Sức khỏe hôm nay

Tổng quan kích thước, cân nặng, sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi

Ở tuần mang thai thứ 25, cơ thể mẹ sẽ có rất nhiều sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Cũng ở tuần này, thai nhi tăng cân nhanh chóng, bắt đầu tích tụ mỡ dưới da nhiều hơn để sẵn sàng cho việc giữ ấm cơ thể khi sinh ra.

Nếu mẹ đang mang thai ở tuần 25 và tò mò muốn biết sự thay đổi về kích thước, cân nặng cũng như những hoạt động của thai nhi thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi

1.1. Đặc điểm về kích thước, cân nặng

Chiều dài: Sang đến tuần 25, bé có sự tăng trưởng mạnh mẽ về cân nặng. Lúc này, chiều dài mông - đỉnh của bé rơi vào khoảng 22cm; chiều dài đầu - chân của bé vào khoảng 33 - 35cm.

Cân nặng: Về cân nặng, thai nhi tuần 25 có cân nặng trung bình khoảng 700 - 750gram. Hình dáng của thai nhi lúc này tương đương như một củ su hào hoặc một quả đu đủ nhỏ.

1.2. Các cơ quan trong cơ thể thai nhi 25 tuần phát triển như thế nào?

Mạch máu nhỏ: Ở tuần 25, các mạch máu nhỏ hay còn gọi là các mao mạch sẽ được hình thành trên da. Điều này giúp bé trông hồng hào hơn.

Mắt: Mí mắt vẫn đóng kín, bé chưa mở mắt. Tuy nhiên, bé đã có thể cảm nhận rõ sáng - tôi thông qua những tế bào thụ cảm thị giác – tế bào nón và tế bào que.

Hai bàn tay: Phát triển toàn diện, vân tay đã rõ nét, các nếp gấp ở bàn tay đã hình thành. Hoạt động nắm, duỗi bàn tay của bé ở tuần này đã linh hoạt hơn.

Tích mỡ: Lớp mỡ dưới da của thai nhi 25 tuần đã dày hơn. Nhờ điều này, làn da của bé bớt nhăn nheo so với các tuần trước đó.

Tóc: Phát triển mạnh mẽ. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ và mẹ có thể dễ dàng nhận biết tóc của bé.

Vị giác: Đang dần hoàn thiện. Bé đã có thể bắt đầu phân biệt được các vị

Răng: Mầm răng bắt đầu hình thành và kéo dài cho tới hết thai kỳ.

Hệ hô hấp: Mũi bắt đầu hít nước ối, bé có những hoạt động thở đầu tiên. Hai lá phổi bắt đầu sản xuất chất hoạt động bề mặt để phục vụ cho quá trình hô hấp. Tuy nhiên, phổi ở tuần thai này vẫn chưa thể oxy hoá máu.

1.3. Hoạt động trong bụng mẹ của thai nhi 25 tuần tuổi

Vào tuần mang thai thứ 25, bé đã hoạt động mạnh mẽ hơn với các động tác như cầm, nắm; nghịch dây rốn; nhào lộn trong bụng mẹ.

Thai nhi 25 tuần tuổi cũng đã phát triển sự cân bằng của cơ thể, nhận biết các chiều tư thế ở trong bụng mẹ. Mặc dù vậy ở tuần thai này, ngôi thai vẫn chưa xác định mà phải cần thêm một vài tuần nữa.

2. Những thay đổi của cơ thể mẹ khi mang thai 25 tuần

Ở tuần thai thứ 25, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi cả ở bên trong các hệ cơ quan đến hình dáng bên ngoài. Trong tuần 25, mẹ sẽ tăng thêm khoảng 0,5 kg so với tuần 24 và gặp phải những dấu hiệu như sau.

Tử cung: To lên và được đẩy lên gần ngực. Tử cung của mẹ bầu mang thai 25 tuần sẽ tương đương với một quả bóng.

Hội chứng chân không yên: Đây là hội chứng mà mẹ bầu sẽ cảm thấy đôi chân hoặc tay có cảm giác châm chích hoặc như kiến bò. Điều này xảy ra có thể do nguyên nhân nội tiết tố hoặc thiếu hụt một số dưỡng chất như sắt hay folate.

Hội chứng ống cổ tay: Có biểu hiện khá giống với hội chứng chân không yên và có thêm hiện tượng phù do cơ thể mẹ tích nước.

Vấn đề về hệ tiêu hoá: Cũng ở tuần mang thai thứ 25, mẹ sẽ gặp nhiều hơn hiện tượng đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Điều này khiến việc đi ngoài của mẹ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số mẹ bầu còn gặp phải bệnh trĩ ở giai đoạn này.

Huyết áp: Khi mang bầu 25 tuần, huyết áp của mẹ sẽ ở mức ổn định tương đương với trước khi mang bầu.

Ngoài ra lúc này, mẹ cũng cảm thấy bản thân thở nhanh hơn, gấp hơn và đôi khi là khó thở hơn so với trước đó. Điều này được lý giải là bởi dung tích phổi của mẹ đang tăng lên.

Mẹ mệt mỏi nhiều hơn: Ở những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ hai, kích thước thai lớn cùng sự thay đổi của hình dáng, các hệ cơ quan sẽ khiến mẹ cảm thấy nặng nề, khó chịu hơn rất nhiều.

Hiện tượng rạn da: Xảy ra nhiều và mạnh mẽ hơn do thai nhi lớn lên mỗi ngày. Một vài mẹ bầu còn cảm thấy rất ngứa ở vùng bụng, da bong tróc, khô ráp… Để cải thiện tình trạng, mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm cho bà bầu hoặc dầu dừa để bôi.

Mất ngủ: Bà bầu 25 tuần cũng sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc nhiều hơn. Để cải thiện, mẹ có thể thực hiện các động tác massage, ngâm chân nước ấm, nằm nghiêng về bên trái hoặc sử dụng tới gối ngủ.

3. Cách chăm sóc mẹ bầu mang thai 25 tuần

3.1. Tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học

Mang thai tuần 25, mẹ cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Các dưỡng chất mà mẹ cần tập trung ở giai đoạn này đó là chất xơ, vitamin, khoáng chất từ rau xanh, trái cây, các loại hạt, hải sản, thịt nạc…

Các dưỡng chất và nguồn cung cấp mà mẹ có thể tham khảo như:

Sắt: Là vi chất quan trọng giữ vai trò tạo hồng cầu, phát triển trí não ở trẻ cũng như tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá khác của cơ thể.

Thiếu sắt trong giai đoạn mang thai có thể khiến mẹ tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, tai biến sản khoa; khiến bé nhẹ cân, giảm phát triển trí tuệ, thiếu máu sau sinh..

Nguồn thực phẩm giàu sắt mà mẹ có thể tham khảo sử dụng đó là: thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, gan, tiết...các loại rau có nhiều sắt như rau dền, rau bina, các loại rau màu xanh…

Canxi: Là vi chất cần thiết cho sự phát triển khung xương của thai nhi, giữ cho mẹ một bộ xương chắc khỏe. Tuần mang thai 25 nói riêng và trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần khoảng 800mg- 1000mg mỗi ngày.

Nếu mẹ không bổ sung đủ canxi khi mang thai có thể khiến tăng nguy cơ đau nhức xương, răng dễ vỡ; thai nhi thiếu canxi khi còn là bào thai có nguy cơ còi xương sau khi sinh.

Thực phẩm chứa nhiều canxi mà mẹ có thể tham khảo sử dụng đó là sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, cá… Ngoài ra, mẹ cũng cần bổ sung canxi từ nguồn viên uống tổng hợp.

Acid Folic: Có nhiều trong rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây… Acid folic giữ vai trò ngăn ngừa các thiếu sót của ống thần kinh. Nhu cầu acid folic của mẹ bầu 25 tuần là 400 – 800 mcg/ ngày.

Ngoài bổ sung acid folic qua nguồn thức ăn, mẹ cũng cần tăng cường bằng viên uống tổng hợp để đảm bảo cơ thể không bị thiếu.

Kẽm và I ốt: Thiếu kẽm hay i ốt đều có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như sảy thai, sinh non, thai lưu… Vì vậy mẹ bầu nên bổ sung khoảng 12 mg kẽm và khoảng 175 đến 220mcg iod mỗi ngày.

Các loại vitamin khác: Cùng với những dưỡng chất kể trên thì các vitamin khác bao gồm vitamin A, B, D, C cũng vô cùng quan trọng. Mẹ cần bổ sung đầy đủ lượng vitamin này thông qua các loại thực phẩm đa dạng, nhiều rau trái và ánh nắng mặt trời buổi sớm.

3.2. Tích cực tập luyện để nâng cao thể chất và tinh thần

Ở tuần 25 mang thai, nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy nặng nề, khó chịu nhiều hơn. Song song với đó, mẹ chỉ muốn nghỉ ngơi mà không muốn vận động gì cả.

Tuy nhiên ở giai đoạn này, mẹ vẫn còn ⅓ chặng đường nữa trước khi kết thúc quá trình thai kỳ, bước vào giai đoạn chăm con sơ sinh. Vì vậy, mẹ vẫn cần một nền tảng thể lực thật tốt.

Hơn nữa, việc vận động thường xuyên còn rất tốt cho sự phát triển cả về thể chất và trí não của thai nhi. Vì vậy ở tuần mang thai này, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ mà mẹ có thể lựa chọn các hình thức vận động phù hợp.

Những môn thể thao mà mẹ bầu mang thai 25 tuần có thể lựa chọn đó là: yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe…

3.3. Chuẩn bị các kiến thức về sinh nở

Ở tuần 25, các bác sĩ khuyên mẹ nên bắt đầu tìm hiểu các kiến thức về quá trình sinh nở, những dụng cụ cần chuẩn bị, các kiến thức chăm sóc sau sinh…

Cũng tại tuần thai thứ 25, mẹ nên tích cực các hoạt động thai giáo để giúp con phát triển toàn diện hơn như đọc sách, cho con nghe nhạc, trò chuyện với con…

4. Những xét nghiệm, lời khuyên y tế khi mang thai 25 tuần

4.1. Khám thai, đánh giá sức khoẻ

Theo lịch trình thông thường thì ở tuần thai thứ 25, mẹ chưa cần phải siêu âm. Tuy nhiên khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường hay theo chỉ dẫn lịch hẹn, mẹ có thể thực hiện việc thăm khám ở tuần này.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm về đường huyết để phòng tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

4.2. Nhận biết những dấu hiệu bất thường ở tuần thai 25

Tuần thai thứ 25 vẫn nằm trong khoảng thời gian ổn định nhất của thai kỳ. Tuy nhiên ở một số mẹ bầu đã xuất hiện những cơn gò tử cung giả. Điều này nếu không được phát hiện và nhận biết chính xác thì có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm.

Vì vậy mẹ cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của thai nhi cũng như các dấu hiệu của cơ thể. Nếu có bất kỳ bất thường nào như đau bụng dữ dội, chảy máu, ra ối… thì mẹ cần tới ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Thai nhi 25 tuần cũng đồng nghĩa với việc mẹ bầu đã đi được ⅔ chặng đường của thai kỳ. Lúc này, em bé của bạn đã phát triển gần như hoàn toàn các hệ cơ quan, mang hình hài của một em bé sơ sinh.

Mẹ bầu 25 tuần cũng có sự thay đổi đáng kể về vóc dáng, sức khỏe. Để đảm bảo chăm sóc tốt cho cả hai mẹ con, bạn cần chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tránh việc tăng cân quá nhiều cũng như tích cực vận động để rèn luyện sức khỏe.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/tong-quan-kich-thuoc-can-nang-su-phat-trien-cua-thai-nhi-25-tuan-tuoi-33340/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY