Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Trẻ bỏ nhà đi vì bị chê học dốt

Một cô bé 7 tuổi sống ở Thượng Hải bỏ nhà đi khi bị bố mẹ chỉ trích vì làm sai bài tập về nhà.

May mắn cô bé này sau đó được tìm thấy. Khi cảnh sát lần đầu tiếp xúc, cô bé rất kích động, không chịu về nhà dù có thuyết phục thế nào. "Bố mẹ luôn chỉ trích cháu học dốt, không xứng là con bố mẹ". Không những vậy, cô bé còn tố cáo mẹ thường xuyên đánh mình mỗi khi làm bài sai và đòi về ở với ông bà nội ở tỉnh Thiểm Tây.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ- Haim Ginott từng nói: "Phê bình là để trẻ nhận thức được khuyết điểm và làm cho chúng tiến bộ. Nhiều cha mẹ không nhận ra rằng nếu chỉ trích liên tục, trẻ không phát triển theo hướng mà họ mong đợi mà đôi khi còn phản tác dụng".

Tại sao những lời chỉ trích lại phản tác dụng

Trong chương trình "Cô giáo vui lòng trả lời" của đài truyền hình Bắc Kinh xuất hiện một cậu bé học lớp 2 có tên Trâu Kiêu. Mỗi lần kèm con làm bài tập về nhà, mẹ cậu luôn chỉ trích con trai, nào là tra từ điển chậm, thiếu dấu câu khi viết chính tả hay sai một phép toán đơn giản...

Điểm số của Trâu Kiêu không được cải thiện. Vì lý do này, mẹ yêu cầu cậu phải chăm chỉ học trước kỳ thi, nhưng thành tích rất tệ hại, càng học điểm càng kém.

Bất lực với con trai, người mẹ gia tăng vòng luẩn quẩn, chỉ trích và xúc phạm, thậm chí đánh con. Mỗi khi ngồi học cậu luôn thu mình lại, giống như một chú mèo con sợ hãi. Cậu bé 7 tuổi nói rằng: "Đôi khi chỉ cần mường tượng ra khuôn mặt mẹ là cháu đã cảm thấy run sợ".

Nhiều lời chỉ trích của cha mẹ không mang lại hiệu quả với con trẻ, thường vì những lời nói đó chứa đựng sự tức giận và buộc tội. Trẻ sẽ không cảm nhận được sự quan tâm mà chỉ thấy bản thân kém cỏi, thất bại trong học tập. "Thay vì khuất phục trước uy quyền của cha mẹ hay tiếp thu kiến thức, trẻ sẽ tập trung chỉ trích lại cha mẹ mình. Mọi việc nếu cứ tiếp diễn như vậy, gánh nặng tâm lý sẽ ngày càng nặng nề và việc học trở nên khó khăn hơn", Haim Ginott nói.

Điều trẻ cần là sự giúp đỡ chứ không phải sự phủ nhận

Trước những cảm xúc nổi loạn và thất vọng của trẻ, cha mẹ phải tự điều chỉnh bản thân mà còn phải giúp con thoát khỏi khó khăn.

1. Chấp nhận trình độ học tập của trẻ

Mọi đứa trẻ không phải lớn lên trong chốc lát và việc học cũng vậy, kiến thức được tích lũy từng chút một. Khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi trẻ là khác nhau nên việc làm chủ việc học đương nhiên cũng khác nhau.

Cha mẹ nên cho phép và chấp nhận tốc độ phát triển của con, chờ đợi trẻ và cho phép chúng sai lầm. Chỉ bằng cách kiểm tra những thiết sót khi mắc lỗi và tự bù đắp lại kiến thức cho mình, trẻ mới biết cách sửa lỗi và trưởng thành hơn từ đó.

2. Trẻ cần được khuyến khích nhiều hơn là chỉ trích

So với những lời chỉ trích, trẻ em thực sự cần được khuyến khích. Khích lệ con đúng cách có thể thúc đẩy sự tự tin, từ đó giúp trẻ kiên cường hơn trước những thử thách và thôi thúc nỗ lực đến cùng.

Chương trình tạp kỹ ăn khách gần đây của Trung Quốc có tên "Chiếc bàn học nhỏ đáng yêu" xuất hiện nhân vật là nhà văn Phó Thủ Nhĩ và hai con của mình. Những khách mời tham gia chương trình này đều nhận xét: "Cách giáo dục con của nữ nhà văn được so sánh như cầu vồng và mặt trời trên đầu con trẻ".

Đối mặt với con trai Khải Khải vốn luôn tự ti, Phó Thủ Nhĩ động viên: "Con có biết vì sao mẹ hay giao nhiều bài tập về nhà không? Vì con rất thông minh. Làm bài tập với con dễ như ăn miếng bánh vậy". Đối với con gái Hy Hy, một học sinh đang chán nản việc học, cô tìm ra điểm mạnh của con và khơi gợi sự tự tin của cô bé. "Thật tuyệt vời, chữ viết đẹp quá, đẹp đến nỗi mẹ còn phải ghen tỵ này". Với "làn sóng" động viên khích lệ, hai người con không chỉ có tinh thần phấn chấn cao mà còn hoàn thành bài tập một cách tích cực và hiệu quả.

Vì vậy, đừng keo kiệt với những lời động viên. Khi bạn nhìn thấy những khuyết điểm của con mình, trước tiên hãy tìm điểm mạnh và tiếp thêm sức mạnh cho sự tự tin đó, để con có động lực sửa chữa lỗi lầm của mình.

3. Giải tỏa cảm xúc và lo lắng

Cha mẹ cũng là con người chứ không phải thượng đế. Ban ngày đã làm việc kiệt sức rồi, tối kèm cặp bài vở cho con, không thể tránh khỏi việc kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc căng thẳng và mất kiểm soát đôi khi không tránh khỏi.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải biết cảm xúc của mình là gì và phải giải quyết nó trước khi dạy trẻ. Cần học cách giải tỏa cảm xúc như nghe nhạc, đi dạo hoặc chuyện phiếm với bạn bè. Chỉ khi những cảm xúc tiêu cực của bố mẹ được loại bỏ thì mới không truyền sang lũ trẻ.

Học tập là quá trình lâu dài, đừng để những lời chỉ trích biến việc học thành lao động khổ sai mà trẻ ghét và muốn vứt bỏ. Đứa trẻ giống như một hạt giống, môi trường khắc nghiệt sẽ chỉ buộc chúng tồn tại trong những vết nứt. Bạn không thể tưởng tượng được hạt giống này sẽ cho ra đời những bông hoa lộng lẫy, những loại trái ngọt ngào như thế nào. "Chúng có thể vươn lên, mọc cao chót vót lên đến tận trời", nhà văn Phó Thủ Nhĩ nói.

Theo VnExpress

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tre-bo-nha-di-vi-bi-che-hoc-dot-20201008100917998.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY