Tâm sự hôm nay

Tình huống nhạy cảm

Vào đầu năm 1961, khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai chuyển toàn bộ lên Bệnh viện C ở số 43 phố Tràng Thi, Hà Nội. Bệnh viện C trước đây vốn là một bệnh viện nội khoa dành cho các cán bộ trung cấp. Vẫn lấy tên là Bệnh viện C nhưng nay nội dung phục vụ là mới, là một bệnh viện chuyên khoa Phụ và Sản.
Vào đầu năm 1961, khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai chuyển toàn bộ lên Bệnh viện C ở số 43 phố Tràng Thi, Hà Nội. Bệnh viện C trước đây vốn là một bệnh viện nội khoa dành cho các cán bộ trung cấp. Vẫn lấy tên là Bệnh viện C nhưng nay nội dung phục vụ là mới, là một bệnh viện chuyên khoa Phụ và Sản.

Vài tháng sau khi chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai lên, vào một buổi chiều, khi các bác sĩ có chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phụ khoa đã nghỉ, tôi ở phòng khám, nhận được một bệnh nhân nữ do Bệnh viện Phủ Doãn (nay là BV Việt Đức) chuyển sang khám chuyên khoa với chẩn đoán nghi là u nang buồng trứng. Tôi rất lo, vì người gửi là bác sĩ A, một cán bộ lớn tuổi, bậc thầy của tôi, có tiếng ở Bệnh viện Phủ Doãn. Tôi nói với anh y tá đi theo bệnh nhân rằng: “Hôm nay không có ai ở nhà, nếu tiện, sáng mai anh cho bệnh nhân trở lại, tôi sẽ nhờ người khác khám cho chính xác hơn”. Anh y tá đáp: “Thôi anh cứ khám đi, tôi về trình bày với bác sĩ A, nếu cần khám lại thì sẽ chuyển sang sau, tiện hơn”.

Tôi hỏi kỹ người bệnh, có dấu hiệu đau bụng âm ỉ, có khi có dấu hiệu bán tắc ruột, gõ bụng có chỗ đục, chỗ trong như kiểu bàn cờ. Đến khi thăm trong thì không thấy cực dưới của khối u. Nhớ lại lời dạy truyền khẩu của GS. Đinh Văn Thắng rằng: “Hễ khám ngoài thấy có khối u mà thăm trong không thấy cực dưới của khối u thì khối u đó không phải là của buồng trứng”. Kết hợp với khám ngoài không thấy rõ ranh giới của khối u lại gõ thấy chỗ trong chỗ đục như kiểu có dính dấp gì đó, tôi ghi vào hồ sơ: “Không thấy u nang buồng trứng, nghi viêm phúc mạc do lao” và ký ở dưới có ghi tên họ rõ ràng. Tôi cũng không quên nhắc lại anh y tá một lần nữa cho tôi xin lỗi bác sĩ A, vì tình huống nhạy cảm này nếu bác sĩ A cần người khác xem lại thì sáng mai xin lại chuyển đến.

Hôm sau, hôm sau nữa và cả tuần sau nữa tôi để ý không thấy bệnh nhân được chuyển trở lại, đinh ninh là công việc đã ổn thỏa. Ngờ đâu, sau 2-3 tuần, khi đi họp ở trường với nhiều anh em cán bộ giảng dạy của bộ môn Ngoại, tôi bị đùa liên tục: “Thằng Liêu là thằng nào, thằng Liêu là thằng nào?”, người nọ người kia thi nhau nói. Tôi chột dạ. Câu mắng kiểu này chỉ có thầy Tôn Thất Tùng hay dùng thôi. Tôi vấn tâm, trong vòng 1 tháng nay tôi không gửi một trường hợp nào sang Bệnh viện Phủ Doãn với chẩn đoán ngớ ngẩn về một bệnh ngoại khoa nào đó để có thể bị thầy Tùng mắng. Thấy tôi băn khoăn, lo lắng, bồn chồn trong suốt buổi họp, cho đến giờ giải lao, BS. Đỗ Đức Vân (về sau, BS. Đỗ Đức Vân là GS.TS. Nhà giáo Nhân dân, Phó Trưởng Bộ môn Ngoại của Trường Đại học Y Hà Nội) kéo tôi ra gốc cây xà cừ nói nhỏ nhẹ: “Số là như thế này, anh A gửi sang các anh bên Bệnh viện C một trường hợp với chẩn đoán nghi ngờ là u nang buồng trứng, nhưng bị anh trả lời là không phải u nang buồng trứng mà là viêm phúc mạc do lao. Anh A cáu lắm và mắng đổng: “Thằng Liêu là thằng nào?” rồi đích thân anh mổ, tôi là người phụ cho anh, toàn ổ bụng dính ghê gớm, anh gỡ mãi, gỡ suốt 4 tiếng đồng hồ, bới tới tận hai buồng trứng bình thường mới thôi!”.

Tôi thở phào, nhẹ cả người, thầm cảm ơn anh Đỗ Đức Vân. Nhưng tôi vô vàn mang ơn thầy Đinh Văn Thắng đã cho tôi một chiếc chìa khóa vàng để yên tâm loại trừ chẩn đoán u nang buồng trứng và cố gắng tìm nguyên nhân khác để chẩn đoán thay thế và đã đúng.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tinh-huong-nhay-cam-6157.html)

Chủ đề liên quan:

nhạy cảm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY