12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Thoát vị đĩa đệm- căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh

Thoát vị đĩa đệm là một trong những căn bệnh về xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Thoát vị đĩa đệm gây ra những cơn đau nhức khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm là cấu trúc sụn có vị trí nằm giữa các đốt sống trong cột sống. Mỗi đĩa đệm gồm hai phần, nhân nhầy ở dạng keo bên trong và bao xơ (mâm sụn) ở bên ngoài.

Đĩa đệm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cột sống. Nó có tác dụng như một chiếc gối đỡ đàn hồi giữa các đốt sống, giúp cột sống dẻo dai và có thể dễ dàng thực hiện các động tác cúi, ưỡn, nghiêng hay xoay người.

Khi đĩa đệm bị tổn thương hay hư hãi, vòng xơ sẽ mòn, rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài, gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh phổ biến ở cả nam và nữ

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng hoặc cổ bị tổn thương, trượt ra khỏi vị trí ban đầu của nó. Các đĩa đệm này chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống gây ra các cơn đau nhức tại cột sống và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Bệnh thoát vị đĩa đệm rất phổ biến và dễ gặp ở cả nam và nữ. Bệnh đặc biệt hay gặp ở những người trong độ tuổi lao động từ 20-55 tuổi và có thể diễn ra ở bất cứ phần nào trên cột sống. Tuy nhiên, có tới 90% các ca bệnh thoát vị đĩa đệm xảy ra ở đoạn cột sống thắt lưng, tiếp đó là cột sống cổ và rất ít khi gặp ở cột sống ngực.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Chấn thương

Những chấn thương liên quan đến cột sống trong quá trình tập luyện thể thao, tham gia giao thông, khi đang lao động... đặc biệt là những cú ngã, cú đánh rất dễ dẫn tới thoát vị đĩa đệm. Khi cột sống phải chịu một áp lực quá lớn và đột ngột sẽ khiến đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí ban đầu.

Trường hợp thoát vị đĩa đệm do chấn thương thường nghiêm trọng hơn và rất khó để điều trị. Thông thường hầu hết bệnh nhân đều phải tiến hành phẫu thuật.

Đĩa đệm bị trật ra khỏi vị trí một cách bất ngờ, chèn ép trực tiếp lên các dây thần kinh dẫn đến bệnh nhân đau đớn vô cùng. Do đó, ngay sau khi gặp tai nạn hay bị ngã, nếu có cảm giác đau nhói ở lưng, cổ hay tay chân nên đi khám càng sớm càng tốt để được phát hiện và điều trị nhanh chóng.

Tư thế sai và lao động nặng nhọc

Những đối tượng thuộc nhóm dễ bị thoát vị đĩa đệm nhất hầu hết đều là người phải lao động nặng, thường xuyên bê vác, cúi nhiều như nhân viên bốc vác, nông dân, công nhân...

Việc phải nâng, bê vác vật nặng thường xuyên, cùng với tư thế cúi lưng xuống liên tục khiến cột sống phải chịu áp lực rất lớn, lâu ngày dẫn tới căn bệnh thoát vị đĩa đệm.

Ngoài ra, nhân viên văn phòng hay công nhân làm các công việc phải ngồi liên tục cũng rất dễ bị thoát vị đĩa đệm nếu ngồi sai tư thế, khiến cột sống cong vẹo và bị tổn thương.

Thói quen xấu

Bên cạnh việc lao động, sinh hoạt và làm việc sai tư thế thì những thói quen xấu cũng gây ảnh hưởng không tốt đến cột sống, có thể dẫn tới hình thành bệnh thoát vị đĩa đệm.

- Hút thuốc: Khi bạn hút thuốc thường xuyên, chất nicotin trong khói thuốc lá sẽ khiến cơ thể trở nên suy nhược, các chất dinh dưỡng và ôxy đưa vào để nuôi dưỡng đĩa đệm bị hạn chế. Theo thời gian đĩa đệm sẽ bị tổn thương, hư hại dẫn tới bệnh.

- Uống rượu: Trong rượu chứa các chất độc làm ngăn cản quá trình tạo chất dinh dưỡng, phá vỡ và ngăn chặn sự tái tạo và hấp thụ canxi của xương khớp, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ xương khớp nói chung và cột sống nói riêng.

- Ăn uống không lành mạnh: Thói quen ăn uống không tốt, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều photpho có thể gây mất canxi, ảnh hưởng tới sức khỏe của xương.

Nguyên nhân khách quan gây thoát vị đĩa đệm

Tuổi tác: Theo thời gian, khi tuổi tác ngày càng cao thì cột sống cũng dần bị lão hóa, mất đi tính đàn hồi và sự mềm dẻo. Do đó chỉ cần những áp lực nhỏ cũng có thể khiến nhân nhầy thoát ra ngoài gây thoát vị đĩa đệm.

Cân nặng: Các khảo sát cho thấy, những người béo phì có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cao hơn người bình thường. Khi trọng lượng cơ thể quá lớn, cột sống sẽ phải mang vác nặng nề hơn. Việc thừa cân sẽ vô tình khiến cột sống phải chịu gánh nặng rất lớn và áp lực cao mỗi khi hoạt động, dễ dẫn tới các tổn thường cho cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng.

Chiều cao: Theo thống kê, phụ nữ cao hơn 1m70 và đàn ông cao trên 1m80 dễ bị thoát vị đĩa đệm hơn người khác.

Di truyền: Nếu gia đình bạn có nhiều người bị bệnh thì hãy cẩn thận nguy cơ thoát vị đĩa đệm nhé.

Một số căn bệnh: Thoát vị đĩa đệm cũng có thể do một số bệnh lý về xương khớp gây ra như loãng xương, nhuyễn xương, viêm cột sống... Các tác nhân này không quá phổ biến nhưng người bệnh vẫn nên nắm rõ để tìm được cách điều trị đúng đắn nhất.

Biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm

- Cơ thể nhức mỏi, bồn chồn, tay chân thường xuyên phải động đậy trong khi ngủ.

- Đau nhức tại vùng bị thoát bị đĩa đệm. Cơn đau có thể lan sang các cánh tay, mông và chân dọc theo dây thần kinh khiến người bệnh vô cùng khổ sở, đứng ngồi không yên.

Thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh gặp nhiều đau đớn tại vị trí thoát vị, cơn đau lan dần xuống chân.

- Cơn đau nhức có thể kéo dài liên tục hoặc đau theo từng đợt. Đau nhiều hơn khi vận động và sẽ giảm bớt khi được nghỉ ngơi.

- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Gây đau dây thần kinh liên sườn, đau tăng khi nằm nghiêng, ho, đại tiện. Bệnh nhân sẽ thấy đau vùng cột sống lưng, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, trường hợp nặng có thể bị liệt.

- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Người bệnh có biểu hiện đau ở vùng cổ và đau vai gáy. Đau tê, mất cảm giác các vùng, bao gồm tê bàn tay, cổ tay, bàn chân... Bệnh nhân nặng có thể bị yếu cơ và cử động kém hơn do bị mất lực.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc Tây y

Nếu được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, tùy vào tình trạng và vị trí thoát vị đĩa đệm các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và liệu trình thích hợp. Các loại thuốc được sử dụng đều đề là thuốc đặc trị, mỗi loại có tác dụng và ảnh hưởng riêng tới tình trạng bệnh.

Một số thuốc thường được sử dụng như:

- Những loại thuốc nằm trong nhóm thuốc giãn cơ.

- Một số thuốc thuộc nhóm Corticosteroids. Thuốc này ngoài sử dụng theo đường uống còn có thể sử dụng theo đường tiêm vào màng cứng, dành cho những trường hợp đau nặng.

- Thuốc nằm trong nhóm Oplates.

- Ngoài những nhóm thuốc đặc trị chữa bệnh thoát vị đĩa đệm, thì bác sĩ còn có thể kê thêm những thuốc có tác dụng chống trầm cảm, vì thông thường trong quá trình sống chung với bệnh bệnh nhân dễ bị ảnh hưởng tâm lý, dễ chán nản, buồn bực.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thêm, bớt liều lượng thuốc hay lạm dụng thuốc trong thời gian dài để tránh những tác dụng phụ không mong muốn với cơ thể.

Thoát vị đĩa đệm cần được điều trị sớm để giảm đau đớn cho người bệnh

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì bệnh nhân nên áp dụng song song phương pháp vật lý trị liệu với các bài tập phù hợp.

Một số phương pháp vật lý trị liệu điển hình có tác dụng tốt với bệnh thoát vị đĩa đệm như bài tập kẽo giãn cột sống, chườm nóng, chườm lạnh... Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể tư vấn biện pháp riêng cho từng bệnh nhân.

Thay đổi lối sống

Lối sống và các thói quen hàng ngày có tác động trực tiếp tới cột sống của bạn. Do đó để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất thì người bệnh cần thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn.

Nếu bạn mắc thoát vị đĩa đệm do tư thế làm việc hay thói quen không tốt thì hãy thay đổi chúng ngay lập tức. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới sự hồi phục của cột sống.

Nên tham khảo ý kiến chuyên gia để xây dựng các bài tập hợp lý hàng ngày nhằm điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả.

Xây dựng chế độ ăn khoa học với đầy đủ dưỡng chất. Tăng cường các thực phẩm giàu canxi, hạn chế chất béo và uống đủ nước.

Duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý. Không để cơ thể rơi vào trạng thái béo phì hay thừa cân để giảm áp lực cho cột sống.

Can thiệp ngoại khoa

Phương pháp can thiệp ngoại khoa thường áp dụng là kéo giãn, nắn chỉnh cột sống. Tiêm ngoài màng cứng bằng steroid để làm giảm các kích thích vào dây thần kinh gây đau.

Phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm

Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả thì phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng. Đặc biệt là khi bệnh nhân có các dấu hiệu tổn thương thần kinh hay mất cảm giác ở các chi, bác sĩ sẽ đề nghị cần phẫu thuật.

Như Quỳnh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/thoat-vi-dia-dem-can-benh-gay-anh-huong-nghiem-trong-den-cuoc-song-va-sinh-hoat-cua-nguoi-benh-25721/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY