Dinh dưỡng hôm nay

Thoát vị rốn

Thoát vị xảy ra khi tổ chức hay một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể. Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

 1.Định nghĩa:

- Thoát vị xảy ra khi tổ chức hay một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể. Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

- Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Dị tật này xảy ra nhiều hơn ở các bé gái.

 2.Tại sao bé bị thoát vị rốn?

- Trẻ được sinh ra với dây rốn gắn ở bụng. Dây này đưa chất dinh dưỡng tới nuôi bé trong suốt thời gian trọng bụng mẹ. Dây rốn đi vào cơ thể qua một lỗ nhỏ trong cơ thành bụng và được cắt sau khi bé chào đời.

- Trong vòng 1-2 tuần sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ.

- Trong vòng 1-2 tuần sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ.

- Lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự đóng lại khi bé lớn lên. Thoát vị rốn xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín.

 3.Phân loại:

- Thoát vị rốn trong tháng đầu tiên, chỉ hơi sưng lồi lên hoặc nhìn thấy khối thoát vị đường kính dưới 2cm, thường tự khỏi, giảm dần theo thời gian khi các cơ ở bụng trẻ phát triển.

- Thoát vị xuất hiện to thường xuyên, có đường kính trên 2cm, khuynh hướng tăng kích thước theo thời gian, dễ có nguy cơ biến chứng cần phải phẫu thuật và theo dõi sát.

- Thoát vị “dạng vòi voi”, do chứa những bộ phận như một phần gan, lách, mạc nối ruột hoặc một phần phúc mạc ở phía trong rốn. Loại thoát vị này thường được phát hiện từ trước sinh hoặc ngay sau đẻ và được xử trí ngay trong giai đoạn sơ sinh tại bệnh viện.

 4.Nguyên nhân:

- Ở giai đoạn bào thai, dây rốn đi xuyên qua một cái lỗ ở thành bụng của thai nhi. Khi bé được sinh ra, lỗ này dần dần được đóng lại một cách tự nhiên. Trong một số trường hợp, lỗ này không được bít lại và gây ra thoát vị rốn.

- Ở người lớn, nếu có sự tăng áp lực trong ổ bụng, có thể làm lỗ này dù đã được bịt kín lúc nhỏ, trở nên hở và qua đó, ruột có thể trào ra.

- Những nguyên nhân gây thoát vị rốn ở người lớn có thể là:

 + Béo phì.

 + Có thai nhiều lần.

 + Có dịch trong ổ bụng (cổ trướng).

 + Có vết mổ cũ đi ngang rốn.

 5.Triệu chứng:

- Sự lồi lên ở vùng da xung quanh rốn,

- Đối với bé cần đưa đi khám nếu có các dấu hiệu sau:

 + Khóc ngằn ngặt, hoặc tỏ ra đau đớn

 + Bụng có vẻ to hơn, tròn hơn, “đầy” hơn bình thường

 + Vùng da trên khối thoát vị trở nên sưng nề và đỏ.

 + Sốt

 + Nôn

 + Khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài

 + Có máu trong phân

 6.Chẩn đoán:

- Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ được thực hiện để thiết lập chẩn đoán và mức độ thoát vị.

 7.Điều trị:

- Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn có thể tự lành sau 18 tháng tuổi. Khi khám bệnh, bác sĩ có thể nhẹ nhàng đẩy khối thoát vị vào trong bụng của bé, nhưng bạn không nên tự ý làm điều này. Một số người nghĩ rằng dùng một đồng xu hay băng keo để bịt bên ngoài rốn có thể giúp làm lành lỗ thoát vị, nhưng không có bằng chứng nào nói rằng những động tác này giúp đóng lỗ thoát vị. Ngược lại, những tác hại như dị ứng với băng keo hay đồng xu, hay sự tích tụ vi trùng do những vật này gây ra đã được chứng minh.

- Phẫu thuật:

 + Đối với trẻ em, xem xét phẫu thuật thoát vị rốn khi có một trong những trường hợp sau:

      Khối thoát vị gây đau.

      Đường kính lớn hơn 1,5cm.

      Không giảm kích thước sau 6 đến 12 tháng.

      Không mất đi sau 3 tuổi.

      Ruột bị dính vào thành rốn.

 + Đối với người lớn, nghĩ đến phẫu thuật khi bệnh nhân đau, hoặc kích thước khối thoát vị tăng dần, hoặc có dấu hiệu dính ruột vào thành rốn.

-> Phẫu thuật thoát vị rốn bao gồm đưa ruột trở vào ổ bụng, khâu kín lỗ thoát vị và khâu tăng cường để làm thành bụng vững chắc hơn.

 8.Biến chứng:

- Thoát vị rốn ở trẻ nhỏ hiếm khi gây biến chứng.

- Tuy nhiên, đôi khi một đoạn quai ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng.

- Máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn và tổn thương mô ruột. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn tới hoại tử.

- Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.

 9.Phòng bệnh:

- Không có cách gì ngăn ngừa chứng thoát vị rốn, ngoại trừ cố gắng tránh sinh non

- Cách phòng chống tốt nhất là cha mẹ cố gắng để trẻ sơ sinh không khóc nhiều, khóc to.

- Cha mẹ nên đặt trẻ nằm sấp, hằng ngày làm các động tác mát-xa nhẹ thành bụng của trẻ.

- Người mẹ nên ăn những món ăn nhuận tràng như: Canh đu đủ, khoai tây, rau lang luộc... như vậy khi bé bú mẹ sẽ ít bị táo bón, đồng thời cũng cho bé uống thêm nước, vì khi trẻ táo bón sẽ phải rặn khi đi ngoài, ảnh hưởng tới cơ bụng.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5c2f576076801b6af1186f02)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY