12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Tin HOT: Chi tiết hành trang cần chuẩn bị khi đi tiêm vaccine COVID-19 sắp tới

Theo dự kiến, TP.HCM sẽ tiêm hơn 800.000 liều vaccine COVID-19 bắt đầu vào ngày 19/06/2021 ở 1.000 điểm tiêm chủng. Vậy để đảm bảo an toàn sức khỏe, đâu là hành trang cần chuẩn bị khi đi tiêm vaccine COVID-19

CẦN CHUẨN BỊ GÌ KHI ĐI TIÊM CHỦNG COVID-19 SẮP TỚI?

1. Trước khi tiêm COVID-19:

Một tinh thần thư giãn, thoải mái và một sức khỏe thật tốt chính là những yếu tố quan trọng trong hành trang cần chuẩn bị khi đi tiêm vaccine COVID-19. Vì thế, trước ngày tiêm phòng bạn nên ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất, tuyệt đối không nên để bụng đói khi đi tiêm và hãy tắm rửa sạch sẽ, nhất là cánh tay trái nơi sẽ tiêm ngừa.

Đặc biệt, để có thể hỗ trợ và tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch, bạn nên bổ sung nhiều các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể như: Rau có lá màu xanh đậm (bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống…); Hành, tỏi, nghệ; Việt quất… Ưu tiên uống đủ nước, ăn canh hầm hoặc súp để nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh, góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Tránh uống rượu bia ăn, tránh ăn những thức ăn khó tiêu như phô mai, thức ăn chiên/xào, kẹo hay bánh nướng… nữa nhé!

Nên ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất trước khi tiêm phòng COVID-19.

2. Trong khi tiêm COVID-19:

Điều đầu tiên bạn cần làm chính là thực hiện nghiêm quy tắc 5K đi đến nơi tiêm phòng. Hãy đeo khẩu trang và khiên che mặt đến nơi tiêm phòng, ngồi giãn cách 2 mét với người khác, không nói chuyện, hạn chế chạm tay vào những nơi không cần thiết. Ngoài ra, bạn cần tự trang bị cho mình những vật dụng cần thiết như: 1 chai nước rửa tay nhỏ gọn, 1 cây bút cho riêng mình và gia đình....

Trước khi tiêm, các nhân viên y tế sẽ khám cho bạn để đảm bảo bạn an toàn. Sau đó, nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn 2 tờ giấy như sau:

- Phiếu sàng lọc: Phiếu sàng lọc nhằm lọc ra những ai an toàn, những ai có nguy cơ khi tiêm. Bạn chỉ cần điền chính xác họ tên, ngày sinh, địa chỉ và trả lời đúng những câu hỏi như sau: “Có đang mắc bệnh cấp tính không?”; “Có tiền sử dị ứng gì không?”; “Có tiền sử tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày không?”; “Có tiền sử rối loạn miễn dịch, ung thư, cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch?”; “Tiền sử rối loạn đông cầm máu hoặc dùng thuốc kháng đông”; “Có đang mang thai hay cho con bú không?”…

Nếu có vấn đề thắc mắc hoặc không rõ, bạn hãy hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn chi tiết. Và tốt nhất, hãy mang theo sổ khám bệnh có ghi thuốc mà bạn đang uống mỗi ngày (nếu có) khi đi tiêm nhé!

- Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng: Phiếu này nhằm cung cấp những thông tin về lợi ích của tiêm chủng, cũng như những phản ứng bất lợi không mong muốn và cách giải quyết. Bạn hãy đọc kỹ phiếu này, nếu đồng ý thì ký tên nhé!

3. Sau khi tiêm COVID-19:

Sau khi tiêm, bạn cần ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi sức khỏe. Không nên đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, không xoa nơi tiêm, chỉ nên vịn miếng bông gòn nếu nhân viên y tế yêu cầu. Sau 30 phút, nhân viên y tế sẽ khám lại, đo huyết áp, nếu ổn thì bạn sẽ được cho về. Nhân viên y tế cũng sẽ cho bạn một mã QR code, bạn nên quét mã này để khai báo mỗi ngày.

Sau khi tiêm, bạn có thể bị sốt nhẹ, khó chịu, mệt mỏi...

Sau khi tiêm vaccine có thể có những triệu chứng thường gặp như: sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa sau khi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt (sốt nhẹ và phổ biến là sốt khoảng 38 độ C), ớn lạnh, buồn nôn, đau đầu, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban… Sau khi về nhà, bạn cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 7 ngày sau khi tiêm và cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh. Cụ thể:

- Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Sau khi tiêm vaccine, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế bạn nên bổ sung 2-3 lít nước/ ngày để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Hãy bổ sung vào cơ thể các loại nước uống như: nước hoa quả (nước chanh, nước cam, nước bưởi ép), nước rau, nước ORESOL, nước có pha thêm chút muối...

- Chế độ ăn giàu vi chất dinh dưỡng: Ăn đa dạng từ 15-20 loại thực phẩm trong ngày; Cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật; Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh (200-300g/người/ngày) và hoa quả chín (100-200g/người/ngày)...

- Ưu tiên ăn thực phẩm chín mềm, dễ tiêu: Sau khi tiêm, có thể bạn sẽ mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau. Vì thế, bạn nên bổ sung thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp củ quả, súp gà/cua… Đồng thời bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để “giảm tải” cho hệ tiêu hóa. làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

- Nếu sốt từ 38 độ trở xuống: Nhiệt kế, thuốc hạ sốt, áo ấm... chính là những vật dụng cần thiết trong hành trang cần chuẩn bị khi đi tiêm vaccine COVID-19. Sau khi tiêm vaccine COVID-19, bạn nên theo dõi thân nhiệt, nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Nếu sốt từ 39 độ trở lên: Nếu có những phát hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ C trở đi, tím tái, khó thở, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, lừ đừ… bạn nên báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Và cần lưu giữ cẩn thận phiếu xác nhận tiêm chủng và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo.

AI LÀ NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ƯU TIÊN TIÊM CHỦNG COVID-19?

Được biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lần này sẽ được TP.HCM thực hiện từ 5-7 ngày. Vaccine sẽ được ưu tiên tiêm cho những đối tượng thuộc Nghị quyết 21 bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ… Ngoài ra, trong đợt tiêm này, TP.HCM dự kiến sẽ bảo vệ các khu công nghiệp, đặc biệt công nhân tham gia sản xuất.

HIỆU QUẢ THỰC TẾ CỦA VACCINE COVID-19?

Vaccine COVID-19 giúp phòng bệnh trở nặng và tránh nguy cơ phải nhập viện hay tử vong.

Để có cái nhìn chính xác hơn về hiệu quả của vaccine, chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của hàng chục nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Nhờ được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mà hầu hết bệnh nhân đều chỉ nhiễm virus SARS-CoV-2 chứ không mắc bệnh COVID-19. Cụ thể, chỉ có 4 người giảm khả năng ngửi và một vài người cảm thấy mệt mỏi nhưng đã nhanh chóng khỏe lại, còn lại đều không có biểu hiện, triệu chứng của bệnh. Từ đó có thể thấy, ngoài việc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thì tiêm vaccine chính là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tránh nguy cơ phải nhập viện hay tử vong.

Nhìn chung, tiêm vaccine COVID-19 không những là quyền lợi của cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Y tế địa phương sẽ lên danh sách và thông báo với bạn ngày và nơi tiêm vaccine cụ thể. Ngay bây giờ, bạn hãy đợi đến lượt tiêm của mình, tìm hiểu thêm về những điều cần làm và hành trang cần chuẩn bị khi đi tiêm vaccine COVID-19, tuyệt đối không nên quá hoang mang, lo lắng nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/tin-hot-chi-tiet-hanh-trang-can-chuan-bi-khi-di-tiem-vaccine-covid-19-sap-toi-31174/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY