Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

TS Vũ Tiến Lộc: Tôi có một điều ước giản dị, là doanh nghiệp nước mình không phải gian nan với thủ tục

Sáng 5.5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.

Với 73,40 điểm trong PCI 2019, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, Quảng Ninh lần thứ 3 giữ ngôi quán quân Bảng xếp hạng PCI, còn á quân Đồng Tháp đạt 72,10 điểm.

PCI 2019 ghi nhận bước tiến của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm) năm 2018 lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm. Bắc Ninh bứt phá trở lại Top 10 tỉnh/thành có chỉ số PCI tốt nhất năm 2019 với 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4, trong khi TP.HCM tuột khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14.

Đà Nẵng và Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ trong bảng xếp hạng PCI. Đà Nẵng vẫn ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 70,15 điểm còn Hà Nội ở vị trí thứ 9 với 68,80 điểm.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá, chỉ số PCI 15 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ số PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt tại các địa phương. Đã có 12.429 doanh nghiệp từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra PCI 2019, trong đó 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 doanh nghiệp dân doanh và gần 15.850 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, PCI là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân là "cánh chim không mỏi" của tinh thần cải cách trong việc truyền tải những thông điệp, những kỳ vọng và những khuyến nghị từ khu vực tư nhân đến với các cấp chính quyền để nâng cao năng lực điều hành của các địa phương.

Theo ông Lộc, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói, và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay. Cách tiếp cận thực tiễn là đặc sản của PCI.

“Có đến “Một ngàn lẻ một” câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương. “Cà phê Doanh nhân”- “sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa Anh Chị em chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp không thể thiếu được trên 40 tỉnh, thành phố ở nước ta”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy.

“Ở thời điểm giữa năm 2019, khi chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin!”, Chủ tich VCCI chia sẻ.

Theo ông Lộc, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. “Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu”.

Cũng theo người đứng đầu VCCI, chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Ông Lộc nhấn mạnh, lao động và việc làm sẽ là những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới và chìa khoá để hoá giải vấn đề này, là phải đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, phải tăng cường vai trò của giới doanh nghiệp trong đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo.

Cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động thì một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, quốc tế hoá và số hoá doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng phát triển có trách nhiệm và bền vững phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.

Ông Lộc cho rằng một điểm cần nhấn mạnh, phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn.

“Chúng ta trong thời cơ vàng này để tái khởi động, để phục hồi khi chúng ta là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến cho chúng ta như vận hội mới. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó”, ông Lộc nêu.

Lam Thanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/thi-truong-va-chinh-sach-c-196/ts-vu-tien-loc-toi-co-mot-dieu-uoc-gian-di-la-doanh-nghiep-nuoc-minh-khong-phai-gian-nan-voi-thu-tuc-137664.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY