Không phụ sự mong đợi, những thành phố, thị trấn mà tôi đặt chân tới, những con người mà tôi được gặp gỡ đều để lại ấn tượng khó quên…
Trái ngược với những gì từng được nghe nói trước đó về một trong những đô thị ô nhiễm nhất Trung Quốc, bầu trời Bắc Kinh những ngày tháng Mười thật trong xanh tuyệt đẹp. Có được màu xanh như vậy, theo lời hướng dẫn viên của đoàn, bắt nguồn từ chiến dịch “tìm lại bầu trời” rầm rộ mà Bắc Kinh phát động vào năm 2013. Một “cuộc chiến tổng lực” với nạn ô nhiễm không khí sau 15 năm tuyên chiến, đã giúp Bắc Kinh cải thiện chất lượng môi trường đáng kể.
Hình ảnh những người dân đeo khẩu trang hay kè kè máy hô hấp nhân tạo vẫn thường thấy trên các phương tiện truyền thông cũng không thấy xuất hiện trên những con đường từ sân bay về khách sạn nơi chúng tôi lưu trú. Quay sang đồng nghiệp báo Hanoi Times, tôi không giấu sự ngạc nhiên thích thú: “Ôi, Bắc Kinh thật trong lành đến… bất ngờ”.
Trước khi bước vào những ngày làm việc bận rộn, đoàn chúng tôi được bố trí tham quan một số địa điểm nổi tiếng mà bất kỳ khách du lịch nào cũng ghé thăm khi đến Bắc Kinh là quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành (Cố Cung) và Vạn lý Trường Thành (Bát Đại Lĩnh).
Nằm cách trung tâm đô thị của Bắc Kinh khoảng 80 km về phía Tây Bắc, đoạn trường thành Bát Đại Lĩnh thuộc địa giới của huyện Diên Khánh, được xây dựng vào năm 1505 dưới thời nhà Minh. Điểm cao nhất của Bát Đạt Lĩnh là Bắc Bát Lâu có độ cao 1.015m trên mực nước biển.
Người Trung Quốc thường có câu: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn Lý Trường Thành chưa phải là hảo hán). Vì vậy, tôi đã rất háo hức và thực sự choáng ngợp khi tận mắt nhìn ngắm những đoạn trường thành hùng vĩ nằm uốn lượn, bao quanh là rừng cây và hồ nước.
Rời Vạn Lý Trường Thành, đoàn chúng tôi đến Thiên An Môn – một trong những quảng trường nổi tiếng nhất thế giới, thường được xem là trái tim của Bắc Kinh và là địa điểm tổ chức các cuộc tuần hành và lễ kỷ niệm lớn của Trung Quốc.
Với tổng diện tích lên đến 440.000 m2, quảng trường Thiên An Môn được đánh giá là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới. Sự hấp dẫn không đến từ quy mô hay kiến trúc mà đến từ bề dày lịch sử 600 năm cùng các công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử xung quanh.
Nằm ngay sát Thiên An Môn là Tử Cấm Thành – một quần thể rộng tới 720.000 m2 là nơi ở của 24 vị hoàng đế từ triều Minh đến triều Thanh. Nơi đây còn được xem là một Viện bảo tàng lớn nhất trên thế giới, cất giữ nhiều báu vật nghệ thuật quan trọng nhất của người Trung Quốc.
Dừng chân chụp ảnh tại các quần thể kiến trúc lớn như Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện… tôi có thể mường tượng ra cảnh hoàng đế đang thiết triều với sự góp mặt của các văn võ bá quan vẫn thấy trong các phim cổ trang Trung Quốc.
Bỏ lại phía sau cái lạnh của Bắc Kinh, sau hơn bốn tiếng bay, thành phố Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam đón đoàn phóng viên chúng tôi trong tiết trời ấm áp đặc trưng của phương Nam.
Nằm giữa cao nguyên Vân Nam và Quý Châu, cao 1.894m so với mặt nước biển, cảnh sắc tươi đẹp khiến Côn Minh trở thành địa điểm du lịch lý tưởng của không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài.
Vào sâu trong thành phố, tôi nhủ thầm bạn tôi đã không ngoa khi nói nơi đây là “thành phố hoa”. Hoa trên tường rào các dãy phố, hoa trồng giữa giải phân cách trên đường. Trên hè phố, gốc cây bóng mát cũng được bố trí các chậu hoa nhỏ, màu sắc rất sặc sỡ. Nhiều biểu ngữ, hình khối được xếp bằng các chậu hoa giả, xen lẫn hoa thật trông rất cầu kỳ và sinh động.
Theo lời giới thiệu của Jacob Chen – anh bạn hướng dẫn viên đến từ Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam, hoa đã trở thành một ngành công nghiệp chủ chốt và góp phần quan trọng trong ngành công nghiệp du lịch ở Côn Minh.
Không chỉ nổi tiếng bởi các lễ hội hoa, thành phố này còn được biết đến với các đặc sản làm từ hoa như các loại bánh điểm tâm, trà, nước hoa, tinh dầu… Vì vậy, trước khi rời Côn Minh, đoàn chúng tôi ai cũng tranh thủ mua những hộp quà nhỏ xinh với những sản phẩm làm từ hoa để làm quà cho người thân và bạn bè tại quê nhà.
Từ Côn Minh, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển đến huyện Malipo (châu Văn Sơn) và thành phố Mông Tự (châu Hồng Hà) - hai địa phương miền núi nổi tiếng bởi mô hình xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc.
Dù chặng đường từ thành phố Côn Minh về huyện Malipo và thành phố Mông Tự khá xa (phải mất hơn một ngày di chuyển bằng xe bus) nhưng mọi sự mệt mỏi dường như tan biến trước sự đón tiếp nồng hậu và thân tình của những người dân nơi đây.
Tận mắt chứng kiến những con đường trải bê tông sạch đẹp, những căn nhà mới khang trang, chúng tôi thực sự cảm nhận được niềm vui của người dân huyện vùng núi Malipo khi diện mạo cuộc sống đang dần “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.
Làng Nanyou, một ngôi làng ở huyện Malipo hiện có 132 hộ gia đình và dân số 462 người. Nếu như mười năm trước, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân nơi đây chỉ khoảng vài trăm Nhân dân tệ thì giờ đây, mức thu nhập đã tăng lên hơn 7.000 Nhân dân tệ. “Đó là khoản thu nhập mà trước đây trong mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ tới”, một người dân cho biết.
Gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi bằng khả năng nói tiếng Việt lưu loát, chị Ngọc Vân, 55 tuổi, một cán bộ thuộc Phòng xóa đói giảm nghèo của châu Vân Sơn chia sẻ, công tác xóa đói giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Công tác này có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cơ quan Trung ương từ các Bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục – Đào tạo… cho đến các địa phương, quận, huyện Trung Quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, hơn 3 triệu cán bộ nguồn đã được gửi về các vùng nông thôn Trung Quốc để trực tiếp hỗ trợ người dân thoát nghèo thông qua các chương trình phát triển sinh kế, tiếp cận với nước sạch, chăm sóc sức khỏe, phổ cập giáo dục…
Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, trong gần hai thập niên trở lại đây, công tác xóa đói giảm nghèo tại Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo từ Chính phủ Trung Quốc cho biết, từ năm 1978 đến 2018, số người nghèo ở nước này đã giảm từ 770 triệu xuống còn 16,6 triệu và tỷ lệ nghèo từ 97,5% xuống còn 1,7%.