12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

THOÁI HÓA CỘT SỐNG – Đừng để đau mới phòng bệnh

Thoái hóa cột sống là nỗi ám ảnh của nhiều người khi bắt đầu bước qua tuổi 40. Tuy nhiên, đây là căn bệnh chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có một chế độ ăn uống hợp lý cũng như chế độ tập luyện phù hợp.

Bệnh thoái hóa cột sống (Degenerative spine) là hệ quả của một quá trình lão hóa tự nhiên. Hiện tượng thoái hóa ở các đốt sống lưng và cổ xuất hiện sớm hơn các đoạn khác của cột sống.

Thoái hóa cột sống là bệnh người cao tuổi khó tránh khỏi và đây được coi là “cơn ác mộng” đối với người người trưởng thành, nhất là ở tuổi sau 40. Thống kê cho thấy, có khoảng 60%-80% người trưởng thành sẽ có ít nhất một đợt đau lưng trong đời. Khi một người đã bị đau thắt lưng một lần, 40%-50% sẽ có lần thứ 2 lặp lại trong cùng năm, và 50% sẽ tái phát vào một lúc nào đó.

Hiện nay, tình trạng thoái hóa cột sống đang có xu hướng trẻ hóa dấn, số người gặp các vấn đề về cột sống, đặc biệt là thoái hóa dưới độ tuổi 20 đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê về bệnh thoái hóa cột sống của hiệp hội chuyên khoa xương khớp tại các bệnh viện Việt Nam, cứ 100 người đến khám về các bệnh lý xương khớp thì có tới gần 40 người xuất hiện triệu chứng cột sống bị lão hóa, trong đó hơn một nửa là dưới 20 tuổi.

Khi thoái hóa cột sống tiến triển thành thoát vị đĩa đệm, hoặc các chồi xương phát triển quá mức, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: rối loạn cảm giác, rối loạn tiền đình, teo cơ, mất khả năng vận động, thậm chí là bại liệt hoàn toàn.

Điều đáng nói là khi xuất hiện triệu chứng đau lưng, nhiều người thường bỏ qua và tự đưa ra một nguyên nhân ngẫu nhiên nào đó. Chính vì thế, những cơn đau lưng này lâu dần gây nên rối loạn một số chức năng như không thể ngôi yên, nằm yên; không vận động được mạnh; thậm chí làm việc cá nhân như tắm, vệ sinh cũng gặp khó khăn…Khi đó nhiều người mới đến gặp bác sĩ và tình trạng đã nặng, thậm chí phải nhập viện điều trị.

Tình trạng thoái hóa cột sống thường bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan (thói quen sinh hoạt, vận động). Do đó, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau nhằm ngăn ngừa hoặc tránh cho bệnh diễn tiến xấu:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp cơ thể ngăn ngừa nhiều bệnh tật và hỗ trợ hệ xương khớp khỏe mạnh.

Bổ sung đầy đủ Canxi và vitamin D (giúp hấp thụ canxi ở ruột): thiếu canxi là nguyên nhân thường gặp gây loãng xương, khiến cột sống nhanh bị thoái hóa. Để tránh tình trạng này, bữa ăn hàng ngày nên đầy đủ canxi từ các thực phẩm sữa, phomat, cá hồi, súp lơ, cam…và vitamin D từ gan, thịt, cá, ngũ cốc, trứng, nấm.

Chọn các thực phẩm bổ sung axit béoo omega, vitamin E và các chất chống oxy hóa như cá, các loại hạt hay các loại rau xanh. Những dưỡng chất này rất tốt cho đĩa đệm, ngăn ngừa thoái hóa cột sống và gai cột sống.

Kiểm soát cân nặng cũng là cách phòng ngừa hiệu quả các bệnh về cột sống nói chung và thoái hóa cột sống nói riêng. Bởi trọng lượng cơ thể tăng lên, cột sống sẽ chịu nhiều áp lực, gây tổn thương. Do đó, khi cảm thấy cơ thể có dấu hiệu béo phì cần tiến hành chế độ ăn kiêng hợp lý. Hãy tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ, hạn chế chất béo, không nên ăn quá mặn hoặc quá ngọt.

Uống nhiều nước lọc (tối thiểu 1.5 – 2 lít) để duy trì sự sống cơ thể, bao gồm cả đĩa đệm. Hạn chế dùng các loại đồ uống có chất kích thích (cà phê, rượu, bia) vì chúng là “kẻ thù” của khớp.

Tập thể dục

Để giữ cho cột sống của bạn luôn luôn khỏe mạnh, nên thực hiện các bài tập tác động thấp như đi bộ hoặc bơi lội. Tập yoga nhẹ nhàng cũng có thể giúp cột sống mạnh mẽ và linh hoạt. Có thể tập các bài tập cho cổ và lưng nhẹ nhàng ngay tại nơi làm việc hoặc ở nhà.

Ngủ đúng

Nên ngủ đủ giấc, ngả lưng một chút trong buổi trưa cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên có gối mỏng để tránh đau cổ.

Thay đổi thói quen xấu

Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Nên thay đổi tư thế khi ngồi sau 1 tiếng đồng hồ, tập vận động các khớp, tránh ngồi một chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, đứng lâu, mang vác nặng. Những nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều có thể tận dụng giờ giải lao thực hiện các bài tập thể dục nhẹ từ 5-10 phút có tác dụng thư giãn rất tốt cho cột sống cổ, thắt lưng.

Khi đi máy bay hay đi ôtô đường dài, tư thế ngồi đúng nhất là ngả lưng ghế ra sau khoảng 15 độ (tức là lưng ghế và mặt ghế tạo thành một góc 105 độ) và ngồi dựa vào lưng ghế.

Tránh mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế. Tránh gây căng thẳng lên cột sống.

Sử dụng kỹ thuật thích hợp khi phải nâng vật nặng hay tham gia vào các môn thể thao mạnh mẽ.

Không nên hút thuốc vì các độc tố và chất nicotine trong thuốc lá ngăn chặn đĩa đệm của bạn hấp thu vitamin và chất dinh dưỡng.

Khám sức khỏe định kì

Thăm khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ nhằm phát hiện các dị tật của cột sống để điều trị kịp thời.

Quỳnh Hoa

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/thoai-hoa-cot-song-dung-de-dau-moi-phong-benh-28534/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY