Khi tôi đang còn là sinh viên y khoa, trợ sinh 10 con so, 20 con rạ là chỉ tiêu được bộ môn sản phụ khoa của Trường Đại học Y khoa Huế...
Khi tôi đang còn là sinh viên y khoa,
trợ sinh 10 con so, 20 con rạ là chỉ tiêu được bộ môn sản phụ khoa của Trường Đại học Y khoa Huế, nay là Trường Đại học Y dược đặt ra cho tất cả sinh viên năm thứ ba trong 3 tháng thực hành tại Khoa Sản phụ Bệnh viện Trung ương Huế để có đủ điều kiện thi môn học này vào cuối năm. Chỉ tiêu này chính là động cơ học tập, góp phần giúp sinh viên hoàn thành thực hành lâm sàng một nội dung trong chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa.
Ngay buổi đầu tiên đi thực hành lâm sàng trình diện Khoa Sản phụ, thầy Nguyễn Văn Tự - Trưởng bộ môn Sản phụ ở Trường Y vừa kiêm Trưởng khoa Sản phụ tại bệnh viện giao ngay chỉ tiêu này cho chúng tôi. Như vậy, muốn bảo đảm được chỉ tiêu này, ngoài giờ học lý thuyết tại trường vào buổi chiều, chúng tôi phải tận dụng tất cả thời gian buổi sáng, phiên trực phân công, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ... để hoàn thành. Tính theo chỉ tiêu giao trong 3 tháng, trung bình cứ 3 ngày sinh viên thực tập phải trực tiếp nhận trách nhiệm, giúp cho sản phụ sinh được 1 trẻ sơ sinh mẹ tròn con vuông mới đạt được 30 trường hợp sinh; hay nói một cách khác, cứ mỗi tháng phải đỡ đẻ được cho 10 sản phụ. Ở đây phải tính toán cụ thể để bảo đảm tối thiểu đủ số 10 sản phụ sinh con so và 20 sản phụ sinh con rạ hoặc vượt chỉ tiêu nhiều hơn thì càng tốt.
Một vấn đề khó khăn chúng tôi phải đối mặt là khoa cũng tiếp nhận đối tượng đào tạo nữ hộ sinh trung học được gửi đến thực hành lâm sàng bệnh viện từ Trường Nữ hộ sinh quốc gia Huế. Vì vậy, sẽ có nhiều đối thủ cùng tranh đua để bảo đảm được chỉ tiêu thực hành. Sinh viên muốn được đỡ sinh cho sản phụ để lấy chỉ tiêu không phải dễ dàng, trước đó phải thực hành đỡ đẻ một số trường hợp sinh con rạ trước sự giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ của bác sĩ, nữ hộ sinh trong khoa có nhiều kinh nghiệm rồi mới được phép đảm nhận trường hợp sinh độc lập. Ngoài việc
trợ sinh 20 con rạ, việc khó nhất là phải đỡ 10 ca sinh con so; sản phụ mới sinh lần đầu thường hay lo lắng, e ngại nên chúng tôi phải giải thích, động viên từ lúc nhận khai hồ sơ và thăm khám khi mới vào khoa. Sinh con so cũng phức tạp hơn vì phải theo dõi sát diễn biến trong quá trình chuyển dạ, thời gian sinh kéo dài hơn, có xử lý cắt tầng sinh môn trước khi sinh và may lại hoàn chỉnh sau khi sinh.
Để bảo đảm chỉ tiêu được giao, chúng tôi đã lập riêng cho mình một chiến lược để tranh đua. Có người đứng chờ sản phụ ở dãy hành lang trên lầu dẫn đến phòng sinh, người khác lại đứng ngoài sân của khoa sản phụ để đón tiếp, giúp đỡ, hướng dẫn và nhận “mối”. Không ai nói với ai nhưng chúng tôi như có quy ước ngầm: người phát hiện, tiếp nhận, dìu dắt sản phụ đến phòng sinh sẽ là người có quyền lập hồ sơ, thăm khám, theo dõi, trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ.
Chế độ làm việc tại khoa được thực hiện theo 3 ca, 4 kíp, mỗi ca trực 8 giờ; nếu trong phiên trực, sản phụ chưa sinh thì bàn giao lại cho người bạn đồng môn thân thiết được chọn ở phiên trực tiếp theo đảm nhận để giữ không bị mất mối. Tôi còn nhớ trong nhóm bạn học có anh Bùi Lợi không lo lắng gì về chỉ tiêu sinh nở được giao. Anh bảo: “Cho mấy anh chị đỡ đẻ thoải mái đi, khi đẻ chán và đủ chỉ tiêu rồi thì đến lượt tôi”. Nói vậy chứ có phải lúc nào cũng có nhiều sản phụ đến sinh tại khoa đâu, nếu không kiếm “mối” dần dần thì khó hoàn thành được chỉ tiêu trong thời gian thực hành quy định. Tôi nhắc: “Coi chừng không được thi môn sản phụ khoa đấy”. Anh mỉm cười và tự tin nói: “Yên tâm đi, mình đã có chiến lược”. Thời gian sau đó, anh chạy ra đứng chờ chực trước cổng bệnh viện, thậm chí ngay cả trước đường Lê Lợi để phục kích sản phụ; khi phát hiện xe xích lô (thời đó chưa có taxi) chở phụ nữ mang bụng bầu rẽ vào là anh bám theo ngay giống như người nhà cho đến tận Khoa Sản phụ… Thế rồi cũng đủ chỉ tiêu.
Bây giờ, có dịp đến Khoa Sản phụ của bệnh viện, tôi lại nhớ chỉ tiêu “10 con so, 20 con rạ” mà sinh viên y khoa năm thứ 3 trước đây phải đảm nhận. Học thực hành y khoa ở bất cứ bộ môn nào mà có chỉ tiêu phấn đấu sẽ đem lại hiệu quả cao trong rèn luyện y nghiệp. Không biết ngày ấy và bây giờ có khác nhau không?
TTƯT.BS.
Nguyễn Võ Hinh