Hiểu biết về trẻ chậm phá triển trí tuệ
Chậm phát triển trí tuệ có nghĩa là các chức năng thần kinh bị chậm hơn bình thường hay nói cách khác là không phát triển được như mong đợi đối với trẻ.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp khó khăn khi học những điều mới. Sự bất lực này có thể tác động tới mọi khía cạnh phát triển của trẻ, từ học đi và đứng tới học ăn và nói.
Chậm phát triển trí tuệ không phải là bệnh, song chứng này xuất hiện ở giai đoạn đầu đời và kéo dài trong suốt phần còn lại của đời người. Không có cách gì để chữa hay điều trị chậm phát triển trí tuệ.
Tuy nhiên, có nhiều cách có thể tiến hành để hỗ trợ cuộc sống cho trẻ và gia đình. Chậm phát triển có thể ở dạng nhẹ, vừa hay nặng. Đa phần những trẻ chậm phát triển trí tuệ có sự thay đổi nhẹ. Bạn có thể xác định được mức độ chậm phát triển trí tuệ bằng cách nghiên cứu kỹ tiền sử phát triển của trẻ hoặc nhờ tới chuyên gia.
Đa phần trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nhẹ có thể đến trường được. Rất nhiều trẻ có thể học ở trường chính quy, đặc biệt là khi giáo viên quan tâm tới những nhu cầu của các trẻ này. Những trẻ em chậm phát triển khác có thể cần phải học ở trường dành cho trẻ em khuyết tật.
Hầu hết trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thể vừa sẽ cần học ở những trường đặc biệt. Trẻ có thể sẽ cần tới sự gợi ý và trợ giúp trong các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, trẻ cần học cách tự tắm rửa hay tự đi vệ sinh nhưng cũng cần có người nhắc hay thỉnh thoảng phải kiểm tra. Hầu hết những trẻ này phụ thuộc vào gia đình trong vấn đề hoà nhập xã hội.
Nếu trẻ mắc bệnh đặc biệt như thiểu năng tuyến giáp hay có những cơn ngất, hãy đưa trẻ đi khám chuyên gia y tế. Trừ những trường hợp đặc biệt hoặc hãn hữu, nói chung không có chỉ định dùng thuốc để điều trị chậm phát triển trí tuệ. Không tự ý dùng thuốc cho trẻ uống.
Mặc dù trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt nhiều mốc quan trọng trong cuộc đời. Cha mẹ cần phải được chuẩn bị để chấp nhận việc chậm đạt được các mốc này và thực tế trong việc mong đợi con họ đạt được.
Một số hướng dẫn chung dành cho cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Tùy theo mức độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ và lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên quyết định loại hình hoạt động nào họ muốn cho con học. Họ nên bắt đầu với những công việc đơn giản và chuyển sang những hoạt động ngày càng phức tạp hơn chỉ sau khi trẻ đã làm được những hoạt động đơn giản.
Các hoạt động nên được chia thành những phần việc nhỏ hơn. Ví dụ, việc tắm rửa có thể chia thành giai đoạn múc nước, cầm lấy xà phòng khi cha mẹ đưa cho trẻ, tự xoa xà phòng lên người, dội nước để làm sạch xà phòng và lau khô người bằng khăn tắm. Từng phần việc này phải được học riêng trước khi kết hợp thành một hành động phức hợp. Mỗi hoạt động nên được thực hành liên tục trong vòng ít nhất hai tuần trước khi cha mẹ chuyển sang dạy hoạt động tiếp theo.
Cha mẹ nên khích lệ trẻ thậm chí khi họ cảm thấy điều đó là vô nghĩa. Ví dụ, họ có thể nói chuyện hay đọc sách cho trẻ. Họ có thể cần phải sử dụng ngôn ngữ phù hợp cho những trẻ bé hơn. Khi trẻ nói nhiều hơn, các bậc cha mẹ nên tăng mức độ giao tiếp và kể chuyện cho trẻ. Cha mẹ nên có phần thưởng và động viên trẻ khi trẻ làm được việc gì cho dù là nhỏ.
Cha mẹ nên tìm những hoạt động để họ vừa có thể chơi với trẻ đồng thời lại có thể vẫn làm được việc nhà. Ví dụ, trẻ có thể học giúp mẹ các việc vặt trong nhà hàng ngày.
Những hoạt động xã hội như chào hỏi hay chia tay người khác, cùng chơi đồ chơi, xin phép lấy đồ của người khác, và học cách ứng xử với người khác giới là những khía cạnh quan trọng của việc điều chỉnh hành vi của trẻ để sống tự lập. Cha mẹ nên kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ và phải đóng vai trò gương mẫu cho trẻ. Cha mẹ không nên quá bao bọc trẻ mà nên để trẻ làm những việc vừa sức với bản thân. Điều này giúp trẻ tự tin hơn.
Để giúp cải thiện tình trạng trẻ chậm phát triển thì gia đình, cha mẹ phải cực kì kiên nhẫn và là chỗ dựa tinh thần cho bé.
Thanh Quế
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: