Tình yêu và giới tính hôm nay

Tò he và Sài Gòn cho tôi cuộc đời khác

(SKGĐ) Khi phố xá lên đèn, từng dòng người thong thả bước đi, tìm một chút bình yên sau ngày làm việc mệt nhọc. Đã mười mấy năm, chị Vũ Thị Hiệp gắn bó với cái nghề lặn tò he này giữa lòng Sài Gòn.

Ảnh minh họa

Sài Gòn chắc có chỗ cho mình

Người phụ nữ 38 tuổi ấy vẫn ngồi lặng lẽ đón đợi những đôi tình nhân ghé ngang làm móc khóa chữ hoặc chờ các bé đến xúng xính mấy đồng lẻ mua lấy con tò he xinh xắn. Đã mười mấy năm, chị Vũ Thị Hiệp gắn bó với cái nghề này…

Chị Hiệp ngồi một góc trước nhà sách Nhân Văn trên đường Cách Mạng Tháng Tám nhờ thêm ánh sáng từ nhà sách để bán buôn. Chị vừa làm móc khóa và vòng tay bằng cách ghép chữ vừa nắn những con tò he bằng bột xinh xắn. Chị thích ngồi ở đây vì có nhiều người qua lại. Nhưng chị còn thích ngắm nhìn các cô cậu học trò lăn xăn vào nhà sách mua tập vở. Nhìn chúng, chị lại nhớ đến hai đứa con ở ngoài quê.

Hà Tây (ngoại thành Hà Nội bây giờ) trong ký ức của chị là những tháng ngày còn con gái nhiều chàng trai theo đuổi. Rồi chị gặp anh và gắn bó cùng nhau. Chị sinh được hai đứa con, một trai, một gái. Hồi đó nhà nghèo con gái chị lại bị bệnh lao cột sống. Hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo lo chữa bệnh cho con.

Chị ngưng tay nhào bột, ánh mắt xa xăm: “Hồi đấy, mình chỉ cầu trời cho con bé được sống, được đi lại bình thường, không chịu đau đớn thì mình có ra sao cũng chịu”. Chị kể, bé Chăm, con gái chị đã 3 tuổi mà không biết nói năng, không đi đứng được. Nhìn ánh mắt lanh lẹ của con mà lòng người mẹ như bị muối xát, kim châm. Anh em họ hàng thương tình cho vay mỗi người ít tiền để vợ chồng chị lên Hà Nội chữa bệnh cho con.

Mất gần hai năm chữa trị, đến một ngày, con bé bỗng đứng được rồi chập chững đi. Chị mừng như được sống lại lần nữa. Hai vợ chồng lại cố gom tiền để chăm sóc cho con. Các bác sĩ còn bảo, về nhà mổ lợn ăn mừng.

Chị ngậm ngùi: “Hồi đấy vắt kiệt hết mọi thứ rồi, chỉ dám nấu hai mâm cơm mời bà con ăn mừng con hết bệnh chứ lợn đâu mà mổ!”. Nhưng cũng từ đó, nỗi lo nợ nần chồng cao chất ngất lại khiến anh chị phải oằn mình. Họ quyết định cắn răn rời quê vào Sài Gòn, để con lại cho ông bà chăm sóc.

Chị Hiệp bảo, chị đánh liều vì nợ chất đến bốn, năm trăm triệu rồi. Sài Gòn rộng lớn chắc có nơi có chỗ để mình sống và dành dụm từ sức lao động của mình. Mình siêng năng, không dối trá thì chắc đất không phụ người.

Chị cười hiền: “Ấy vậy mà mười năm rồi! Đến giờ, tôi đã trả dứt nợ, hai con ở quê được học hành. Chẳng những thế, tôi còn dành dụm được chút ít tiền mua mẫu đất ngoài quê để xây nhà. Con đường đời của mình thật không ngờ. Tất cả cũng nhờ vào tò he với móc khóa. Tôi bán sản phẩm từ sức lao động chân chính!”.

Những cái Tết mưu sinh với nghề lặn tò he

Cứ 7 giờ tối là chị chạy chiếc xe gắn máy cũ kỹ ra góc đường quen thuộc. Chị bày cái bàn gỗ có rất nhiều ô nhỏ để chữ. Những con chữ lấp lánh, nhiều màu sắc kèm theo nhiều hình ảnh để các đôi tình nhân lựa chọn làm móc khóa hoặc vòng tay. Mỗi chữ giá 5.000 đồng. Nhiều đôi tình nhân đi dạo rồi ghé ngang hàng chị Hiệp. Các anh con trai hay chọn một dãy chữ xếp vòng tay cho người yêu.

Chị tâm sự, cứ mỗi lần nhìn họ, mình lại nhớ đến mình hồi trẻ. “Tự nhiên thấy hạnh phúc khi được làm cho họ một món quà vun đắp thêm tình yêu đấy!”. Một đôi tình nhân ghé lại chọn chữ. Chị ghép cho cô gái một vòng tay và tặng thêm những hình trái tim lấp lánh! Chị nhìn tôi, nháy mắt khi cô gái cứ khoe với bạn trai mình: “Đẹp quá!”

Một bên bàn gỗ, chị cắm những con tò he làm bằng bột, đủ màu sắc và hình dáng. Một cái ghế xếp đặt xuống gần đấy. Chị bắt đầu nhào bột nắn tò he. Bột phải nhào đều tay và liên tục mới mềm và dẻo được. Những cục bột đủ màu sắc cứ được kéo căng ra rồi nhào lại. Chị để chúng xuống, lấy một thanh tre và bắt đầu nắn nót. Chưa đầy hai phút, một sản phẩm nghệ thuật đã ra đời. Đó có thể là con sóc nhỏ, một bông hoa, nàng tiên cá xinh đẹp hay ông già Noel.

Có những vị khách nhí không được mẹ đồng ý mua tò he cứ đứng tặc lưỡi, sờ hết con này đến con kia. Mỗi con tò he chị bán năm nghìn. Chị nói: “Mười năm trước, một con chưa tới hai nghìn, rồi từ từ lên ba nghìn, bốn nghìn cho đến giờ là năm nghìn”.

Tò he của chị không chỉ hút khách nhí mà còn níu chân người lớn. Nhiều người đi dạo không khỏi tò mò: “Chị làm sao hay quá! đẹp thiệt đó!”. Chị Hiệp chỉ cười: “Cái nghề nó dạy mình vậy chị ạ!”. Nói vậy thôi, chị cũng học chứ làm sao biết được nhiều hình dạng đáng yêu mà các bé thích.

Đầu tiên, chị làm theo ý “thượng đế”. Các bé đòi chị nặn thế nào thì chị nặn thế ấy. Có nhiều bé mang cả hình ra cho chị xem nên vài lần chị nhớ. Giờ, bàn tay cứ “phù phép” một chút là có ngay một sản phẩm đẹp mắt. Hồi ở quê, chị cũng học lóm ông bà nắn nót tò he. Không ngờ nó là cái nghề gắn với đời mình. Được gặp gỡ khách hàng là các bé, chị cũng vui và đỡ nhớ con.

Cũng có không ít những chuyện vui buồn trong những ngày tháng rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn. Có hôm, chị bán hàng cho những vị khách “quên” mang tiền. Và sau khi họ về thì họ cũng “quên” trở ra để đưa tiền lại cho chị. “Những hôm đấy, lòng thật buồn nhưng mà thôi. Cuộc sống có khi thế này có khi thế kia. Cũng có lúc chị được người ta đặt hàng lấy mấy chục con tò he. Bù qua, đổ lại mình cũng không đến nỗi!”, chị cười hà hà.

Nhiều cái Tết qua đi, chị đã chọn con đường hoa Nguyễn Huệ làm nơi vui Tết! Dù phải lo bán hàng để mong gom góp ít tiền về cho hai đứa con học hành mà không được hưởng cái tết trọn vẹn bên gia đình chị cũng lấy làm hạnh phúc. “Nhìn người ta đi chơi vui vầy mình cũng vui lây! Cố tranh thủ thêm ngày Tết để chắc mót thêm đồng nào gửi về đỡ đồng đó!”. Chị lặng lẽ nhìn đường, nhìn từng dòng xe cộ, tay không thôi nắn nót những con tò he mới…

T. D

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/to-he-va-sai-gon-cho-toi-cuoc-doi-khac-17294/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY