Tình yêu và giới tính hôm nay

Tiền chồng, tiền vợ và sự lỏng lẻo hôn nhân

(SKGĐ) Sự tách rời về tài chính có thể là cánh cửa tự do cho cuộc hôn nhân của bạn đến bờ tan vỡ.

Về đến nhà, thấy chị chồng từ nhà mình ra, chị Hồng (Đội Cấn, Hà Nội) vội vào hỏi chồng: “Hôm nay anh lại cho chị ấy vay tiền à?...”. Mới nghe đến đó, anh Tuấn, chồng chị đã cắt ngang luôn: “Em đừng càu nhàu nữa, tiền anh, anh biết mình làm gì, đây lại là chị gái anh”. Đến đây chị Hồng lại thấy mình bị “mắc họng”.

Mấy tháng nay, số lần vợ chồng chị Hồng lục đục càng nhiều hơn, lần nào cũng dính với cụm từ “tiền anh, tiền em” vốn là chuyện “rõ như canh nấu hẹ” trong gia đình chị suốt 7 năm qua nhưng thời gian gần đây nó thực sự trở nên nguy hiểm .

Ảnh minh họa

Tự do rất thú vị

Ngay từ khi mới cưới, anh chị đã thỏa thuận sòng phẳng: “Vợ kiếm tiền lo liệu việc nội trợ, sắm sửa lặt vặt. Chồng phải có trách nhiệm chi tiêu những việc lớn trong nhà như sắm xe cộ, đất đai, nhà cửa…”. Chính vì thế vợ chồng chị đều thấy thoải mái trong khuôn luật “nghĩa vụ của ai người đó phải hoàn thành”, “tự do của người này là không xâm phạm tự do của người khác”. Vợ thì không lột túi chồng mỗi khi kỳ lương đến. Chồng cũng không bị gò bó trong cảnh “đút tiền vào ví vợ thì khi đi uống nước với bạn bè cũng khó rút ra vài đồng”.

Với vị trí phó phòng của công ty truyền thông lớn, mức lương hàng tháng có được khiến chị Hồng ung dung với trách nhiệm chuyên trị những khoản tiêu nhỏ trong gia đình. Còn anh Tuấn chồng chị vì “sĩ diện” nên phải cố gắng “cày đào”, phải lo chu toàn nghĩa vụ sắm sang đồ đắc tiền nếu không muốn bị vợ… khinh. Vì phân chia thế nên không ít lần anh hỏi “mượn” tiền chị để chi vào chuyện làm ăn rồi cuối tháng lại hoàn đầy đủ.

Khi cả gia đình đi ăn hàng thì anh phải đứng lên móc ví thanh toán hóa đơn. Không ít người nghĩ họ là tình nhân. Chị đã từng cười và hãnh diện về sự cấp tiến trong việc quản lý tiền bạc của vợ chồng mình. Và càng hãnh diện hơn khi nghe mấy cô bạn cứ than thở: “Cầm tiền chồng khổ lắm. Mình phải căn ke, tính toán chi tiêu, ông ấy chả thèm để ý gì, khi hết tiền lại nghi mình hoang phí, chả sướng gì đâu”.

Cứ thế, trong vài năm đầu cuộc hôn nhân của họ diễn ra êm thấm vì cả hai chưa ai nhiều dư giả để người này phải ngó nghiêng khoản riêng của người kia, nên chẳng mấy khi hục hặc.

Nhưng lúc chạm vạch đỏ ai thua?

Nhưng tất cả đã không còn như hiệp ước ban đầu từ khi công việc làm ăn của chồng đến thời “phát” lên nhanh chóng. Chị biết rất rõ “giờ anh giàu rồi” trong khi túi chị vẫn chỉ như xưa. Chị không được như nhiều phụ nữ khác là khi chồng giàu thì túi mình cũng giàu lên. Bởi anh giàu thì anh giữ cho anh, anh vẫn chỉ bỏ ra khi gia đình cần khoản lớn. Thỉnh thoảng anh cũng chỉ “vung” ra một ít: “em may thêm quần áo, lo thêm cho con”. Nhìn xung quanh, chị mới nhận ra đó chỉ là “hạt rơi, hạt vãi”… Chị rơi vào cảnh chồng giàu mà vợ không thể quản được.

Nhiều ngày nghỉ, kỳ lễ, nhìn anh tổ chức “khao” họ hàng, bạn bè mà chị thấy xót. Anh chi thoải mái, gấp mấy lần khoản anh “thêm” cho chị. Nhưng nếu chị nhắc thì y rằng anh sẽ cáu: “Đã thế lần sau em ở nhà đi, anh có bắt em chi ra đâu mà em kêu ca nhiều thế”.

Khi về thăm họ hàng nhà chồng, anh cũng hồn nhiên chi ra phong bì, biếu người này người kia, không cần cho vợ biết trong đó có bao nhiêu và luôn nói “Đây là chút lòng thành của con biếu cha mẹ” (của anh thôi chứ không phải của vợ chồng anh, và chị cũng không được anh ủy quyền như nhiều người vợ khác).

Ngược lại khi về thăm nhà vợ, anh đưa cho chị ít tiền và nói: “Em cho ông bà bao nhiêu, anh không biết nhưng đây là khoản của con rể”. Lúc đó chị mới thấy khoảng cách lớn quá giữa tình vợ chồng.

Cũng từ chuyện tài chính mà chị nhận thêm sự lỏng lẻo trong cuộc hôn nhân của mình. Đó là khi chồng dư giả, anh em bên chồng thường đến nói chuyện mượn tiền, chung vốn làm ăn. Nhưng rặt một điều, anh không hề bàn gì với chị, bởi đó là tiền trong túi anh mà, có nói thì cũng chỉ qua quýt thôi.

Vậy mà mỗi lần đi chơi với bạn bè, chị cứ phải gầm mặt nghe họ khen: “Hồng có chồng giàu sướng quá”. Có ai biết rằng tiền của chồng chị đâu có cầm. Chồng có bao nhiều tiền chị cũng đâu biết rõ. Ấy thế mấy cô bạn còn thủ thỉ vào tai chị chuyện các ông có tật hễ giàu lên là… đổi vợ và hết lòng xui chị các cách thắt chặt túi của chồng. Lòng dạ rối bời. Trãi qua nhiều đêm mất ngủ chị nhận ra cái thỏa ước sòng phẳng ban đầu đang giết dần giết mòn cuộc sống của chị với uất ức, nghi ngờ chồng chất.

Hết chịu nỗi sự giằng xé đó, chị đề nghị một thỏa ước mới với anh: “Ngày xưa mình chỉ đủ sống, nên vợ chồng mình phải tiền anh tiền em. Bây giờ khá giả hơn nhiều, em muốn tiền em cũng là tiền anh và tiền anh cũng là tiền em như bao gia đình khác. Em sẽ giúp anh quản lý tài chính trong ngoài…”.

Chưa nghe vợ nói hết anh Tuấn đã phản ứng ngay: “Trời, làm thế chi cho mất công. Tiền em, tiền anh gì đó ai quản lý đều không quan trọng. Quan trọng là bao năm nay dù lúc có tiền hay không có tiền anh đã khi nào “trốn tránh nghĩa vụ” chưa? Anh mua xe hơi, sắm thêm nhà mới cho mẹ con em… rồi còn gì nữa. Nên em đừng nghĩ đến chuyện thay đổi cho cho rắc rối”.

Nghe chồng nói mà chị Hồng rớt nước mắt nhưng chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Và cũng từ đó, với tâm lý của người yếu thế luôn sợ chồng có bồ, sau mọi cuộc cãi vã, chị đều phải là người xuống nước trước. Chị hiểu rằng, giờ đây, chị chỉ có đứa con để níu giữ anh. Nhưng nếu anh vì người đàn bà khác mà dứt bỏ chị thì anh cũng đủ điều kiện để giữ quyền nuôi con hơn. Vì vậy, nếu thời gian có thể quay ngược lại, chị sẽ “soạn” lại cái thỏa thuận ban đầu!

Chung cuộc đời tiền phải chung

Vấn đề quản lý tài chính gia đình là một mấu chốt quan trọng của hôn nhân. Nhiều người không muốn li hôn cũng chỉ vì những vấn đề về khoản tài chính chung. Thế nên sau đám cưới, không ít vợ chồng thỏa thuận rất rõ về cách quản lý tài chính. Nhưng cách mà chị Hồng và anh Tuấn sử dụng không an toàn cho hôn nhân.

Chuyên gia tâm lý Tạ Thị Mão (Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc, Tp.HCM) nói rằng: “Vợ chồng mà phân công, chia chác tiền bạc thì khác nào góp gạo thổi cơm chung”. Không nên để một người quá “thít” chặt thu nhập của người kia, mỗi người cần có những khoản riêng nhưng cần phải có những quy định về khoản chung.

Nếu như anh Tuấn cứ lo việc lớn, chị Hồng cứ lo việc nhỏ và thêm một điều khoản chung thì có lẽ đến lúc này chị Hồng không phải đau khổ và hối hận như thế. Mặt khác, nếu những ông chồng như anh Tuấn không bồ bịch, không lăng nhăng thì cũng dễ có nguy cơ “lạm phát” bởi đàn ông “Khi nhiều tiền thì cũng dễ vung tay”.

Sự thỏa thuận lại cũng không hề đơn giản khi mỗi người đã đi vào quán tính của mình. Chính vì vậy chuyên gia tâm lý cho rằng, không nên xít chặt tài chính của chồng, không chặt chẽ đến o bế nhưng nhất nhất “một bờ một cõi” thì chỉ như bạn bè sống chung.

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tien-chong-tien-vo-va-su-long-leo-hon-nhan-18994/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY