12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Thực hư bệnh “mở khóa đầu”

(SKGĐ) Những đứa bé mới sinh được vài ngày, thậm chí chỉ vài giờ bỗng nhiên bỏ bú, ngủ li bì hoặc khóc ngằn ngặt, rồi phần khớp hộp sọ chỗ thóp thở từ từ… mở ra, nếu không để ý và chữa trị kịp thời để hộp sọ nứt toác sẽ dẫn đến tử vong. Đó là những phác họa ban đầu của người dân ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh… về một căn bệnh với cái tên kỳ lạ – mở khóa đầu.

Ông Nông Quế Xuân đang mô tả lại việc “đốt ngải”

Tự nhiên… nứt đầu

Căn bệnh “mở khóa đầu” thực sự lạ tai, đến mức khó tin với nhiều người, kể cả các bác sĩ sản khoa và nhi khoa khi được hỏi đều lắc đầu. Trong tất cả các tài liệu y khoa chính thống cũng không hề tìm được cái tên này, thậm chí tìm một căn bệnh có triệu trứng tương tự với một cái tên khác cũng không hề có.

Nhưng đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thì không khó để tìm được những thông tin liên quan. Với người dân ở đây xem đó như một thứ “tất yếu” mà mỗi đứa trẻ đều phải trải qua. Khi được biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về căn bệnh mở khóa đầu, một chủ quán nước khẳng định chắc chắn: “Nhà tôi, 3 đứa thì cả 3 đều bị mở khóa đầu, đều phải mời thầy lang về đốt ngải thì mới khỏi. Ở đây hầu như đứa nào sinh ra cũng bị mở khóa đầu hết, 10 đứa cũng phải 6-7 đứa bị”. Gặp gỡ vài hộ gia đình khác, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Căn bệnh này phổ biến ở nhiều xã thuộc Lục Ngạn như Biên Sơn, Kim Sơn, Giáp Sơn, Tân Quang, Tân Hoa, Phì Điền… Nó phổ biến đến nỗi bất kỳ gia đình nào có trẻ mới sinh đều phải cảnh giác, quan sát việc ăn ngủ của trẻ và thỉnh thoảng phải sờ lên thóp của để kiểm tra, hễ có triệu chứng là phải đi gọi thầy về đốt ngải. Triệu chứng được người dân miêu tả là trẻ ngủ li bì hoặc khóc ngằn ngặt, bỏ bú, rồi hộp sọ cứ dần dần bị nứt ra ở phần thóp thở, có thể ít nhưng có những trường hợp nứt to đến vài centimet...

Đặc biệt, theo lời người dân thì vài năm trở lại đây, căn bệnh này còn xuất hiện cả ở người lớn và người già; với các biểu hiện đau đầu, đau như sắp bị vỡ đầu, có thể kèm sốt, một số trường hợp hộp sọ bị nứt ra. Chị Giáp Thị Nhung (y sĩ Trạm Y tế xã Giáp Sơn) – người được cho “nạn nhân” của căn bệnh này cho biết: Cuối năm 2010, bỗng dưng chị thấy đau đầu kinh khủng, rồi phần hộp sọ từ giữa trán lên đến đỉnh đầu tự nhiên “nứt” ra, sờ vào thấy mềm khác thường chứ không như đầu người bình thường. Chị đi khám nhiều nơi thì đều kết luận là bị đau đầu nhưng uống thuốc không thấy khỏi. Tình trạng này kéo dài gần nửa tháng, cuối cùng chị phải tìm đến một thầy lang để “đốt ngải”. Kỳ lạ thay, chỉ đốt đúng một lần, chị đã hết đau đầu, phần hộp sọ khép dần lại và sờ vào không thấy mềm nữa.

Bí quyết “đốt ngải”

Theo đồn thổi thì ở Lục Ngạn, có rất nhiều thầy lang có thể chữa được căn bệnh mở khóa đầu như ông lang Cao, lang Xuân, lang Sắn, cô Chèng, cô Mị… Chúng tôi đã thử tìm đến một thầy lang để tìm hiểu bí quyết chữa bệnh mở khóa đầu. Đó là ông Nông Quế Xuân (thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn). Ông Xuân cũng cho biết: Chỉ từ đầu năm đến nay, ông đã “đốt ngải” cho gần 30 đứa trẻ bị mở khóa đầu, đứa bị nặng, có thể đặt lọt cả ngón tay vào phần hộp sọ bị nứt ra.

Theo giải thích của ông Xuân, bệnh mở khóa đầu có nguyên nhân do nhiệt thể tăng quá cao, bốc lên não khiến hộp sọ phải “mở” ra để thoát nhiệt. Đường mở này càng dài thì bệnh càng nặng, nếu như “mở” đến ấn đường (huyệt giữa 2 đầu cung lông mày) thì bệnh nhi chắc chắn sẽ tử vong do bị thoát hết nhiệt. Còn nếu được đốt ngải để hộp sọ khép lại, giữ được nhiệt của cơ thể thì đứa trẻ sẽ khỏi.

Về bí quyết đốt ngải, ông Xuân cho biết: Nguyên liệu đốt ngải là lá ngải tươi, sau đó phơi khô, vò kỹ cho hết lớp diệp lục màu xanh, nhặt hết xơ chỉ còn lại phần bông tơi màu trắng. Lấy ngải xe thành từng con ngải (còn gọi là mồi), trai 7 mồi, gái 9 mồi. Sau đó, châm một que hương rồi châm mồi ngải vào đầu que hương ấy và “đốt” (hơ) vào các huyệt trên cơ thể đứa trẻ. Việc “đốt” huyệt như thế này sẽ tác động vào các dây thần kinh làm đứa trẻ tỉnh dậy, bú và hộp sọ dần khép lại. “Nguyên liệu thì không có gì đặc biệt, nhưng quan trọng là phải biết được các huyệt để đốt thì mới khỏi”, ông Xuân nói.

Đi tìm lời giải

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã liên hệ với một số chuyên gia y tế. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, trong y văn không hề có tên bệnh mở khóa đầu. Trong các ca sinh nở ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng chưa từng có trường hợp nào trẻ sơ sinh bị “nứt” hộp sọ ra như vậy.

Nhưng trên thực tế, không chỉ ở Bắc Giang mà một số địa phương ở Quảng Ninh như Yên Hưng, Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả… căn bệnh được gọi là “mở khóa đầu” khá phổ biến. Lãnh đạo Trạm xá xã Mông Dương (Cẩm Phả) thừa nhận, ở một số địa phương vùng cao có rất nhiều trường hợp được người dân cho là bị “mở khóa đầu” với biểu hiện là bị nứt ở các khớp hộp sọ. Theo giải thích của ông thì có thể là do ở các địa phương vùng cao, khí hậu lạnh, cơ thể trẻ chưa thích ứng được dẫn đến tăng áp lực nội sọ. Do hộp sọ trẻ sơ sinh còn chưa hoàn chỉnh nên việc tăng áp lực nội sọ có thể khiến các khớp ở hộp sọ bị giãn ra.

BS. Vi Văn Thái, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Quảng Ninh cũng không phủ nhận bệnh “mở khóa đầu”. Theo bác sĩ Thái thì mở khóa đầu không phải bệnh mới xuất hiện, dân gian gọi đây là bệnh “giãn hộp sọ” ở trẻ sơ sinh, đồng bào Tày - Nùng gọi là bệnh “Thua Phá”. “Từ suy luận đến thực tế chúng tôi cho rằng căn bệnh mở khoá đầu của trẻ sơ sinh liên quan đến yếu tố “hàn tà” chính là chứng cảm lạnh của trẻ sơ sinh. Nơi nào điều kiện sống tốt, dân trí cao trong việc chăm sóc bà mẹ trẻ em trong thời kỳ sinh nở thì hoàn toàn không tìm thấy căn bệnh này”.

Cũng theo BS. Vi Văn Thái, để phòng căn bệnh này không khó, các gia đình cần chú ý giữ ấm cho trẻ sơ sinh. Còn việc chữa trị, y học phương Đông chữa cảm hàn tà chỉ cần ôn ấm kinh lạc để giải hàn tà (hoả châm hoặc dùng bằng mồi ngải để chữa bệnh, đánh cảm bằng địa liền gừng gió, bằng dầu hoả kết hợp tóc rối với lá trầu không...). Các phương pháp điều trị này cũng trùng hợp với việc chữa bệnh “mở khóa đầu” của các thầy lang hiện nay.

Tuy nhiên, đây chỉ là một quan điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân của một bác sĩ Đông y. Trong khi đó, những lời đồn thổi để tăng thêm phần kỳ bí về căn bệnh này vẫn tiếp tục được thêm thắt. Vì vậy, sự vào cuộc của ngành y tế là điều cần thiết để xác định rõ về căn bệnh lạ này với những các phương pháp khoa học chuyên ngành.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/thuc-hu-benh-mo-khoa-dau-16046/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY