Phóng sự hôm nay

Thoát và phục hồi sau đại dịch sớm hơn các ông lớn, nhưng kế nào của TQ cũng gặp khó

Việc Trung Quốc sớm kiểm soát và nhanh chóng thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho việc khởi động lại các dự án nằm trong Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Vành đai - Con đường: Cách Trung Quốc vượt khủng hoảng

Thông qua các gói kích thích kinh tế được nhiều quốc gia triển khai, các dự án nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể được coi như một biện pháp giúp làm giảm tác động từ Covid-19 lên kinh tế. Đây cũng là cách thức để Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, dẫu cho kèm theo đó là việc gia tăng nợ quốc gia.

    Đai dịch Covid khiến vũ khí trừng phạt Trung Quốc của ông Trump bớt "sắc bén"

Để hỗ trợ các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã tạm dừng việc yêu cầu một số nước trả nợ. Ngoài ra, trong khi việc hủy bỏ các khoản nợ khó có thể được Trung Quốc nghĩ tới vào lúc này, chính quyền Bắc Kinh đang cân nhắc những phương án khác như tạm hoãn trả lãi suất, hoặc cơ cấu lại các khoản nợ.

Tuy nhiên, với chỉ nỗ lực của quốc gia này là chưa đủ, bởi Trung Quốc còn cần sự hợp tác từ các nước đối tác, mà ở thời điểm này, mọi ưu tiên đang được giành cho cuộc chiến chống Covid-19.

Tiến độ triển khai của Sáng kiến Vành đai và Con đường gần như phụ thuộc vào triển vọng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Việc Sáng kiến Vành đai và Con đường bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng của Trung Quốc. Những dự án nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã trở thành những ván bài lớn đối với các công ty Trung Quốc, mà trong đó đa phần đã bỏ ra một phần vốn lớn. Ngoài khía cạnh tài chính, Bắc Kinh cũng đã đổ vào đó uy tín chính trị và hình ảnh của mình. Do đó, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi các dự án đến cùng, cho dù có thể ở một quy mô nhỏ hơn, bất chấp triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.

Đông Nam Á sẽ là khu vực được ưu tiên khi nhiều nước đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh. Điển hình là việc Malaysia tái khởi động dự án đường sắt kết nối duyên hải phía đông vào tuần trước. Đáng chú ý, một số dự án khác như tuyến đường sắt nối Trung Quốc - Lào, đã không bị ảnh hưởng bởi dịch. Một đường hầm dọc tuyến đường sắt cao tốc nối 2 thành phố của Indonesia là Jakarta và Bandung cũng đã hoàn thành vào cuối tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, các quốc gia tham gia Sáng kiến sẽ phải đối mặt với cả sức ép từ trong và ngoài nước nhằm minh bạch hoá các quyết định vay vốn từ bên ngoài. Điều này đặc biệt đến từ việc Mỹ liên tục tạo sức ép lên Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạn chế hỗ trợ các nước vốn đang phải gánh những khoản nợ lớn từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, các chính phủ sẽ buộc phải cẩn trọng hơn trước việc đánh giá tính khả thi triển khai dự án. Điều này đã bắt đầu được một số nước áp dụng trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, và rõ ràng sẽ càng được ưu tiên trong thời gian tới.

"Con đường tơ lụa y tế" vấp nghi ngờ chất lượng

Bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng, những khía cạnh khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường, như việc hợp tác trong lĩnh vực y tế và công nghệ số, có thể sẽ được đẩy mạnh.

"Con đường tơ lụa y tế", một chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa các quốc gia hiện đã có sự kết nối về giao thông, là một điểm nhấn đáng chú ý. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thiếu sự minh bạch ở những phản ứng ban đầu vào thời điểm dịch bùng phát, cũng như dấu hỏi về chất lượng của những sản phẩm y tế do nước này sản xuất, có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh của Trung Quốc. Điều này có thể khiến Trung Quốc phải thắt chặt quy trình kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu.

    Chuyên gia khuyên ‘chiến binh sói’ Trung Quốc hạ giọng

Ngoài ra, khi ngày càng có nhiều người ở nhà, xu hướng sử dụng công nghệ trực tuyến và thương mại điện tử ngày càng trở nên hứa hẹn. Nhưng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Tencent hay Alibaba, những lo ngại về an ninh từ các nước đối tác có thể là trở ngại không nhỏ cho mục tiêu mở rộng thị trường. Ở thời điểm này, việc giành được sự tin tưởng từ cộng đồng quốc tế là yếu tố cốt lõi để Trung Quốc chiếm được thị phần tại những nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một yếu tố khác cần kể đến là đại dịch Covid-19 có thể khiến Sáng kiến Vành đai và Con đường mang yếu tố đa phương hơn và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Để chia sẻ rủi ro, Trung Quốc có thể sẽ phải hợp tác với nhiều nhà đầu tư và các tổ chức cho vay vốn.

Những động thái này đã diễn ra từ trước thời điểm dịch bệnh, trong đó bao gồm việc việc xúc tiến hợp tác bảo trợ tài chính giữa Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tần Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng dầu và các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Ngân hàng Thế giới.

Quan trọng hơn cả, việc tham gia của nhiều phía sẽ giúp thúc đẩy triển vọng các dự án và giảm thiểu cái nhìn ác cảm của dư luận đối với các dự án trước đây chỉ do Trung Quốc cấp vốn. Ngoài ra, dịch bệnh cũng sẽ thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia sở tại, từ nhân công, chuyên gia cho đến nguồn cung vật liệu.

Thoát và phục hồi sau đại dịch sớm hơn các ông lớn, nhưng kế nào của TQ cũng gặp khó - Ảnh 3.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/thoat-va-phuc-hoi-sau-dai-dich-som-hon-cac-ong-lon-nhung-ke-nao-cua-tq-cung-gap-kho-20200514233205728.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY