Nhiều phụ huynh đăng kí cho con học thiền để con biết tĩnh tâm hơn, bớt nghịch hơn... (Ảnh minh họa) |
Trẻ tập thiền ngoan hơn, điềm đạm hơn...
Chị Lê Thu Nguyệt ở Cầu Giấy Hà Nội là tín đồ của bộ môn thiền, yoga. Chị có hai cậu con trai, một cháu lên 10, một cháu lên 6. Nghe nói trẻ tập thiền sớm sẽ ngoan ngoãn và khỏe mạnh nên chị cho cả con đi tập. Đến mùa hè, chị thường gửi con lên chùa để tập thiền. Rất may là hai cậu con trai của chị rồi cũng thích thiền như mẹ. Chị bảo: Tôi thấy con mình dường như hiểu biết hơn, điềm đạm, ngoan hơn, biết chia sẻ với mẹ hơn sau khi tập thiền.
Không riêng nhà chị Nguyệt mà gần đây phong trào cho trẻ nhỏ đi tập thiền được khá nhiều phụ huynh quan tâm, thậm chí có cha mẹ cho con tập từ khi 3 tuổi. Nhiều người làm về xã hội hay theo Phật giáo gần đây cũng đã kêu gọi đưa thiền vào trường học. Một số trường mầm non ở Tp.HCM đã mang môn thiền, yoga vào dạy cho trẻ 3-5 tuổi.
Nhận xét về xu hướng cho trẻ tập thiền, Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, Giáo viên tại trung tâm Yoyo Yoga, 30 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội nói: “Ngày trước, các bậc cha mẹ thường hay đưa con đến các lớp học múa, học nhảy để các con có thể các con có thể mở rộng mối quan hệ của mình tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hình thành nên các kĩ năng mềm. Tuy nhiên hiện nay có nhiều phụ huynh đăng kí cho con học thiền để con biết tĩnh tâm hơn, đôi lúc là để kiềm chế các con bớt nghịch”.
Thiền giúp cho con người ta tập trung vào sự việc và giúp thanh lọc, gạt bỏ hết những cái tạp bụi khác. Có hai loại thiền là thiền tĩnh và thiền động. Thiền tĩnh là tĩnh tâm và thiền. Thiền động là hướng tập trung vào một việc và không bị loạn lên vì hoạt động nào khác. Thiền giúp cho mỗi bản thân tỉnh thức hơn, nhìn nhận những vấn đề trong cuộc sống tốt hơn, khi cuộc sống có quá nhiều công việc khiến cho bản thân mệt mỏi thiền giúp rà soát lại mọi vấn đề, khiến cho tâm trí lắng xuống để nhìn nhận lại vấn đề một cách từ tốn hơn.
Tiến sĩ khoa tâm lí học kiêm Thiền sư người Anh David Fontana và nhà tâm lý học Ingrid Slack, chuyên khảo sát về các hoạt động trẻ em, tin rằng nếu các em hành thiền hằng ngày thì đời sống của chúng sẽ tốt hơn. Họ đề nghị các bậc cha mẹ nên dẫn các em đến những nơi có tổ chức tu tập thiền định để nhờ các vị thiền giả dạy thiền cho các em, bởi vì “chúng ta càng giúp cho trẻ em có sự an bình cho cơ thể thì chúng ta càng có nhiều cơ hội tốt hơn để giúp cho các em không trở thành những kẻ sát nhân sau này”.
Nhưng đừng cố ép con tập thiền
Thiền nhìn chung là tốt cho sức khỏe, tâm trí. Nhưng mỗi trẻ có một đặc điểm tâm sinh lý riêng. Và trẻ nhỏ, không phải bé nào cũng nắm bắt được nhiều yêu cầu của việc ngồi thiền. Do vậy, bạn đừng cố ép con mình tập thiền, nếu thực sự điều đó không thích hợp với bé.
Chuyên gia Tuấn Anh nhận định: “Đối với trẻ nhỏ chưa có bất kì sự tiếp xúc tác động quá lớn nào đến suy nghĩ cho nên không bắt buộc phải cho các con học thiền. Bạn có thể đăng ký vào lớp yoga cho trẻ nhỏ. Khi tập một tư thế yoga, các con sẽ được người thầy hướng dẫn hít thở, các con tập trung vào động tác tự nhiên lúc đấy chỉ tập trung vào tập thôi vô tình khi đó các con đã đạt được trạng thái thiền rồi. Với những bé có xu hướng hướng nội có thể thích ngồi thiền vì bé cảm thấy phù hợp nhưng đối với những bé hơi có vấn đề về mặt giao tiếp như trầm cảm hay tự kỉ thì thật sự không nên để trẻ ngồi thiền”.
Những trẻ hiếu động chưa nắm bắt được tinh thần của thiền, nếu cứ bị cha mẹ ép ngồi thiền thì có khi còn gây tại họa cho trẻ
Trẻ con rất hiếu động bắt các con ngồi thiền thì thân tĩnh nhưng tâm lại rất động, mình càng bắt nó làm bao nhiêu thì nó càng phản kháng bấy nhiêu, lâu ngày như vậy các con sẽ bị ức chế tâm lí, ức chế thần kinh”.
Trẻ thích hợp với thiền động hơn thiền tĩnh?
Khi trẻ tập trung thiền động tức tập trung để làm một điều gì đó thì vô tình sẽ kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Kết quả là tư duy của trẻ phong phú hơn và phát triển hơn những trẻ ngồi thiền tĩnh, tuy thân tĩnh mà tâm không tĩnh.
Đồng thời khi trẻ thiền tĩnh, trừ những ai luyện yoga lâu năm và thực sự giỏi thì không ai có thể biết được trẻ đang nghĩ về những điều gì. Do vậy để dạy thiền được cho trẻ nhỏ cần phải là những người dày dặn kinh nghiệm cho trẻ em và thật sự hiểu các bé. Những giảng viên giàu kinh nghiệm dạy yoga giỏi chưa chắc đã có thể dạy yoga cho trẻ vì phụ thuộc và từng trạng thái, tính cách, tâm lí của trẻ thì mới có thể lựa chọn các dạy thiền phù hợp cho trẻ.
Thùy Dung
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: