Trí nhớ của con người là vô hạn!
Giáo sư Penfield, trong một dự án nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu dùng xung điện kích thích lên não bộ, các bệnh nhân của ông sẽ có thể kể vanh vách những gì đã xảy ra với họ, bao gồm cả màu sắc, mùi vị, tiếng ồn, hành động… liên quan đến các sự kiện ấy.
Trong khoảnh khắc cận kề giữa sự sống và cái chết, hầu hết mọi người đều nói rằng: “Cả cuộc đời như lóe lên trong mắt tôi”. Chúng ta thường cười và cho rằng đó chỉ là một vài khoảnh khắc nhất thời. Nhưng những nghiên cứu lại chỉ ra là họ hoàn toàn nghiêm túc, và họ thậm chí đã hồi tưởng lại cả những kí ức đã bị lãng quên hàng chục năm trời.
Shereshevsky, một nhà báo Nga không bao giờ cần ghi chép khi phỏng vấn. Ông có thể nghe một giọng nói, và sau đó lặp lại từng câu, thậm chí từng từ những gì đã nghe được. Các nhà khoa học kết luận trí thông minh của ông chỉ ở mức trung bình. Ông cũng chẳng phải là “người ngoài hành tinh”. Ông chỉ thực hiện các qui tắc nhớ rất thông thường hàng ngày.
Mọi người trong số chúng ta đều có những lúc đột ngột hồi tưởng về quá khứ. Một mùi hương quen thuộc, một cảm giác ấm áp hay một âm thanh dịu dàng, êm ái, những thứ đó lại cuồn cuộn đổ về như dòng thác, làm ngập tràn tâm trí chúng ta.
Hay hầu như ai cũng có những giấc mơ về gia đình, bạn bè, nơi chốn, về những kỉ niệm mà họ đã không còn để ý trong 10 hay 30 năm. Tất cả đều hiện về rõ ràng, từ màu sắc tới cảnh vật, hình ảnh, và chi tiết đến kì lạ.
Hiện nay, vẫn còn nhiều điều bàn cãi quanh những bí ẩn của trí nhớ song vấn đề cần quan tâm hơn cả là: Làm sao để có trí nhớ tốt? Ăn uống, tập luyện, cách nhớ? Cần dùng những biện pháp gì để nâng cao năng lực tư duy và năng lực của trí nhớ? Học sinh cần làm gì để nhớ tốt nội dung bài giảng? Và làm thế nào để quên đi một ký ức đau buồn nào đó trong quá khứ? Bằng chính những phương pháp thực nghiệm để tự đầu óc quên đi những ký ức đó. Đó mới là những vấn đề thực tiễn quan trọng mà con người cần quan tâm nghiên cứu.
Ảnh minh họa |
Các dạng của trí nhớ
Trí nhớ di truyền: Là sự lưu trữ thông tin về giống loài, về các tính trạng di truyền; là sự lưu trữ các thông tin ở sự sắp xếp các phân tử Desoxyribonucleotid trong mạch ADN. Đây là một quá trình khá vững bền đảm bảo con chó sẽ lại nhớ đẻ ra con chó mà “không quên” hoặc “không nhầm lẫn” đẻ ra con mèo hay con chuột.
Trí nhớ thần kinh: Đó là sự ghi nhận những thông tin nhận được từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài của một cơ thể đa bào hoặc bên trong một cơ thể đa bào và được lưu trữ ở hệ thần kinh (não).
Trí nhớ dài hạn: Đó là một dạng lưu trữ thông tin trong bộ nhớ ở não người với độ bền vững rất khác nhau. Nhiều sự kiện, nhiều câu nói, hình ảnh thoáng qua trong giây lát nhưng lại có khả năng khắc sâu trong tâm trí của một người, trong khi nhiều vấn đề lặp đi lặp lại nhưng cũng không để lại dấu ấn rõ rệt nào trong họ. Đây là hiện tượng tâm sinh học rất lý thú đang được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Trí nhớ trung bình: Dạng lưu trữ thông tin não chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ vài phút đến và chục phút… sau đó các chi tiết vụn vặt, ít quan trọng bị phai mờ và mất hẳn. Tiếp đến là điều cốt lõi của nội dung cũng có thể bị lẫn lộn về trật tự hoặc sai lầm về nội dung, cuối cùng toàn bộ các thông tin bị nhoà và mất hẳn. Đó là toàn bộ tiến trình của hiện tượng quên.
Trí nhớ ngắn hạn: là loại lưu trữ thông tin trong chớp nhoáng từ vài giây đến vài phút rồi quên ngay, không để lại cho não một mảy may ấn tượng nào. Đây chính là trường hợp nhớ và đọc số điện thoại trong một khoảng thời gian chỉ vừa đủ để hoàn thành việc quay số trên máy. Loại trí nhớ này tuy cần thiết trong một số trường hợp nhưng người ta không quan tâm nhiều tới nó bằng hai loại trí nhớ đã nêu trên!.
Bạn có biết? 1. Chúng ta chỉ nhớ khoảng 10% tên của những người mà ta đã từng gặp. 2. Và chúng ta quên khoảng 99% số điện thoại mà chúng ta được nhận. 3. Hầu hết mọi người không thực sự chủ động trong việc ghi nhớ những con số. 4. Đa số đều cho rằng bộ nhớ bị lão hóa theo thời gian. 5. Trí nhớ chỉ thực sự giảm sút khi chúng ta không sử dụng thường xuyên. Nếu có tập luyện, nó sẽ liên tục được nâng cao. 6. Rất nhiều người thú nhận rằng trí nhớ của họ rất tệ. 7. Chúng ta biện hộ rằng chúng ta chỉ là những “người trần mắt thịt”, và việc “quên quên nhớ nhớ” là điều hết sức bình thường, vì chúng ta không hiểu rõ một sự thật: “Trí nhớ cũng có thể cải thiện được”. 8. Trong một giây, trung bình bộ não sinh ra lượng nơ ron đủ để có thể tiếp nhận 10 đơn vị thông tin, và chúng ta cũng không bao giờ sử dụng quá được một nửa năng lực của nó. |
Bình Nguyên
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: