Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19, 16 ca đã chữa khỏi, ra viện. Trong số 41 ca mắc mới, hầu hết là ca bệnh xâm nhập, tuy nhiên đã ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng.
Trong đó, riêng BN17 ở Hà Nội đã lây cho 3 người thân (BN19, BN20, BN47), BN34 - nữ doanh nhân ở Bình Thuận - lây cho 8 người ở địa phương và 1 người ở TP HCM. Trước đó, có trường hợp nữ công nhân 23 tuổi ở Vĩnh Phúc trở về từ Vũ Hán lây cho 5 người, tất cả đã được chữa khỏi, hoàn toàn khoẻ mạnh.
Chia sẻ trong tọa đàm 100 ngày chống dịch COVID-19 trên VTV, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng trường hợp một người mắc COVID-19 có thể lây cho nhiều người khác như BN34 hay ở Vĩnh Phúc, PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng: "Đó là những vấn đề cá thể".
Vị chuyên gia về dịch tễ, y tế dự phòng này phân tích: Đối với cộng đồng, chúng ta phải nhìn vào chỉ số trung bình. Ví dụ, 50 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện thì có 6 trường hợp lây sang người khác. Có tới hơn 40 trường hợp là được cách ly, kiểm soát, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời không có lây lan.
Hiện nay, trên thế giới, chỉ số lây nhiễm cơ bản khoảng từ 2 – 3. "Riêng Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi là 0,7. Điều đó có nghĩa là trong giai đoạn này với số ca mắc hiện nay, và với những trường hợp mắc mà chúng ta kiểm soát được các yếu tố dịch tễ chưa có sự lây lan không rõ nguồn gốc, chỉ số là 0,7. Nếu chỉ số này dưới 1, cũng như những người tiếp xúc trong khoảng 70 – 90% mà chúng ta bắt được thì như vậy có thể gọi là chúng ta đang kiểm soát được tình hình bệnh dịch" - TS Lân nói.
"Tôi cho rằng các trường hợp siêu lây nhiễm hoặc là cá biệt, hoặc là không có, hoặc là ít hơn", PGS.TS Phan Trọng Lân nhận định.
Trên thế giới, COVID-19 là đại dịch, phòng chống COVID-19 đang là vấn đề toàn cầu khi dịch đã lan ra hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc thời gian tới Việt Nam có thêm ca mắc COVID-19 theo TS Lân là tất yếu, không có gì bất thường.
PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng các biện pháp phòng chống dịch tại Việt Nam đang được thực hiện rất chặt chẽ. Ông nhận định, sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã nhiều hơn, sự hợp tác của người dân tốt hơn. Sự tham gia quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng việc ứng dụng triệt để khoa học công nghệ vào giám sát; đảm bảo hệ thống dự phòng, cách ly và điều trị theo phương châm 4 tại chỗ, phân tuyến điều trị từ tuyến y tế cơ sở... TS Lân hi vọng kịch bản xấu sẽ không xảy ra,nếu có xảy ra thì Việt Nam cũng kiểm soát đầy đủ hơn.
PGS.TS Phan Trọng Lân cho hay, tại hiện Việt Nam hiện có hơn 30 phòng xét nghiệm, chưa kể các phòng này được nâng cấp quy mô để đáp ứng cho việc xét nghiệm COVID-19. Thêm vào đó, bộ xét nghiệm Real-Time PCR của Việt Nam áp dụng cũng là một trong những biện pháp chẩn đoán chính xác. Với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, con người được tập huấn thường xuyên... Điều đó sẽ góp phần trong cuộc phòng chống dịch COVID-19 sắp tới.
Chủ đề liên quan:
bình thuận BN34 Covid 19 doanh nhân lây nhiễm lây nhiễm Covid 19 nhiễm Covid 19 nữ doanh nhân siêu lây nhiễm trường hợp