Tình yêu và giới tính hôm nay

Trầm cảm không phải là một cảm giác, nó là một căn bệnh!

Đa số những người có ý nghĩ tự tử không muốn sống, nhưng họ cũng chẳng muốn chết, chỉ là họ muốn kết thúc nỗi đau của chính mình mà thôi.

Trầm cảm không phải là một cảm giác, nó là một căn bệnh!

Trời đêm lất phất mưa, từng hạt mưa đâm xuyên ánh đèn đường, đều đặn lướt qua cây cầu. Mang theo nỗi tuyệt vọng đến cùng cực, tôi lê từng bước nặng nhọc trên đường, mỗi bước đi đều được thúc đẩy bởi ý nghĩ muốn tìm đến “cửa tử”. Bức thư tuyệt mệnh đã được tôi viết sẵn, nó nằm gọn trong balo và đó cũng là thứ duy nhất mà tôi muốn còn sót lại sau đêm nay.

Khi bước lên cầu và nhìn xuống dòng sông đen ngòm đang chảy xiết, một phần trong tôi hét lên: “Dừng lại đi”, nhưng đôi chân tôi vẫn tiếp tục bước. Tôi - Joshua Beharry, lúc đó chỉ mới 22 tuổi.

Khi ra tới giữa cầu, tôi đánh rơi balo của mình. Trái tim tôi bắt đầu loạn nhịp. Bụng tôi quặn lên từng hồi. Tôi thực sự rất tuyệt vọng và nản chí. Nhưng tôi không muốn chết. Tôi quay lưng lại với mặt nước và cố gắng thuyết phục bản thân: “Dừng lại ngay! Quay lại đi!”, nhưng có vẻ như đều vô ích.

Không ai biết tôi đi đến bước đường này, nhưng tôi đã cố gắng rất nhiều để trở nên tốt hơn. Tư vấn tâm lý, dùng thuốc,… tôi đã thử tất cả những gì có thể nhưng kỳ tích vẫn không xảy ra, tâm lý của tôi vẫn không hề hồi phục. Tôi như đang bị mắc kẹt và tôi chỉ muốn kết thúc nỗi đau của chính mình.

Vì vậy, khi ánh đèn pha chiếu đến, tôi quay người lại và nhảy qua lan can. Khi chân tôi rời khỏi mặt đất, tôi nhắm nghiền 2 mắt lại, gieo mình xuống sông. Tiếng gió rít từng cơn là âm thanh cuối cùng tôi còn nghe được. Tôi va vào mặt nước, nhưng tôi không chết.

Khi tôi xuống nước, tôi ngạc nhiên vì mình còn sống. Lúc đó trong tôi bị khỏa lấp bởi nỗi buồn và sự tức giận. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và bị bỏ rơi, nhưng trên tất cả, tôi cảm thấy sợ hãi. Ham muốn được sống bắt đầu trỗi dậy và tôi đã cố gắng để bơi vào bờ. Tôi bị gãy xương nhưng may mắn là tôi đã sống sót sau đêm định mệnh đấy để có cơ hội sửa sai.

Joshua Beharry chia sẻ về lần anh tìm cách tự kết liễu đời mình.

Thực ra, trầm cảm không phải là một cảm giác, nó là một căn bệnh. Tôi từng căm ghét bản thân và trong tôi luôn ngập tràn nỗi đau khiến tôi không biết liệu mình có sống nổi hay không. Cơ thể tôi chậm chạp, mệt mỏi và dường như không còn một chút sức lực nào. Tất cả những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời tôi đều bị cắt đứt, như chưa từng tồn tại vậy.

Nhiều năm trước, tôi từng nghĩ đến việc tự tử, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mình làm việc đó. Tự sát chính là “vũ khí” trong giấc mơ của tôi, là cách để tôi văng ra 2 từ “chết tiệt” với thế giới và những người đã làm tổn thương tôi. Khi bị bắt nạt và quấy rối ở trường trung học, tôi cũng tự “an ủi” mình bằng cách tưởng tượng ra đám tang của chính mình, và rồi những cái tên khiến tôi khốn khổ sẽ được xướng tên lên.

Một số người cho rằng tự tử là một hành động hèn nhát hoặc ích kỷ, nhưng quả thật mà nói thì việc thực hiện nó không dễ dàng chút nào. Trong biến cố năm đó, tôi không muốn sống nhưng tôi cũng chẳng muốn chết. Vì vậy, với một người đã mất vì tự tử, chắc chắn có một điều gì đó rất kinh khủng đã xảy ra mới có thể cướp đi ý chí sống của họ, thuyết phục họ rằng cái chết là cách duy nhất để chấm dứt sự dày vò mà họ đang phải chịu đựng.

Tự tử: Xoáy sâu nỗi đau của người ở lại

Những vụ tự tử không phải là những cái chết êm đềm. Chúng hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đồng, để lại những vết thương lòng kéo dài nhiều thế hệ và không bao giờ được chữa lành hoàn toàn.

Khi một người ra đi vì tự tử, những người thân quen của họ sẽ khó lòng chấp nhận được sự thật rằng người thân yêu của họ đã ra đi mãi mãi. Nhìn vật lại nhớ người, nhưng vật còn đó mà người nơi đâu!

Và một khi thông tin, hình ảnh, video liên quan tới người đã mất được chia sẻ khắp nơi, nó sẽ dễ dàng áp đảo tinh thần của người ở lại, khiến họ suy sụp hoàn toàn. Đó là sự đau buồn, xót thương đến tột độ, hoặc là sự dằn vặt, oán trách bản thân vì không sớm nhận ra sự thay đổi của người thân đã mất,…

Khi một người ra đi vì tự tử, nỗi đau sẽ xoáy sâu vào lòng những người ở lại.

Theo CNN, trước một vụ tự tử đã xảy ra, dư luận không nên đổ lỗi hay cố tìm kiếm thông tin chi tiết về vụ việc. Tony Salvatore, Giám đốc phòng chống tự tử tại Montgomery County Emergency Service (Mỹ), nói rằng những người thân của người đã mất vì tự tử có thể miễn cưỡng chia sẻ câu chuyện của họ.

Tuy nhiên, phản ứng của những người hiếu kỳ thường khá vô cảm, thậm chí đổ lỗi cho người thân bằng những câu hỏi như: “Tại sao bạn không làm điều gì đó?” hoặc “Bạn không biết người đó mắc bệnh tâm lý sao?”. Loại phản ứng đổ lỗi đó, dù là vô tình đi chăng nữa thì nó cũng chỉ làm kéo dài thêm nỗi đau của những người ở lại – những người đang sống trong sự dằn vặt – và khiến họ cảm thấy tội lỗi hơn mà thôi.

Bản chất của con người là muốn xác định lý do tại sao một người lại tước đi mạng sống của họ, nhưng không có một lý do nào cả và thật không công bằng khi người ta cứ mong đợi câu trả lời”, Janet Schnell - nhân viên xã hội ở Indiana (Mỹ), lãnh đạo các nhóm hỗ trợ và cung cấp khóa đào tạo về phòng chống tự tử - người từng trải qua nỗi đau khi em trai tự tử cách đây 20 năm chia sẻ.

Nhưng trong trường hợp nhạy cảm này, những câu an ủi phổ biến như: “Giờ họ đang ở một nơi tốt hơn” hoặc “Họ sẽ không còn phải chịu đau đớn nữa”,… cũng có thể làm tổn thương những người ở lại. Bởi họ có thể tự hỏi lòng mình rằng: “Có lẽ nào vì mình không đủ tốt nên người thân mới rời đi bằng cách tự tử như vậy?”.

Đôi khi sự im lặng lại là sự lựa chọn tốt nhất, chỉ cần một cái ôm và sẵn sàng lắng nghe tâm sự của người ở lại là đủ rồi! Nhưng với hai từ “tự tử” thì lại khác, chúng ta cần nghiêm túc bàn luận về vấn đề này, vì nếu càng im lặng thì e rằng càng có nhiều khả năng mọi người sẽ xem nhẹ nó. Bởi lẽ, không phải tự dưng lại có ngày Thế giới Phòng chống Tự tử - ngày 10/9.

Xem thêm:

Tại sao một số người cảm thấy khó hạnh phúc hơn những người khác?

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tram-cam-khong-phai-la-mot-cam-giac-no-la-mot-can-benh-34110/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY