12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Trị lao phổi - hỏng tiền đình

(SKGĐ) Nhóm thuốc kháng sinh streptomycin có thể giúp bạn đẩy lùi những cơn đau do lao phổi nhưng lại là mối nguy hại cho tiền đình của bạn nếu bạn lơ là.
Chóng mặt – không chỉ là bệnh tiền đình

Ông Cao Hùng Kh. 65 tuổi (Hưng Yên) đến Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội khám và điều trị lao phổi. Nghi ngờ bệnh nhân bị lao nên các bác sĩ ở đây đã cho phác đồ điều trị thử, trong các thuốc kê cho ông Kh. có Streptomycin (một loại thuộc nhóm kháng sinh Aminoglycosid). Vì thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nên bác sĩ đã nhắc nhở bệnh nhân chú ý theo dõi và tái khám ngay nếu có bất thường.

Nghĩ mình là dân lao động “khỏe như vâm” thì lo gì tác dụng phụ nên ông yên tâm về nhà dùng thuốc mà quên mất lời dặn của bác sĩ. Uống thuốc được một tháng, thì “thấy môi mình hơi tê tê”. Cho rằng đó là dấu hiệu bình thường của việc dùng thuốc nên ông vẫn tiếp tục uống thuốc đều đặn. Đến hết tháng thứ hai, thấy chóng mặt đến mức không thể ngồi dậy được ông mới phát hoảng, vội vàng tái khám.

Bác sỹ điều trị cho ông Kh. tại Bệnh viện Quân y 103 cho biết, lúc tái khám, ông Kh. đã bị tổn thương tiền đình một bên ở mức độ nặng, đến mức không thể đi vững. Mà nguyên nhân được xác định là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh streptomycin. Lẽ ra, ông Kh. phải dừng uống thuốc và tái khám khi phát hiện dấu hiệu bị tê môi.

Dễ gặp biến chứng

Tiền đình là cơ quan giữ thăng bằng cho cơ thể. Nếu vì một lý do nào đó mà bị hỏng tiền đình thì người bệnh sẽ đi lệch một bên, thậm chí đứng không vững. Bệnh nhân bị hỏng tiền đình khó có thể giữ thăng bằng, thường bị chóng mặt và mất khả năng định hướng.

Theo BS. Cao Hồng Phúc, Học viện Quân y, Hà Nội, “Aminoglycosid là nhóm kháng sinh mạnh nhưng tác dụng phụ của nó cũng rất nguy hiểm, nhất là đối với tiền đình. Chỉ cần sử dụng streptomycin hàng ngày, kéo dài khoảng 1 tháng là đã có thể bị tổn thương tiền đình. Liều lượng thuốc có thể gây tổn thương khoảng 1g/ngày với người Việt Nam. Ở người già nguy cơ hỏng tiền đình do Streptomycin càng cao hơn.

Vì vậy, các bác sĩ luôn luôn cẩn trọng trong việc chỉ định dùng thuốc và yêu cầu theo dõi các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì việc phục hồi không phải là quá khó. Thông thường nếu bệnh nhân phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo thì có thể phục hồi chỉ sau 2-3 tháng tính từ thời điểm ngừng sử dụng thuốc”.

Cũng theo bác sĩ Phúc, trong thời gian dùng thuốc, nhất là kháng sinh nhóm Aminoglycosid, để tránh tổn thương tiền đình nặng, bạn nên khám tiền đình và đo sức nghe của tai định kỳ 1 tháng/lần để phát hiện ra sớm những dấu hiệu tổn thương và ngăn chặn kịp thời. Nên uống nhiều nước để giảm bớt tác hại của thuốc và không làm việc căng thẳng hay quá sức.

Các dấu hiệu tổn thương

Sau một thời gian dùng thuốc, nếu bạn có một trong những biểu hiện dưới đây thì phải dừng thuốc ngay, bất kể là đang điều trị bệnh gì. Đồng thời tái khám khẩn trương để phòng tổn thương tiền đình:

- Cảm giác chân đi không thật, người không vững. Mọi thứ xung quanh như chòng chành, nghiêng ngả.

- Khi bạn bước lên cầu thang hay đi trên những lan can cao tầng (tầng 2, 3), cảm giác người như xiêu vẹo.

- Đột ngột cảm thấy buồn nôn, nôn khan hoặc nôn ra thức ăn. Đặc biệt, buồn nôn nhưng không bị sốt, đi ngoài hay dấu hiệu nhiễm trùng khác.

- Nghe kém hơn, nghe không rõ hoặc có tiếng ù ù như tiếng máy chạy, nước chảy, gió thổi, cối xay lúa.

- Tê môi, tê mặt, chân tay tê bì, cảm giác không thật.

- Chóng mặt, thấy nhà cửa xung quanh mình chao đảo, thậm chí quay tít xung quanh mình.

- Không thể ngồi dậy, không thể đứng vững và rất dễ ngã. Không thể xác định được một vận trước mặt là xa hay gần.

 Mẹo giảm chóng mặt khi bị bệnh tiền đình

- Hạn chế xoay đầu nhanh, mạnh

- Nên nằm ngửa: Tổn thương tiền đình thường có xu hướng bị nặng hơn ở một bên và hay bị tổn thương vòng bán khuyên nằm ngang. Để tránh kích thích vòng bán khuyên này, tư thế nằm tốt nhất là nằm ngửa. Tư thế này không gây kích thích bất cứ bộ phận nào của bộ máy tiền đình, nhờ vậy sẽ hạn chế được những cơn chóng mặt.

- Không trở người đột ngột khi ngủ: Nếu muốn thay đổi tư thế, bạn nên xoay người trước, nếu không thấy cơn chóng mặt xảy ra thì bạn tiếp tục xoay đầu nhẹ nhàng. Vừa xoay đầu vừa nghe ngóng nếu thấy các đồ vật rung rinh chuẩn bị quay tít thì bạn cần trở lại tư thế cũ ngay.

- Thay đổi tư thế từ từ: Khi đang làm việc hay đang sinh hoạt, bạn cũng cần thay đổi tư thế từ từ để tiền đình quen với tư thế mới và không có kích thích xảy ra.

- Không hoảng hốt: Khi bị chóng mặt, bạn không nên hoảng hốt. Vì càng hoảng hốt, mạch máu nhỏ càng bị co lại và càng thiếu máu tiền đình. Cơn chóng mặt càng khó kiểm soát. Bạn nên bình tĩnh, ngồi xuống, đầu kẹp vào hai gối, tay vịn vào điểm tựa. Nếu có giường thì bạn nên nằm xuống giường, tay bám vào thành giường, thở thật đều. Cơn chóng mặt sẽ qua ngay trong vài giây đến hơn chục giây.

Châu Văn Tú

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/tri-lao-phoi--hong-tien-dinh-9892/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY