, vitamin D có rất ít trong thực phẩm tự nhiên, trừ một vài loại cá biển béo. Ngay cả sữa mẹ và sữa bò cũng chứa hàm lượng vitamin D rất thấp. Nguồn cung cấp chính vitamin D cho cơ thể là ánh nắng. Vì thế ngay cả khi bé ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ mà không được tắm nắng thì vẫn có nguy cơ thiếu vitamin D.
Bình thường, dưới da có sẵn tiền vitamin D là 7-dehydrocholesteron. Dưới tác dụng của tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D được hoạt hoá thành Vitamin D3 (là Vitamin D có nguồn gốc bên trong); và hấp thu trực tiếp qua mạch máu. Vitamin D giúp tận dụng một cách hữu hiệu canxi và phospho cần thiết cho xương và răng chắc khỏe. Khi dùng chung với vitamin A và C, nó có thể giúp ngăn ngừa cảm cúm, giúp điều trị viêm màng kết, giúp biến dưỡng vitamin A...
BS. Lê Quang Hào cho biết, các bà mẹ thường nghĩ trẻ bị rụng tóc, còi xương mới thiếu vitamin D. Mà không biết rằng thiếu vitamin D mới là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, ngủ kém, hay giật mình, khi ngủ vặn vẹo, quẫy đạp không yên, dễ bị kích thích quấy khóc, hay khóc đêm. Trẻ nhỏ thường bị táo bón hoặc dễ đi ngoài phân sống, trẻ lớn hơn hay kêu đau bụng, đau một lúc rồi hết, hay kêu đau nhức xương vào chiều tối hoặc ban đêm, nhất là những xương dài như xương cẳng chân....
Thiếu vitamin D lâu dài không chỉ khiến trẻ bị còi xương, chậm tăng trưởng, cơ thể biến dạng, giảm sức đề kháng hay ốm mà còn khiến trẻ dễ bị trầm cảm, tự kỷ... và nguy cơ ung thư cao hơn chục lần so với người bình thường. Và không chỉ trẻ nhỏ mà cả trẻ lớn, người lớn cũng thiếu vitamin D, bởi thường ở trong nhà, trong lớp học không ra ngoài trời nắng (nếu có ra thì lại dùng kem chống nắng hoặc che kín).
Gây nhiều bệnh nguy hiểm
ThS. Phan Bích Nga, Viện dinh dưỡng cho biết, còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hoặc do rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Số liệu thống kê tại Trung tâm Khám tư vấn Viện Dinh dưỡng cho thấy, đây là là bệnh hay gặp nhất, chiếm 45,5% trong số trẻ đến khám và có xu hướng ngày càng cao hơn.
Điều đáng nói, đa số các bà mẹ chỉ thấy rõ các dấu hiện điển hình của bệnh còi xương, mềm xương khi trẻ được 1-2 tuổi: xương bị biến dạng, thóp rộng và lâu liền, đầu bị bẹp hoặc méo), chân hoặc tay bị cong biến dạng với cổ tay, cổ chân, đầu gối to và cong hơn bình thường, trẻ chậm lớn, hay bị ốm đau... mới đưa con đi khám thì đã muộn. Lúc này, dù có điều trị tích cực thì bệnh vẫn để lại di chứng về biến dạng xương cũng như hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ.
ThS. Nga cho biết, tình trạng còi xương cao cũng do sai lầm trong chế độ chăm sóc. Đầu tiên là do thói quen kiêng cữ, sợ trẻ tiếp xúc với ánh nắng sớm sẽ hay bị ốm, rồi giữ kín trẻ trong nhà, ra ngoài là che chắn nên không tổng hợp được nguồn vitamin D tự nhiên. Đặc biệt, chế độ không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn sữa bò trước 1 tuổi và cho trẻ ăn dặm sớm (từ 3-4 tháng tuổi), ăn quá nhiều chất bột, đạm (thịt) gây tình trạng toan chuyển hóa, tăng đào thải calci ra nước tiểu...
Trẻ bị thiếu vitamin D thường có biểu hiện ra mồ hôi trộm, trẻ kích thích khó ngủ hay giật mình, rụng tóc gáy; đối với còi xương cấp co thể gặp: tiếng thở rít thanh quản, cơ khóc lặng, hay nôn, nấc khi ăn, có thể co giật do hạ calci máu; chậm phát triển vận động, chậm biết lẫy, chậm biết bò... Đặc biệt, biểu hiện ở xương là thóp chậm liền, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh, chậm mọc răng, răng hay sâu, răng mọc lộn xộn, lồng ngực hình gà, chuỗi hạt xương, vòng cổ tay và chân cong... Bệnh nếu không được điều trị trẻ chán ăn, suy dinh dưỡng, da xanh, thiếu máu, lách to.
Bổ sung từ khi mang thai
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng, còi xương bắt đầu rất sớm từ trong thời kỳ thai nghén do người mẹ thiếu vitamin D và canxi. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối thời kỳ thai nghén, bộ khung xương phát triển với mật độ xương tăng gấp 3 lần, cơ và tế bào thần kinh cũng phát triển nhanh.
Nếu người mẹ không cung cấp đủ viamin D và canxi sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa xương của thai nhi. Hậu quả trẻ đẻ ra thấp bé, nhẹ cân, kém phát triển về thể lực, trí tuệ, giảm miễn dịch. Ngay cả trẻ sinh ra đủ tháng và cân nặng, nồng độ vitamin D trong máu cũng giảm thấp do bị cắt nguồn cung cấp từ mẹ qua nhau thai, nguồn sữa của mẹ không có đủ vitamin D.
Nghiên cứu cho thấy, ngay cả khẩu phần ăn khá sung túc, vẫn không đủ cung cấp vitamin D cho người mẹ. Khẩu phần ăn trung bình hiện nay của người Việt Nam chỉ đạt 50-70 nhu cầu calci và vitamin D. Vì vậy, thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh là rất phổ biến.
Còn theo BS Hào, vitamin D là một hormone steroid mạnh nhất trong cơ thể, chịu tác động đến sự tăng trưởng của cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chết. Thiếu vitamin D, trẻ sẽ bị còi xương, sâu răng nghiêm trọng, u xương, xương dễ giòn và gẫy khi tuổi cao...
Để phòng chống thiếu vitamin D, người mẹ cần phải bổ sung từ thời kỳ mang thai nhất là 3 tháng cuối. Sau khi sinh, người mẹ vẫn phải tiếp tục ăn uống đầy đủ và uống bổ sung viên sắt, canxi và tắm nắng thường xuyên. Vitamin D cũng có nhiều trong gan cá trích, cá hồi, cá ngừ, sữa và các sản phẩm từ bơ sữa. Ngoài ra, mẹ có thể uống vitamin D3 1 liều 200.000 UI vào lúc thai được 7 tháng.
Đối với trẻ, cho bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Trẻ sau 2 tuần tuổi cần được phơi nắng, mỗi ngày 10-15 phút vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da mu tay, chân, bụng, lồng ngực.
Vào mùa đông cần cho con uống 1 liều vitamin D3 200,000 đv để điều trị dự phòng. Có thể 6 tháng cho trẻ uống nhắc lại 1 lần. Việc dùng thuốc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ vì quá liều sẽ gây ngộ độc thần kinh, nguy hiểm. Đến tuổi cho ăn dặm, cho ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: