Sức khỏe hôm nay

Trẻ bị SỎI THẬN chỉ vì những thói quen hằng ngày của phụ huynh

Bệnh sỏi thận ở trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng, vì vậy, các phụ huynh cần chú ý cách chăm sóc cho trẻ, tránh những thói quen hằng ngày xấu có thể gây bệnh.

Sỏi thận hay sỏi đường tiết niệu là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận.

Sỏi trong thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.

Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển cọ xát vào đường niệu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, gây bế tắc, làm giãn nở và tạo ra áp lực tác động lên dây thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận... sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu và giảm chức năng co bóp đường tiểu gây nên các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản gây ra suy thận.

Hiện nay, bệnh sỏi thận không bỏ qua bất kỳ ai từ người già đến trẻ em và có xu hướng ngày càng tăng.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị sỏi thận

Tại buổi họp báo phát động ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2019, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ.

Không uống đủ nước là nguyên nhân quan trọng nhưng thường không được mọi người để ý tới. Nhiều trẻ nhỏ khi đến trường cả ngày không uống đủ 2.000ml. Với người lớn phải uống được 3 – 3,5 lít mới là mức cân bằng. Uống ít nước lại cộng ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, lười vận động rất dễ hình thành sỏi thận.

Do thói quen bổ sung canxi không đúng cách của các phụ huynh cũng gây nên bệnh sỏi thận. Nhiều người vì lo sợ trẻ thấp còi nên bổ sung canxi quá sớm và quá liều lượng khiến thận làm việc quá tải và gây nên hiện tượng sỏi thận.

Trong sữa mẹ, sữa công thức và canxi có trong thực phẩm hằng ngày đã có thể đáp ứng được nhu cầu canxi cho trẻ. Việc bổ sung canxi cho trẻ cần phải kiểm tra xem trẻ có thiếu hay không chứ không nên có tâm lý bổ sung “thừa còn hơn thiếu”. Trẻ có thể hấp thu canxi tốt nhất, bố mẹ nên cho trẻ hoạt động ngoài trời ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Ánh nắng mặt trời hoặc lượng vitamin D thích hợp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho trẻ.

Một lý do nữa khiến trẻ bị sỏi thận là do nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản), rối loạn chuyển hóa... Hoặc những người u xơ tiền liệt tuyến, nằm lâu ở bệnh viện hay bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục, lười ăn sáng, ít vận động… cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi thận.

Ngoài ra, còn một số lý do khác như:

- Yếu tố di truyền

- Bệnh gây rối loạn chuyển hóa: rối loạn enzyme, sỏi do tăng acid uric, sỏi calci oxalate không rõ ngồn gốc, do hội chứng ống thận

- Sỏi thận do sỏi niệu thứ phát

- Một số loại thuốc thải quá nhiều qua thận.

2. Triệu chứng của bệnh sỏi thận ở trẻ

Triệu chứng thường gặp ở trẻ bị của sỏi thận là dễ quấy khóc, sinh hoạt thay đổi do đau đớn, bé la khóc mỗi khi đi tiểu, cũng có thể đi tiểu ra máu.

Cần chú ý khi trẻ kêu khóc khi đi tiểu, nôn nhiều, ra nhiều mô hôi, người nhợt nhạt.

3. Cách điều trị sỏi thận ở trẻ

Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện lạ như trên thì nên đưa trẻ đi khám sức khỏe để xác định được chính xác trẻ bị sỏi thận hay không.

Khi trẻ còn nhỏ và kích thước sỏi bé, mới xuất hiện, các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ điều trị cho bé bằng thuốc nam như: bài thuốc chữa sỏi thận từ cây mã đề, bài thuốc từ cây kim tiền thảo, râu ngô, quả dứa, rau ngổ… Sử dụng những bài thuốc này vừa an toàn lại giúp đánh bay sỏi ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.

Với những sỏi có kích thước lớn, các bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp điều trị như: tán sỏi qua da, mổ nội soi để lấy sỏi ra khỏi cơ thể. Các phương pháp này giúp phá vỡ và loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể nhanh chóng, không gây đau đớn cho trẻ hay để lại sẹo cho trẻ. Với những phương pháp này, trẻ sẽ hồi phục rất nhanh nếu chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ trong và sau khi điều trị.

4. Cách phòng ngừa bệnh sỏi ở trẻ em

Nước có thể pha loãng nước tiểu và ngăn ngừa sự tập trung cao của muối và khoáng chất tích tụ thành sỏi. Vì vậy các bậc phụ huynh nên nhắc nhở trẻ uống nhiều nước mỗi ngày. Những trẻ có cân nặng từ 10–20kg cần uống từ 1–1,5 lít nước mỗi ngày. Những trẻ có cân nặng từ 20–30kg cần uống 11,75 lít nước mỗi ngày, trẻ có cân nặng trên 30kg cần bổ sung khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Cha mẹ có thể bổ sung lượng nước cho cơ thể bằng cách cho trẻ uống nước lọc, uống sữa, nước ép trái cây, hoặc nước canh, nước rau.

Bởi vì thành phần chính của sỏi thận là canxi nên cần kiểm soát lượng canxi hấp thụ vào đúng theo nhu cầu của cơ thể.

Ăn nhiều chất xơ có thể ngăn chặn sự xuất hiện của các loại sỏi. Việc bổ sung đủ lượng chất xơ tạo điều kiện thuận lợi cho hệ tiêu hóa và bài tiết.

Phụ huynh cần khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn, cho trẻ ăn nhạt, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều muối như: bim bim, thức ăn đóng hộp… Bổ sung rau xanh và hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày.

Nhắc trẻ không được nhịn tiểu, phải đi toilet ngay khi có cảm giác buồn tiểu.

Phong Vũ

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/tre-bi-soi-than-chi-vi-nhung-thoi-quen-hang-ngay-cua-phu-huynh-27326/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY