12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Tôi đã bị điếc chỉ sau 1 giấc ngủ, vĩnh viễn không có khả năng hồi phục - Đừng thức đêm nữa!

Đây là lời cảnh tỉnh của bạn H.T.H (26 tuổi, đến từ Quảng Ninh) dành cho những người có thói quen thức khuya và căng thẳng kéo dài.

Theo chia sẻ, sau một đêm ngủ dậy, H.T.H bị choáng váng nặng, nôn nhiều, không đi lại được và cảm thấy ù đặc một bên tai. Đi khám rụng rời khi nghe bác sĩ chẩn đoán bị điếc đột ngột một bên tai phải cấp độ nặng.

“Ngày 24/12/2020 sau một giấc ngủ dậy mình bị choáng váng rất nặng, nôn nhiều, không đi lại được và cảm thấy ù đặc một bên tai. Sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Thụy Điển đến 2h sáng ngày 24/12/2020 mình được chuyển lên bệnh viện 108 cấp cứu và tiến hành tất cả các xét nghiệm hiện đại nhất. Kết luận là mình bị điếc đột ngột một bên tai phải cấp độ nặng. Lúc đó bản thân và gia đình được bác sĩ tư vấn sẽ cố gắng phục hồi khoảng 60% thính giác trong khoảng 7-14 ngày. Mình đã rất buồn. Nhưng vẫn tin vào 1 kỳ tích”, H.T.H chia sẻ.

Chia sẻ của bạn H.T.H - (Ảnh chụp màn hình).

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, điếc đột ngột là tình trạng bệnh nghe kém đột ngột một hay cả hai bên tai (thường xảy ra ở một bên tai nhiều hơn). Người bệnh đột nhiên có dấu hiệu ù tai (cảm giác tai có tiếng ù như ve kêu, tiếng cối xay lúa, còi tàu, rì rào…), chóng mặt, cảm giác đầy tai. Bệnh nhân chỉ có khả năng điều trị phục hồi được thính lực nếu phát hiện và điều trị SỚM. Trong đó, sớm là sau vài giờ, sau điều trị tỷ lệ nghe lại được đạt hơn 90% so với ban đầu. Nếu bệnh nhân đến sớm trong vòng 3 ngày thì hiệu quả điều trị đạt trên 60-70%. Nếu để càng lâu thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị và có thể để lại di chứng nặng nề không nghe được tai đó nữa. Điều nguy hiểm là bệnh điếc đột ngột không có triệu chứng báo trước. Thực trạng hiện nay là không ít người bệnh không để ý thính lực kém một bên tai, không nghĩ mình bị điếc đột ngột nên khi đến khám đã ở trong tình trạng nặng.

Khi chia sẻ về nhóm nguyên nhân gây ra điếc đột ngột, các bác sĩ cho biết, 90% các trường hợp không rõ nguyên nhân cụ thể vì sao dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, cũng có một số nguy cơ được ghi nhận có thể dẫn đến điếc đột ngột là do vi khuẩn, do va đập,... Bên cạnh đó còn có làm việc căng thẳng, sốc, lo âu quá mức.

Nguy cơ này đúng với trường hợp của H.T.H, cô chia sẻ “bản thân mình thường xuyên mất ngủ, căng thẳng stress kéo dài trong lúc ngủ tim không đưa được oxy lên não gây chết tế bào ốc tai tiền đình, gây nên điếc đột ngột”.

Chỉ 3,6% bệnh nhân bị điếc đột ngột có thể hoàn toàn hồi phục thính lực - (Ảnh: Internet).

Theo thống kê, chỉ có khoảng 3,6% người bị điếc đột ngột hoàn toàn sẽ phục hồi thính lực. Khoảng 54,5% bệnh nhân bị điếc đột ngột một bên tai có thể hồi phục thính lực trong vòng 10 – 14 ngày nếu được điều trị kịp thời. Tình trạng điếc đột ngột trở nên tồi tệ hơn theo thời gian ở khoảng 15% bệnh nhân. Trong trường hợp này, máy trợ thính và cấy ghép ốc tai điện tử có thể hỗ trợ khả năng nghe cho người bệnh.

Nhắc đến khả năng hồi phục, H.T.H xót xa, “Sau gần nửa năm chữa trị, đến ngày hôm nay chính thức buông xuôi và mình chấp nhận sự thật là bản thân đã bị mất 1 bên thính giác vĩnh viễn - chỉ sau một giấc ngủ. Nửa năm qua, mỗi ngày đều phải tiêm truyền, nằm lồng oxy cao áp, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc mẹ và chồng, không tự đi lại được. Mỗi tiếng động đều khiến mình không chịu đựng được, thần kinh của mình rất yếu. 17 ngày điều trị đằng đẵng trôi qua trong sự buồn bã, bệnh tình không tiến triển, mình không hề đáp ứng với thuốc. Bác sĩ lắc đầu, vậy là không phải phục hồi 60% mà tai của mình không lên được 1% nào. Mình chỉ nằm ngủ 1 tư thế quay về bên trái, nếu quay sang phải sẽ choáng nặng, hoặc đêm ngủ say không biết có lỡ quay sang thì cả ngày sau sẽ ngơ ngẩn đầu óc. Những ngày đầu ra đường không phân biệt được âm thanh đến từ đâu, không tự sang đường, không lái xe được, đầu óc chậm chạp thực sự với một người như mình là một cực hình vậy. Suốt từ đó đến nay 6 tháng trôi qua là sự chạy chữa trong hy vọng mong manh, biết bao mũi kim châm vào mặt, vào thóp đầu, vào tai, vào tay, bao nhiêu loại thuốc. Đến tận giờ tai phải của mình lúc nào cũng có tiếng ve kêu rất to, hôm nào mệt nó sẽ lan ra khắp nửa đầu....Mỗi ngày ngủ dậy là mất hàng tiếng đồng hồ chờ load :))) Vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng ai có thể vui trong khi bản thân vừa bị điếc ở tuổi 26!”

Qua chia sẻ của bạn H.T.H, chúng ta thấy được thức khuya và căng thẳng kéo dài đã gây đến hệ luỵ nguy hiểm như thế nào. Bệnh điếc đột ngột cũng không phải là trường hợp hiếm gặp. Thực tế là mỗi năm có tới hàng nghìn bệnh nhân nhập viện vì điếc đột ngột. Vì vậy, khi nghe “o o, ù ù” trong tai và bị choáng nhẹ, người dân nên há miệng ngáp dài và nuốt nước miếng để máu tưới đều giúp tai hoạt động trở lại. Nếu tiếng “o o, u u” vẫn còn sau khi lặp lại việc nuốt nước miếng vài lần thì nên nghĩ ngay đến bệnh điếc đột ngột và tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng điều trị càng sớm càng tốt.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/toi-da-bi-diec-chi-sau-1-giac-ngu-vinh-vien-khong-co-kha-nang-hoi-phuc--dung-thuc-dem-nua-31129/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY