12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Thường xuyên bị chóng mặt, nguyên nhân do đâu?

Huyết áp thấp, mất nước, nhiễm trùng tai giữa, thiếu vitamin B1... là những vấn đề sức khỏe có thể khiến cơ thể thường xuyên bị chóng mặt, choáng váng.

Trong hầu hết các trường hợp, cơn choáng váng (chóng mặt) sẽ giảm dần trong vòng vài phút, vài giờ và sẽ hết sau khi nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cơn chóng mặt diễn ra thường xuyên và không giảm, nó có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý.

Huyết áp thấp

Hay còn gọi là hạ huyết áp, đây là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt, đặc biệt là khi bạn thay đổi tư thế từ nằm đột ngột ngồi dậy hoặc đứng lên. Khi đó, máu không di chuyển nhanh lên đầu, bạn có thể trải qua cảm giác bị đau đầu. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn nên đổi vị trí cơ thể từ từ.

Thiếu máu, tuần hoàn máu kém

Nếu bạn bị thiếu máu, cơ thể bạn không nhận được đủ máu giàu oxy gây cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, xanh xao, hay nhức đầu. Thiếu máu có thể xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu chất lâu ngày, phụ nữ bị rong kinh, người bị nhiễm giun sán…

Rối loạn tiền đình

Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: viêm dây thần kinh số 8 bởi virút, do thoái hóa, do viêm tai giữa,…Rối loạn tiền đình sẽ gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng rất dữ dội, có thể kèm buồn nôn, nôn, da xanh tái.

Mất nước

Mất nước là khi cơ thể bạn không có đủ chất lỏng để hoạt động. Triệu chứng này xảy ra khi bạn uống quá ít nước mỗi ngày, nhất là vào những ngày trời lạnh. Mất nước có thể khiến bạn chóng mặt thường xuyên, mệt mỏi, ít đi tiểu, nước tiểu đục và không nhiều... Để điều trị chứng chóng mặt do mất nước gây ra thì bạn chỉ cần nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể sẽ nhận được hiệu quả tích cực ngay.

Làm việc căng thẳng

Tình trạng chóng mặt có thể xảy ra khi đầu óc bị căng thẳng, hoặc phải tập trung làm việc trên máy tính trong thời gian dài.

Để ngăn chóng mặt do căng thẳng lâu dài cần thường xuyên tập thể dục, giảm uống rượu bia và chất kích thích như cà phê. Người bệnh có thể tập thiền, tập hít thở sâu để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Đau nửa đầu

Cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Cùng với đau đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng như giảm tầm nhìn, buồn nôn, ói mửa, người lâng lâng và mệt mỏi... Đặc biệt, người bị chứng đau nửa đầu sẽ rất dễ bị chóng mặt và triệu chứng chóng mặt này có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không bị đau đầu.

Nếu nghi ngờ mình bị chóng mặt do đau nửa đầu gây ra thì bạn nên lưu ý hạn chế rượu, caffeine. Ngoài ra, tốt nhất là bạn nên đi khám để nhận được chữa trị tốt nhất vì bệnh đau nửa đầu migraine sẽ gây nhiều khó chịu cho các sinh hoạt hàng ngày.

Tác dụng phụ của thuốc

- Một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, thần kinh… có thể gây tác dụng phụ chóng mặt. Bạn cần báo cho bác sĩ về việc bị chóng mặt nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, các bác sĩ có thể sẽ giúp bạn thay đổi thuốc hoặc có biện pháp giải quyết phù hợp.

- Khi chóng mặt đột ngột diễn ra cách tốt nhất là nên tìm chỗ nằm nghỉ. Khi triệu chứng tạm ổn, nên nhờ người đưa đi khám bệnh. Đồng thời cần di chuyển nhẹ nhàng, thay đổi tư thế từ từ, không đột ngột ngồi hoặc đứng bật dậy vì sẽ làm tăng nguy cơ té ngã do chóng mặt.

Thiếu vitamin

Thiamin, hay còn gọi là vitamin B1, là dưỡng chất thiết yếu giúp duy trì hệ thống thần kinh trung ương. Nếu thiếu thiamin, cơ thể không xử lý nhiên liệu chuyển hóa thành năng lượng đúng cách, dẫn đến mệt mỏi, nhịp tim không đều và hệ thống thần kinh bị suy nhược. Theo thời gian, thiếu thiamin có thể dẫn đến bệnh cơ tim, hoặc tim to ra, sau đó cản trở lưu lượng máu đến não bộ, gây ra chóng mặt. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần được tư vấn của bác sĩ.

Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) thường gây ra tình trạng mệt mỏi liên tục, thậm chí ngay sau một giấc ngủ ngon. Các triệu chứng của CFS bao gồm chóng mặt, khó giữ cân bằng, thường xuyên mệt mỏi hoặc các dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, khó nhớ, khó tập trung, đau cơ...

CFS là một chứng bệnh khá khó trị vì nó tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe mỗi người. Do đó, khi gặp các dấu hiệu vừa kể trên thì tốt nhất bạn nên đi khám để điều trị đúng cách và không gây hại về sau.

Nên chú ý đến sức khỏe của bản thân. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, kéo dài, tốt nhất nên đến thăm khám bác sĩ để nhận được sự tư vấn chuyên sâu.

Tường Vi

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/thuong-xuyen-bi-chong-mat-nguyen-nhan-do-dau-27989/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY