Để tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc, bạn cần chú ý đến những điều sau đây:
Uống thuốc đúng
Bên cạnh việc uống đúng liều lượng như bác sĩ hướng dẫn, người đái tháo đường cũng cần chú ý đến thời gian uống thuốc, cụ thể như sau:
- Đối với nhóm thuốc hạ đường máu như glibenclamid, glicazid, glimepirid… nên uống thuốc trước bữa ăn chính đầu tiên trong ngày để tránh tình trạng đường huyết bắt đầu tăng do bữa ăn
- Đối với nhóm thuốc kích thích tiết insulin khi có glucose như repaglinid, nateglinid cần uống trước bữa ăn 30 phút và nếu không ăn thì không được uống thuốc bởi nó sẽ làm đường huyết bị tụt.
- Đối với nhóm thuốc có tác dụng làm tăng nhạy cảm insulin ở các mô ngoại vi, giảm sản xuất glucose tại gan, làm chậm hấp thu đường bột trong ống tiêu hóa như metformin, pioglitazon… nên uống sau bữa ăn vì nó có thể gây rắc rối cho đường tiêu hóa nếu bụng đang trống rỗng.
Kiểm soát dinh dưỡng
Thực tế cho thấy, khi bị “tuyên án” đái tháo đường, nhiều người đã tự ý cắt giảm khẩu phần ăn của mình. Từ 3 bát cơm/bữa, họ giảm xuống còn 1. Các loại thịt cá bị loại bỏ khỏi thực đơn với lý do nhiều đạm không tốt cho cơ thể. Thậm chí, các loại hoa quả có vị ngọt cũng không dám ăn vì làm tăng đường huyết. Những người này thường có xu hướng ăn cơm với lạc, đậu phụ trắng hoặc rau… Tất cả những điều đó đã dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên rắc rối hơn.
Theo bác sĩ Ngọc, người đái tháo đường vẫn cần ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Thực đơn hàng ngày nên phong phú để tránh tình trạng thiếu chất nọ, thừa chất kia.
Theo đó, chế độ ăn khuyến nghị với người đái tháo đường được Hiệp hội Đái tháo đường Việt Nam đưa ra là:
- Chất đạm nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.
- Chất béo chỉ nên đạt khoảng 25% năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%.
- Chất bột đường chiếm khoảng 40-50% năng lượng khẩu phần.
- Ngoài ra, bạn cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và cũng góp phần chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Chú ý: Để đường huyết không tăng đột ngột sau khi ăn, bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày (có thể 5-6 bữa), không nên ăn quá nhiều tinh bột cùng một lúc. Với người điều trị bằng insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy bạn nên ăn thêm bữa phụ hoặc uống sữa nóng trước khi đi ngủ.
Chế độ luyện tập
Thể dục hàng ngày đặc biệt quan trọng với người đái tháo đường vì nó giúp làm gia tăng nồng độ cholesterol tốt, tăng cường sự dẻo dai, đặc biệt giúp những người béo phì giảm cân. Quan trọng hơn, nếu duy trì chế độ luyện tập trong thời gian dài, nó có thể giúp cơ thể tăng độ nhạy cảm với insulin máu. Nhưng ở những người có tuổi, nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. Duy trì đều đặn thói quen thể dục hàng ngày là rất tốt, thế nhưng trong quá trình tập thấy cơ thể bất ổn nên tạm dừng ngay lập tức.
Bảo An
Chủ đề liên quan: