Hội nghị lần này đã nhấn mạnh vai trò của dự án “Ngày đầu tiên” trong việc hiện thực hóa mục tiêu 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trước năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Các bệnh lý không lây nhiễm, đặc biệt là “Tăng Huyết Áp” (THA) và “Đái Tháo Đường” (ĐTĐ) là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế. Cụ thể tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ THA chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở ĐTĐ lên đến lên đến 69,9%. Về quản lý bệnh, tỷ lệ THA chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở ĐTĐ là 71,1%. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế. Người bệnh chưa tuân thủ điều trị, nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị... Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát THA và ĐTĐ ở Việt Nam.
Để có thể đồng hành cùng bệnh nhân và gia đình họ trong cuộc chiến chống lại những căn bệnh này, hướng tới mục tiêu dài hạn là tiết kiệm chi phí cho chính bệnh nhân cũng như Bảo hiểm xã hội, dự án “Ngày đầu tiên” đã được khởi xướng vào ngày 17-5-2016 dưới sự điều hành của hội Tim mạch Việt Nam và hội Nội tiết - Đái Tháo Đường Việt Nam.
Dự án mang tính cải tiến ở điểm tập trung vào vấn đề cốt lõi là các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sĩ, điều dưỡng…). Từ đây nâng cao nhận thức của họ về các bệnh lý không lây nhiễm, qua đó giúp bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm hơn, xây dựng một lối sống tập trung vào việc quản lý tình trạng bệnh một cách lâu dài. Tất cả các thông tin của dự án trước khi đưa đến bệnh nhân, người dân đều được thẩm định bởi đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của hai hiệp hội. Đồng thời dự án “Ngày đầu tiên” cũng giúp thu thập được dữ liệu đáng tin cậy từ các bệnh nhân. Dữ liệu này giúp các ban ngành y tế sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam, từ đó có những định hướng rõ hơn về chiến lược quản lý bệnh lý này.
Không chỉ là nguồn mang đến thông tin trực tuyến chất lượng cho bệnh nhân và gia đình, dự án “Ngày đầu tiên” đang thực hiện một bước tiến xa hơn là đưa chương trình đến với các bệnh viện thông qua những góc tư vấn riêng. Các góc tư vấn là một phần tích hợp trong quy trình chăm sóc bệnh nhân: Bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu với các bệnh nhân về góc tư vấn này để họ tự tìm đến và tiếp nhận tư vấn từ các điều dưỡng viên có chuyên môn trong việc quản lý các bệnh lý không lây nhiễm. Từ đây, điều dưỡng viên sẽ phân tích tình trạng bệnh, giải thích kết quả chẩn đoán và cung cấp trực tiếp lẫn trực tuyến các công cụ giúp bệnh nhân và người thân quản lý bệnh một cách phù hợp.
Với những hoạt động được xây dựng từ năm 2016 – 2018, với đánh giá từ PWC (một tổ chức kiểm toán uy tín thế giới), dự án “Ngày đầu tiên” đã giúp tiết kiệm đến 3,5 triệu đô la Mỹ cho bệnh nhân và Bảo hiểm xã hội. Tiếp nối với thành công trên, dự án “Ngày đầu tiên” sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên đến 200 góc tư vấn trong vòng 2 năm tới (2019 – 2020) trên toàn quốc. Khoản đầu tư chưa từng có tiền lệ này của Pháp dành cho Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong sự hợp tác về y tế, sức khỏe giữa hai quốc gia.
Dự án tiên phong này cũng giành được rất nhiều sự chú ý từ giới chuyên gia trên toàn thế giới, trong đó có Pháp. “Ngày đầu tiên” là một minh chứng về việc kết hợp giữa giáo dục và điều trị sẽ giúp giảm thiểu đáng kể chi phí cho tất cả các bên liên quan và góp phần xây dựng một quốc gia có dân số khỏe mạnh hơn.
Nhân sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong quản lý các bệnh lý không lây nhiễm, biên tập viên của Đài truyền hình Pháp, ông Fabien Guez đã đến Việt Nam để đưa dự án “Ngày đầu tiên” lên chương trình “Check-Up Santé” nổi tiếng tại Pháp. Sau chuyến ghé thăm và lắng nghe các báo cáo về góc tư vấn “Ngày đầu tiên” tại bệnh viện Thạch Thất, trên sóng truyền hình, ông Fabien Guez đã tiếp đón bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế Việt Nam và ngài Bertrand Lortholary, Đại Sứ Pháp tại Việt Nam, để cùng thảo luận sâu hơn về việc hợp tác trong lĩnh vực y tế - sức khỏe giữa Việt Nam và Pháp. Phiên thảo luận cũng được tiếp nối với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về bệnh lý không lây nhiễm của Việt Nam và Pháp: giáo sư Jacques Blacher, nguyên chủ tịch Hội Tăng huyết áp Pháp; giáo sư Jean-Claude Mbanya, nguyên chủ tịch Hội Đái Tháo Đường thế giới (IDF 2009- 2012); GS.TS. bác sĩ Thái Hồng Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam và PGS.TS. bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.
Chương trình sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình Pháp vào ngày 23 và 24-6-2019.
Chủ đề liên quan: