Tình yêu và giới tính hôm nay

Thực hư về “giác quan thứ 6”

Trong đời sống mỗi người đều có ít nhất một lần được linh tính mách bảo. Linh cảm hay linh tính ấy thường được gọi là giác quan thứ sáu.

- Có một chuyện gì đó vừa xảy ra và bạn bỗng ngờ ngợ là đã biết chuyện này một lần nào đó trong quá khứ.

- Đôi khi trong cuộc sống, người ta chợt cảm thấy lo lắng, sợ hãi về một việc và rồi dừng lại không làm nữa để lúc sau nhận ra mình vừa may mắn thoát khỏi một rắc rối lớn thế nào.

- Nhiều lúc, bạn vừa nghĩ đến ai đó thì người đó gọi điện tới.

Ảnh minh họa

Giác quan thứ 6 - những lý giải khoa học

Giác quan thứ sáu không gắn với một bộ phận nào của cơ thể. Nó nằm ngoài năm giác quan cơ bản làm cầu nối con người với thế giới bên ngoài: thính giác, khứu giác, thị giác, xúc giác và vị giác. Cũng chính vì thế, giác quan thứ sáu được nhiều nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu như một bộ môn khoa học “ngoài” khoa học.

Giác quan thứ sáu cho phép con người đón nhận thông tin từ thế giới xung quanh thông qua một kênh đặc biệt, còn gọi là “siêu nhiên”, vượt trội hơn hẳn sức mạnh của 5 giác quan cơ bản.

Các chuyên gia thống nhất nhận định rằng những linh cảm mà giác quan thứ sáu mang đến xuất hiện khá thường xuyên trong cuộc sống và nhiều khi nằm ngoài kiểm soát của con người.

Tiến sĩ tâm lý học Timothy D. Wilson, Đại học Virginia (Mỹ), cho rằng: "Linh cảm là sự gợi nhớ từ một miền vô thức. Đây không phải là những ký ức bị dồn nén hay những cảm xúc nguyên thủy mà là một cơ chế trong não có tác dụng điều hành các thông tin về cảm giác cùng với những hành động vượt ra ngoài tầm ý thức của con người.

Còn tiến sĩ Gary Klein, tác giả cuốn sách "Trực giác hoạt động", thì cho rằng “khả năng nhìn thấy cái vô hình của ai đó chính là những năng lực tiềm tàng của trực giác. Đặc biệt, những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra những quyết định sinh tử và tức thì như lính cứu hỏa, bác sĩ trực cấp cứu hay lính trận thường là những người hay thấy xuất hiện giác quan thứ sáu. Họ thường thực hiện các hành động theo một linh tính nào đó trong những tình huống khẩn cấp khi họ không thể chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.

Hai nhà tâm lý A. Beliapxki và V. Lixiekin, tác giả cuốn sách "Những bí mật của tiên đoán" viết: “Giác quan thứ sáu là một đặc tính kỳ lạ của con người. Có thể đây là bậc cao nhất của tư duy con người, là hợp thể của tất cả các tri thức, cảm giác, thông tin di truyền hoặc đã được lý giải, hoặc đã lặng lẽ thâm nhập vào tiềm thức của chúng ta mà chúng ta không biết.”

Nhưng nhà toán học Sergey Subanov lại lý giải hiện tượng này theo cách khác, dựa trên lý thuyết về xác suất. Cuộc sống của mỗi người dài trung bình vài chục ngàn ngày. Vì sao lại không thể có trong đó vài ngày "kỳ diệu" hay có những trùng hợp không thể tin nổi?. Trong số này, giả sử có khoảng một triệu người thường xuyên gặp may đi nữa, nhưng đó chỉ là một giọt nước trên biển. Nhưng từng ấy trường hợp cũng khiến người ta phải nói và viết không bao giờ hết.

Trải qua nhiều nghiên cứu, một số nhà khoa học tin rằng tất cả mọi người đều đã từng trải qua cảm giác giác quan thứ sáu ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, tuy nhiên mức độ mạnh mẽ của giác quan này cũng khác nhau, phụ thuộc vào thế giới tinh thần ở mỗi người.

Ảnh minh họa

Linh tính của danh nhân

1. George Soros: Nhà tỷ phú Mỹ xếp hạng 38 trong số những người giàu nhất thế giới, là một ví dụ về khả năng tận dụng giác quan thứ 6. Phần lớn các cuộc đầu tư bạc tỷ của Soros đều dựa vào linh cảm. Ông cũng nói rằng mỗi khi lưng mình bắt đầu nhói đau là tín hiệu báo trước một điều gì đó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra. Khi đó, ông nghiên cứu kỹ lại các điều kiện hoặc rút lui đúng lúc và nhờ vậy đã nhiều lần tránh được thất bại.

2. Mendeleev: Truyện kể rằng nhà bác học Nga Mendeleev đã nằm mơ thấy hiện rõ ra trước mắt toàn bộ bảng các nguyên tố hóa học, và ông chỉ việc chép lại. Điều này có thể giải thích là có lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm vấn đề này và đến khi chín mùi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ.

3. Napoleon: Khi đánh vào nước Nga năm 1812, Napoleon đã linh cảm là sẽ thất bại nhưng ông vẫn cứ tiến hành, vì theo ông, cái vĩ đại chỉ cách cái lố bịch có một bước.

4. Mozart và Newton: Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo, Mozart đã khẳng định rằng, mỗi tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết tinh của nguồn cảm hứng, tư duy sáng tạo và do linh tính mách bảo. Nhà vật lý, toán học và thiên văn học Newton cũng từng thừa nhận linh tính đã đưa ông đến những phát minh vĩ đại.

5. Churchchill: Cố thủ tướng Churchchill của nước Anh đã từng thoát chết nhờ linh tính mách bảo. Năm 1944, khi Churchchill vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe chạy. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, làm thành một hố bom lớn, ngay chỗ Churchchill vừa đứng. Ông viết trong tập hồi ký của mình rằng: "Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng".

Bình Nguyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/thuc-hu-ve-giac-quan-thu-6-21702/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY