Lần khảo sát gần đây nhất trong năm 2008 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tiến hành tại một số trường phổ thông cho thấy: tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ rất cao, trong đó chủ yếu là cận thị với khoảng 26,14% trong tổng số học sinh phổ thông; học sinh tiểu học (lớp 4, 5) bị tật khúc xạ là 18,67%; ở cấp THCS, tỷ lệ này tăng lên 23,47%; ở cấp THPT đã lên đến 32,7%. Nhưng tại nông thôn, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ 14,4% - thấp hơn so với tỷ lệ này ở thành phố là 23%.
Ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục, cho biết: qua thực tế khảo sát tại các trường cho
thấy, nhiều yếu tố trong môi trường sư phạm đã tác động không tốt đến thị giác của học sinh. Ông
dẫn chứng: nhiều lớp học, bảng không đủ điều kiện chống lóa, khoảng cách từ bàn đến bảng xa, trong
khi, nhiều thầy cô viết chữ nhỏ, xấu như "thả giun" lên bảng.
Nhiều trường xây mới, đẹp nhưng thiết kế chưa hợp lý: cửa sổ nhỏ không tận dụng được ánh sáng tự nhiên - đây là nguồn ánh sáng rất tốt cho mắt. Ngoài ra "sáng kiến" mới đóng những bộ bàn ghế mà mặt bàn phẳng ngang rất ảnh hưởng đến mắt của học sinh. Bàn phù hợp với tầm nhìn là mặt bàn cần có độ nghiêng 10 - 15 độ.
BS Cương, BV mắt T.Ư nêu rõ: những yếu tố gây cận thị thường do di truyền và đời sống
hoạt động giáo dục... chủ yếu là những công việc gần mắt.
Có thể giảm bớt ảnh hưởng của những yếu
tố có thể gây tăng độ như những ngày nghỉ nên cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, đi picnic; thể dục thể
thao nhẹ cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn; tránh cúi sát khi đọc sách, đọc phải đủ ánh sáng, bàn
nghế ngồi thoải mái; sau 1 giờ học, nên nghỉ 5 - 10 phút, nhắm mắt lại hay nhìn ra xa qua cửa sổ vào
khoảng không cho mắt thư giãn.
Có thể xoa nhẹ lên mắt cho máu lưu thông, cơ mắt được thư giãn, giảm lực cơ co kéo vào võng mạc lúc học nhiều.
Cần lưu ý, không nằm, quỳ khi đọc sách, hoặc viết bài; không đọc sách báo, tài liệu khi
đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay; không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn; khi xem ti
vi, video phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m, nơi ánh sáng phòng phù hợp.
Thời gian xem cần
ngắt quãng, không quá 45 - 60 phút mỗi lần xem. Tư thế đúng khi ngồi học: ngồi thẳng lưng, hai chân
khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10 - 15 độ.
Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25 cm đối với học sinh tiểu học, 30 cm với học sinh THCS, 35 cm với học sinh THPT và người lớn. Không cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới cận thị. Nếu ăn quá nhiều đường (nhất là ở lứa tuổi
học trò) là yếu tố làm mắt cận thị. Bởi, khi cơ thể hấp thu quá nhiều đường sẽ khiến cho hàm lượng
vitamin B1 giảm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới lượng vitamin cung cấp cho thần kinh thị giác, dẫn tới
bệnh cận thị nặng thêm.
Để phòng ngừa cận thị, chế độ ăn uống cần có đầy đủ các vitamin như: vitamin A,D,E… (có nhiều trong gan cá, gan gia súc gia cầm, lòng đỏ trứng,bơ...) có tác dụng hạn chế mức tiến triển của cận thị; giúp chuyển hóa tốt can-xi, củng cố mao mạch hắc mạch mắt, làm dẻo vỏ nhãn cầu phòng ngừa cận thị…
BS Nguyễn Chí Dũng (BV Mắt T.Ư) cho biết: mới có 50 - 67% các em mắc tật khúc xạ được chỉnh kính. Nếu mắt đã bị tật mà không đeo kính, chăm sóc, điều trị, tật khúc xạ sẽ ảnh hưởng nhiều trẻ nhìn không rõ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và sinh hoạt; cận thị nặng có thể gây biến chứng bong võng mạc, dẫn đến mù lòa. Một số tật khúc xạ (viễn thị nặng, loạn thị, lệch khúc xạ) có thể gây lác dẫn đến nhược thị một mắt.
Theo Nam Sơn - Thúy Anh - Thanh Niên