Tâm linh hôm nay

TS Phan Quốc Việt tâm khởi, trùng trùng duyên khởi với trẻ tự kỷ

Cách đây gần 20 năm, ông là người đầu tiên tại Việt Nam mở trường dạy kỹ năng sống cho người trẻ Việt Nam. Gần đây, TS Phan Quốc Việt chuyển sang một con đường gập ghềnh mới: dạy và cải tạo trí tuệ cho trẻ tự kỷ.

Công ty giáo dục Tâm Việt của ông đã có hàng chục ngàn khóa đào tạo người trẻ các kỹ năng mà thay vì nhà trường dạy thì Tâm Việt dạy: kỹ năng sống, giao tiếp, kỹ năng làm chủ đời sống của mình để tự tin và an lạc hơn.

Hôm qua, TS Phan Quốc Việt nói với tác giả bài viết này: bộ sách "Thực hành kỹ năng sống" cho học sinh gồm 23 quyển của ông đã bán gần 6 triệu bản, bắt đầu tái bản lần thứ 6.

Tâm Việt có thể không thành công về tài chính. Quản trị một doanh nghiệp đào tạo về kỹ năng cho con người đòi hỏi những tố chất về quản trị tài chính giỏi giang tháo vát. 15 năm ông quản trị Tâm Việt, dù có sức say mê, kiên định về con đường của mình, vẫn phải nhìn nhận một thực tế khá buồn: 15 năm không có lương, không nhận lương.

Đổi lại, vị thuyền trưởng này đi dạy "cho nhà giàu" với công thức: lây của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Mỗi lần lên lớp từ các doanh nghiệp, ông nhận 2.000 dollars gọi là phí truyền cảm hứng cho cộng đồng. Số tiền ấy quay lại phục vụ Tâm Việt, hướng đạo của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên...

6 năm nay, TS Việt chăm chút vào công việc đào tạo, giáo dục trẻ tự kỷ, "một cái nghiệp của em bác ạ", ông nói bộc bạch với nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn khi ông thăm Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ của Phan Quốc Việt tại Đại học TDTT Bắc Ninh ngày hôm qua.

Phan Quốc Việt cho rằng mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có một số phận và đều bị "dính mắc" một điều gì đó. Việc của ông là tạo lập cho chúng một môi trường. Dạy cho chúng những kỹ năng chúng có mà nhiều đứa trẻ không có. Tạo lập cho chúng xả các năng lượng và đưa vào một tập thể mà ở đó, bọn trẻ có cộng đồng, có tình yêu thương và quan trọng là tự học và dạy bảo lẫn nhau.

"Trung tâm hiện có 50 cháu. "Cháu" lớn nhất 36 tuổi, cháu bé nhất 4 tuổi. Các cháu có xuất thân khác nhau: từ vô gia cư, bố mẹ li dị đến con cái của đại gia", TS Việt nói.

“Có bạn lúc vào còn chưa cả biết tắm, giặt đồ thì giờ đã tự tắm cho mình và tắm cho cả những em bị bệnh nặng hơn. Tôi còn nhớ hình ảnh lần đầu tiên, sau 7 năm không ăn cơm, cháu Hưng đã tự bốc 2 nắm cơm nhỏ để ăn hoặc khi bố Nguyên gặp tôi khoe toáng lên: “Anh ơi con em biết ngồi thiền, biết ăn uống lịch sự, dọn dẹp nhà cửa, biết mua quà về cho em và... nó biết cả nói dối nữa!”. Có thể các bạn sẽ cười vì nói dối thì có gì để khoe thậm chí còn đáng chê với các bạn bình thường nhưng với Nguyên và các học sinh nơi đây là cả một sự thành công. Tôi và các đồng nghiệp cũng sung sướng đến trào nước mắt! Hạnh phúc của người thầy chỉ đơn giản vậy thôi…”, ông Việt nói.

Đây là cháu Khôi Nguyên, bé tự kỷ mà ông Việt dạy dỗ được Hội Kỷ lục gia Việt Nam cấp bằng Kỷ lục gia vì kỹ năng đội chai lên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh.

Ngày nhận bằng Kỷ lục gia cho cháu, Tiến sĩ Phan Quốc Việt bộc bạch: “Đến nay, với trẻ tự kỷ, thế giới mới chỉ dừng ở mức can thiệp sớm (trước 3 tuổi). Chúng tôi rất tự hào vì đã thành công với cả các cháu tự kỷ ở tuổi dậy thì. Tâm Việt là một tổ chức tư nhân với kinh phí ít ỏi từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nếu được các cơ quan hữu quan quan tâm và Nhà nước đầu tư đúng mực thì đây là hướng đi mới trong giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể áp dụng trên toàn thế giới”.

Quan sát các cháu luyện tập tại Trung tâm này, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai nhận xét, Trung tâm đã làm được một việc có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục, đào tạo và đưa các cháu tự kỷ tiếp cận dần với đời sống bình thường của các cháu.

TS Việt nói, tuy "do nghiệp dẫn dắt làm việc dạy trẻ tự kỷ, vô cùng khó khăn, gian lao" nhưng "tâm khởi trùng trùng duyên khởi", làm việc thiện duyên thì duyên thiện lành sẽ tiếp tục khởi đến như ngọn sóng trước ngọn sóng sau.

Tâm khởi trùng trùng duyên khởi có ý nghĩa nhân sinh lớn lao như vậy đó.

“Diễn đàn Nobel năm 2019” (GIN-Nobel 2019) với chủ đề “Công nghệ 4.0 trong y tế và giáo dục đại học” diễn ra với chuỗi các sự kiện: Hội nghị quốc tế “Ứng dụng công nghệ trong giải quyết sức khỏe toàn cầu”; Lễ hội thể thao, âm nhạc và chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vì “Thành phố Thông minh, Khỏe mạnh và Sáng tạo”; Diễn đàn Nobel và Diễn đàn khởi nghiệp; cùng các sự kiện bên lề khác... được tổ chức vào ngày 01/6/2019 tại Trường Đại học Y Hà Nội có sự tham gia của GS. Lars Olsen - Chủ tịch Ủy ban xét tặng giải Nobel Y sinh.

TS Phan Quốc Việt tham dự và phát biểu về đề tài nuôi dạy trẻ tự kỷ tại Diễn đàn này.

Bình luận về phương pháp của TS Việt, GS. Lars Olsen - Chủ tịch Ủy ban xét tặng giải Nobel Y sinh học chia sẻ: “Đó thực sự là một trải nghiệm đầy xúc động. Các con biểu diễn trên những chiếc xe đạp 1 bánh. Các con cũng đi xe đạp 1 bánh vòng quanh hồ cùng với mọi người trong chương trình... thực sự là 1 kỳ tích. Cảm ơn tất cả các con!”.

GS. TS Phan Toàn Thắng - Đại học Quốc gia Singapore, nhà khoa học hàng đầu thế giới về tế bào gốc, nhận định: "TS. Việt đã dịch chuyển trẻ tự kỷ từ bị miệt thị, xã hội xa lánh lên được tôn vinh, từ những đứa bé đáng thương trở thành thần tượng, làm tấm gương khích lệ, tạo động lực cho người bình thường".

Thiện Đức

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/ts-phan-quoc-viet-tam-khoi-trung-trung-duyen-khoi-voi-tre-tu-ky-d35495.html)

Tin cùng nội dung

  • Các dấu hiệu của chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời. Do đó, phụ huynh cần nhận biết sớm để can thiệp cho trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
  • Con trai tôi học lớp 3 bị tự kỷ - aspagor hang động - đang khám và điều trị ngoại trú theo đơn bác sĩ.
  • Nếu các nghiên cứu thử nghiệm cho thấy lợi ích rõ rệt của loại Thuốc này thì nó sẽ có mặt trên thị trường trong vài năm nữa.
  • Có mối liên quan đáng kể giữa thiếu hụt kẽm và bệnh tự kỷ, đặc biệt là ở những trẻ nhỏ tuổi.
  • Nghiên cứu cho thấy trẻ mắc chứng tự kỷ có những đặc điểm khuôn mặt khác biệt so với các trẻ không mắc chứng bệnh này...
  • Hiểu không rõ về tự kỷ khiến nhiều phụ huynh hoang mang khi vừa thấy vài biểu hiện “là lạ” ở con em mình.
  • Hiện nay, một số tổ chức xem tự kỷ như một cách sống hơn là bệnh nên không cần chữa, một số khác thì tìm cách chữa lành chứng bệnh này.
  • Việc dạy dỗ, giáo dục một đứa con tự kỷ trở thành nỗi quan tâm, lo lắng của nhiều bậc cha mẹ.
  • Nếu can thiệp trước 2 tuổi, trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển bình thường đến 80%. Nhưng trên thực tế, gần 50% trường hợp phát hiện bệnh sau 3 tuổi.
  • Tự kỷ là một rối loạn thuộc nhóm các rối loạn về phát triển nghiêm trọng còn được gọi là những rối loạn phổ tự kỷ, xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường trước 3 tuổi. Mặc dù các triệu chứng và mức độ nặng của bệnh không hằng định, nhưng tất cả các rối loạn phổ tự kỷ đều ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với những người xung quanh. Số trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ dường như đang tăng lên, mặc dù vẫn chưa rõ là do sự cải thiện trong khả năng phát hiện và báo cáo các
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY