Tình yêu và giới tính hôm nay

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Tùy vào từng hoàn cảnh mà chữ “cậy” đó sẽ được hiểu ra là “hỗ trợ về tài chính” hay “dựa dẫm về tâm lý”.

Ảnh minh họa

Đắn đo mãi, rồi bà Nguyễn Minh Giang (Tân Bình, Tp.HCM) cũng nói thật với chồng: “Ông ơi, mọi thứ giờ đều đắt đỏ, buôn bán thì chậm, cả hai vợ chồng đều không có lương hưu, lãi tiết kiệm cũng không đủ, tôi sợ mình ăn lẹm vào khoản dành dụm thì sau này lấy gì mà dưỡng già. Hay là mình nói với con để chúng nó có thêm trách nhiệm?”.

Ông bà Giang cũng chỉ là tiểu thương nhưng biết dành dụm nên có khoản để dành. Khi con trai lập gia đình, tuy chưa cho con được một khoảng riêng nào, nhưng ông bà cũng chủ động nhận lo toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt thường ngày. Còn chuyện học hành của cháu thì vợ chồng con lo. Ông Giang nhất trí mang vấn đề đóng góp thêm ra bàn sau bữa cơm tối. Con trai bà không nói gì mà chỉ lắng nghe, gật đầu.

Nhưng cô con dâu thì có vẻ ấm ức với chồng: “Ba mẹ đã nói thế thì anh nên liệu mà tiết kiệm”. Tối đó, bà Giang nghe con dâu thỏ thẻ với chồng: “Hay giờ ba mẹ muốn mình đóng góp vì để dành phần kia cho chú út nhỉ...”. Bà buồn lòng, kêu với ông: “Biết thế bắt chúng nó có trách nhiệm từ khi mới cưới cho xong”.

Đến cơ sự này, bà Giang chạnh lòng nhìn sang nhà bà Hương bên cạnh. Gia đình họ kinh tế cũng không giàu có gì. Ông bà công nhân về hưu, các con cũng làm ngạch nhà nước. Nhưng ngay từ khi có con dâu về sống chung, ông bà đã phân rõ trách nhiệm cho con cái. Mỗi tháng, cô con gái út chưa lấy chồng đóng góp 500.000đ, vợ chồng anh con trai ăn uống chung thì 2.000.0000đ.

Chuyện ông bà mua quà cho cháu, hay con cái biếu bố mẹ tấm áo cái bánh thì tùy tâm, việc hiếu hỉ trong họ hàng thì đã có lệ định trước. Khi mọi thứ đắt đỏ lên, số tiền các con đưa vẫn thế, nhưng bà Hương không lấy vậy làm điều, chỉ cố chi tiêu dè xẻn hơn. Bà nghĩ các con làm công ăn lương cũng vất vả, rồi nhỡ có chuyện gì xảy ra thì còn có đường mà lo.

Dẫu có phiền lòng nhưng nhìn sang nhà ông Quyết, bà Giang lại thấy mình đã được an ủi nhiều hơn: “Dù sao mình cũng còn thoải mái hơn nhà ông ấy...”. Cả đời làm nông dân, ông Quyết dồn tiền nuôi con trai ăn học nên cũng chẳng còn gì để dành. Lên phố ở với con, ông cũng không có khoản tiêu riêng nào, mọi sinh hoạt chi trả do con dâu đảm nhiệm. Đôi khi con trai đưa ông vài chục, trăm ngàn tiêu vặt.

Cuối tháng, có nhân viên mang hóa đơn thu vài chục ngàn tiền điện, ông cũng đành hẹn tối về hỏi con dâu. Hôm trước, dắt đứa cháu nhỏ xuống phố, khóe mắt già nua của ông cay xè khi nó đòi que kem bông. Ông tủi thân dỗ cháu về vì sờ trong túi không còn tiền. Khi nào đi đám xá họ hàng, con mới đưa phong bì để ông mừng. Ông nghĩ dồn cho con công sức thời trẻ rồi, làm sao đòi con san lại khi về già nên cũng không than vãn để gia đình yên ấm.

Đổ về “xế chiều”, đôi khi người ta chạnh lòng thấy câu “trẻ cậy cha, già cậy con” không phải lúc nào cũng tròn vẹn vế sau. Tùy vào từng hoàn cảnh mà chữ “cậy” đó sẽ được hiểu ra là “hỗ trợ về taì chính” hay “dựa dẫm về tâm lý”. Dù gì, cha mẹ và con cái cũng rất nên nói thẳng, rành mạch quan điểm về tài chính và cách đóng góp chi tiêu để tránh những hiêủ lầm đáng tiếc về sau.

Đức Thành

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tre-cay-cha-gia-cay-ai-22325/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY