Theo Financial Times, ông Anders Tegnell - người được xem là “kiến trúc sư” của chiến lược chống dịch “khác biệt với số đông” của Thụy Điển - nhận định rằng cách tiếp cận "nói không" với phong tỏa của quốc gia Bắc Âu sẽ đảm bảo rằng họ sẽ có số lượng ca thấp khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 xảy ra trên thế giới.
Ông Tegnell ước tính sẽ có khoàng 40% dân số ở thủ đô Stockholm sẽ miễn dịch với Covid-19 vào cuối tháng này, khiến cho quốc gia này lợi thế trước virus mà “chúng ta sẽ phải sống cùng một thời gian dài”.
Tuy nhiên, ông Tegnell tỏ ra không chắc chắn về viễn cảnh Thụy Điển sẽ đạt được “miễn dịch cộng đồng” - mức độ mà khoảng 80% người dân sẽ nhiễm bệnh và ngừng lây lan sau đó.
“Tôi không nghĩ là chúng tôi hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới sẽ tiến đến miễn dịch cộng đồng vì căn bệnh sẽ không biến mất”, ông Tegnell cho hay.
Ông cho rằng sẽ có làn sóng lây nhiễm bệnh thứ 2 vào mùa thu và Thụy Điển khi đó sẽ có mức độ miễn dịch cao và số ca bệnh sẽ ở mức thấp. “Phần Lan sẽ có mức độ miễn dịch thấp. Liệu Phần Lan có phong tỏa toàn bộ tiếp một lần nữa hay không?”, ông Tegnell đặt ra câu hỏi.
Thụy Điển đã thu hút sự chú ý của thế giới trong thời gian qua do cách tiếp cận với dịch bệnh khác biệt so với các nước khác. Thay vì ban hành các lệnh phong tỏa chặt chẽ như các quốc gia, Thụy Điển vẫn để mọi thứ diễn ra bình thường và chống dịch dựa vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.
Trường học, nhà hàng, quán café, tiệm ăn vẫn mở bình thường trong khi giới chức kêu gọi người dân tự nguyện thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện tại, Thụy Điển có trên 25.000 ca Covid-19 và 3.175 người ch*t, theo đại học John Hopkins (Mỹ), cao hơn rất nhiều so với các nước hàng xóm ở Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.
Ông Tegnell cho biết sẽ mất từ 1-2 năm để biết được chiến lược nào hiệu quả cao nhất cũng như hậu quả để lại với xã hội.
Ông Tegnell tin rằng các lãnh đạo châu Âu khác lo ngại rằng hệ thống y tế bị quá tải nên đã chọn cách tiếp cận đóng kín cửa ngăn dịch lây lan. Ông cũng nhận định vắc-xin Covid-19 có thể sẽ mất nhiều năm để được phát triển và đưa tới tay toàn bộ dân số trên thế giới.
Ông cho rằng việc chờ đợi vắc-xin lúc này là không nên và thay vào đó các nước nên lựa chọn những chính sách có tính bền vững.
Tuy nhiên, Thụy Điển cũng vấp phải phản ứng trái chiều với cách tiếp cận này khi số ca Tu vong của họ ở mức cao so với dân số. Ông Tegnell cho rằng, số ca Tu vong Thụy Điển cao là do họ làm chưa tốt nỗ lực ngăn dịch ở các nhà dưỡng lão và đây là điều khiến họ hối tiếc.