Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Thử nghiệm văcxin sốt xuất huyết trên người

Cùng Philippine, Malaysia, Indonesia và Thái lan, Việt Nam là quốc gia thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á đang nghiên cứu giai đoạn cuối của văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết, thử nghiệm trên người.> Sốt xuất huyết

Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Giám đốc Viện Pasteur TP HCM cho biết, đề tài “Hiệu quả và an toàn của văcxin mới ngừa sốt xuất huyết bốn tuýp trên trẻ em khỏe mạnh từ 2 đến 14 tuổi ở châu Á" đang được thực hiện ở Long Xuyên và Tiền Giang.

Theo ông Hữu, văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết Sanofi Pasteur nghiên cứu và sản xuất từ khoảng 20 năm nay. Việt Nam là một trong số 13 quốc gia tham gia vào nghiên cứu lâm sàng trên người.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). Ảnh: Cao Lâm.

Văcxin đã qua các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, nghiên cứu trên người giai đoạn I (tính an toàn) và giai đoạn II (tính sinh miễn dịch và tính an toàn). Nghiên cứu lần này ở giai đoạn III, bước cuối cùng trong quá trình phát triển một văcxin trước khi đăng ký đưa vào sử dụng đại trà.

Trong lần nghiên cứu này, 1.402 trẻ ở Long Xuyên và 934 trẻ ở Mỹ Tho dự kiến sẽ tham gia. Phụ huynh của các bé sẽ được thông tin đầy đủ về mục đích của nghiên cứu, quyền lợi và trách nhiệm của trẻ, cũng như nguy cơ và cách xử trí khi tham gia nghiên cứu.

Mục đích của giai đoạn này là nhằm đánh giá hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết của văcxin mới bằng cách so sánh số trường hợp bị bệnh ở nhóm tiêm văcxin và nhóm không tiêm. "Nếu nghiên cứu thành công, nhà tài trợ sẽ có trách nhiệm trình cho các nhà chức trách về đăng ký đánh giá cấp phép cho lưu hành trên thị trường, trong đó sẽ có Việt Nam", Viện trưởng Viện Pasteur nói.

Sốt xuất huyết Dengue được gây nên bởi một trong bốn loại virus DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh cao điểm vào các tháng 10, 11 và 12. Người nhiễm một loại virus có khả năng gây bệnh suốt đời nhưng chỉ chống lại chính huyết thanh virus đó (tức mỗi người có thể bị mắc hết tuýp virus này đến tuýp kia, nếu các tuýp này có lưu hành).

Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Virus Dengue gây nên triệu chứng xuất huyết, biểu hiện thường thấy là xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến Tu vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức.

Đến nay, cách phòng bệnh duy nhất là diệt muỗi, không để muỗi đốt chứ chưa có văcxin phòng ngừa.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong 8 tháng đầu năm, cả nước có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh với 27 ca Tu vong. Tại TP HCM và các tỉnh lân cận, bệnh đang tăng ca vì sắp bước vào mùa dịch mới.

Cao Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/thu-nghiem-vacxin-sot-xuat-huyet-tren-nguoi-2277167.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY