Sức khỏe hôm nay

Thương đừng cho roi cho vọt

(SKGĐ) Những đứa trẻ sống trong bạo lực thường xuyên sẽ kém phát triển mọi mặt về thể chất và tinh thần. Bạn, cũng như những ông bố, bà mẹ tuyệt vời khác chắc hẳn không bao giờ muốn điều đó xẩy ra với con mình. Và đó chính là lý do để chúng ta ngay lúc này cùng cam kết nói không với bạo lực khi nuôi dạy con cái.

Kỷ luật không nước mắt

Chính xác thì đây là tên một chương trình của ThS. Trần Thị Ái Liên, Giảng viên ĐH. Berkeley (Mỹ) và Đại học Hoa Sen Việt Nam. Chương trình bàn về việc từ chối bạo lực trong nuôi dạy con cái, thay vào đó là hình phạt “không đau, không sợ, không khó chịu”. Theo phân tích của ThS. Trần Ái Liên, đa phần các ông bố bà mẹ đều mong muốn con nghe lời như một điều rất chính đáng mà không biết rằng chính mình đang tạo ra một thứ quyền lực một chiều, nghĩa là bạn ra lệnh và con cái phải nghe theo. Và đây chính là mầm mống cho sự phản kháng của bé. Theo Thạc sỹ Liên “quyền lực chỉ có sức mạnh khi có sự đồng ý” và thay vì ép con cái nghe lời, hãy cùng nhau hợp tác. Nghĩa là có sự đối thoại hai chiều và điều luật được đưa ra dựa trên sự thuyết phục, thương lượng và thống nhất trước khi đưa ra quy định. Và một khi đã đưa ra quy định thì cả bố mẹ và con cái đều phải tuân thủ đúng quy định ấy.

Nguyên tắc thưởng phạt

Chỉ phạt lỗi thường xuyên

Không có ai không bao giờ mắc lỗi, bởi thế bé chỉ đáng bị khiển trách khi lặp lại lỗi lầm đó. Để có sự công bằng trong thưởng phạt, điều luật thưởng phạt đưa ra càng rõ ràng, chi tiết càng dễ áp dụng và nhất thiết phải có sự thống nhất từ trước. Khi bé phạm một lỗi lầm chưa có trong điều luật quy định, bé nghiễm nhiên không bị phạt vì nó không nằm trong quy ước. Điều bố mẹ cần làm là phân tích cho bé hiểu việc làm của bé là không đúng và tiếp tục thảo luận để đưa lỗi mới này vào quy định thưởng phạt.

Phạt cái muốn, không phạt cái cần

Cái cần ở đây là những nhu cầu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của con người như ăn (cơm, rau, thịt cá), uống nước, tắm rửa, học hành… Còn cái muốn có thể hiểu đó là những điều con muốn nhưng nếu không được đáp ứng cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý. VD: ăn kem, kẹo bánh, chơi Ipad, xem tivi, đi chơi cuối tuần… Như vậy, nếu con chưa ngoan, bạn sẽ không phạt con không được ăn cơm mà sẽ phạt con không được làm điều con muốn như: không được ăn kem, không được uống nước ngọt, không được xem tivi hay đi chơi cuối tuần.

Dựa trên cố gắng, không dựa trên kết quả

Đa phần chúng ta đều muốn con mình là người về nhất, học giỏi nhất lớp, chăm ngoan nhất xóm, đàn hay nhất đội. Nhưng nếu ai cũng nhất cả thì ai sẽ là người về nhì, chưa nói ba, tư, năm. Và nếu như khả năng của con không thể đạt đến cái nhất đấy thì đó cũng đâu phải là lỗi của con. Bởi thế, hãy thưởng phạt dựa trên sự cố gắng, tiến bộ của con, đừng dựa trên kết quả. Bạn không thể đặt ra mục tiêu “được điểm 10 mẹ sẽ thưởng” trong khi khả năng hiện tại của con chỉ đạt đến điểm 6. Đặt mục tiêu quá sức của con, sẽ xẩy ra một trong hai khả năng: Con không bao giờ được thưởng dù đã cố gắng, và sẽ sinh ra tâm lý tự ti, “mình là người kém cỏi; Con sẽ gian lận nhằm đạt được điểm 10 để được phần thưởng.

Vì vậy, để khuyến khích con, hãy cho con một mục tiêu mà con có thể đạt được nếu con cố gắng. Nếu hôm trước con được điểm 6, hôm nay con được điểm 8 thì đã là một bước tiến bộ, cũng là đáng khen và đáng được thưởng rồi chứ không phải cứ phải điểm 10 mới được khen.

Hai hình thức phạt không đòn roi

Góc bình yên

Khi con mắc lỗi, bạn có thể chọn “góc bình yên” làm hình phạt. Góc bình yên hiểu đơn giản là một góc trống trong nhà, không có đồ đạc gì để con không bị phân tâm, chỉ có một mình bé ngẫm nghĩ về lỗi của mình. Hình phạt này chỉ nên áp dụng khi bé đã hiểu được luật nhân quả, khoảng 3 tuổi đến dưới 10 tuổi. Thời gian đứng phạt được tính theo công thức số tuổi bằng số phút (3 tuổi = 3 phút, 4 tuổi = 4 phút), tối đa không quá 15 phút và không quá 20 lần/ngày.

Lưu ý: Cách nhận biết bé đã biết quy luật nhân quả: Thử hỏi bé 10 câu hỏi khác nhau (VD: Bật đèn lên, hỏi bé: Tại sao đèn sáng => Vì bật đèn nên đèn sáng), nếu bé trả lời đúng từ 7 câu trở lên nghĩa là bé đã hiểu được quy luật nhân quả.

Phạt không được đi chơi/xem ti vi…

Đánh vào sở thích của bé cũng là một hình thức phạt hiệu quả mà không cần đến bạo lực. Nếu bé rất thích xem tivi và vẫn được phép xem 1 tiếng/ngày, thì khi bé phạm lỗi bé sẽ bị phạt không được xem tivi nữa, thời gian phạt có thể là 1 ngày, vài ngày hoặc 1 tuần tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của lỗi mà bé mắc phải. Tương tự, bạn có thể phạt bé không được ăn kem, không được đi sở thú, không được đi xem phim…

Khi lời nói bất lực, cũng cần những ngoại lệ

Trong một vài trường hợp, nếu trẻ không nghe lời khuyên của bố mẹ hãy để trẻ được trải nghiệm và lãnh hậu quả đương nhiên. Chắc chắn lần sau bé sẽ không dám lặp lại điều đó. Tuy nhiên với trường hợp bất khả kháng, cha mẹ phải quyết định lựa chọn cách giải quyết để “kiểm soát tổn thất” (những hành vi ảnh hưởng đến tính mạng của con, hậu quả khó lường phải dùng bạo lực để giảm thiểu tổn thất) thì sau đó cha mẹ phải chính thức xin lỗi con trẻ.

Nghệ thuật khen chê

Khen trung thực, chân thành, cụ thể. VD: Không khen chung chung “con giỏi quá” mà phải khen “con ăn/tự mặc quần áo/quét nhà… giỏi quá”.

Chê không gây tổn thương, chỉ có hành động xấu con luôn luôn tốt. Vì thế không nói “con hư quá, con lại làm đổ sữa rồi”; mà nói “sữa lại đổ nữa rồi”. Không nói “con ăn chậm quá” mà nói “ăn chậm quá”. Chủ ngữ không bao giờ là “con”, mà là sự việc/hành động.

                            Nhi Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thuong-dung-cho-roi-cho-vot-3889/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY