Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Từ bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” gây tranh cãi, ngẫm về phúc đức tại mẫu

MangYTe – Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” gây nhiều tranh cãi khi đã đạt giải trong một cuộc thi thơ. Thế nhưng, qua bài thơ cũng thấy thể hiện một nhận định rằng con cái phúc nhiều là từ người mẹ.

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân những ngày này trở thành tâm điểm của dư luận khi nằm trong chùm thơ được trao giải B của báo Văn nghệ. Tác phẩm đến nay vẫn gây tranh cãi kịch liệt.

Người khen ngợi ý tứ, ý tưởng và tính nhân văn từ bài thơ nhưng không ít người cho rằng bài thơ không có tính nghệ thuật. Trước đó, trả lời báo chí, nhà thơ Hữu Thỉnh là chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ đã giải thích bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. "Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình".

Không bàn đến vần điệu, tính nghệ thuật của bài thơ nhưng nội dung cho thấy câu "Phúc đức tại mẫu" của cha ông ta từ xưa được thể hiện rõ ràng trong bài thơ này. Con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con.

Theo nội dung bài thơ, thay vì chửi rủa kẻ ăn trộm, bà mẹ kia lại cầu mong kẻ ăn trộm dư giả, những mong khi đã giàu có thì kẻ trộm không đi trộm nữa. Vì bà mẹ nhân văn, cao thượng như vậy nên con gái bà không được đẹp lắm nhưng vẫn có bốn nhà muốn con bà về làm dâu.

Từ bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” gây tranh cãi, ngẫm về phúc đức tại mẫu - Ảnh 2.

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" gây tranh cãi

Trao đổi với pv báo gia đình và xã hội, chuyên gia tâm lý lê thị túy - trung tâm tư vấn tâm lý tuổi trẻ hạnh phúc cho rằng, "phúc đức tại mẫu" nhìn nhận vai trò của người mẹ hết sức quan trọng đối với con, nhất là với con gái. người mẹ từ khi mang nặng đẻ đau cho đến khi chăm bẵm, dạy dỗ con lên người có một sợi dây mật thiết, gắn kết ảnh hưởng tới cuộc sống của người con sau này.

Ngay từ khi mang thai, người mẹ đã ảnh hưởng tới con. Người xưa từng nói "Cha sinh không tày mẹ dưỡng", người cha cho hạt giống còn mẹ nuôi hạt giống thành người mà dưỡng lại rất khó. Trong quá trình mang thai, thể trạng của mẹ ảnh hưởng thể chất của con và tâm tính của mẹ cũng ảnh hưởng đến tâm tính của con. Bởi vậy việc dạy con từ lúc trong thai rất được chú trọng.

Khi sinh con ra, người mẹ cũng là người chăm bẵm, bú mớm. Trong bước đường của con, người mẹ quá gắn liền.

Ngay trong mỗi gia đình, người phụ nữ, người mẹ đóng vai trò cốt lõi đến với hạnh phúc gia đình. thường những gia đình có người vợ, người mẹ tốt, gia đình hạnh phúc rất nhiều. họ là lò lửa hạnh phúc trong gia đình, lạnh hay ấm phần nhiều từ người phụ nữ. nếu mẹ tốt tạo dựng được môi trường gia đình tốt, con cái được hưởng bầu không khí hạnh phúc đó sẽ phát triển tốt.

Từ bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” gây tranh cãi, ngẫm về phúc đức tại mẫu - Ảnh 3.

Người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con. Ảnh minh họa


Theo chia sẻ của chuyên gia Lê Thị Túy, "Phúc đức tại mẫu" không phải là hoàn toàn vì vẫn cần có vai trò thêm của những người cha. Thế nhưng, xưa nay có rất nhiều các bậc vĩ nhân, những người tài giỏi thành danh thường có người mẹ cao quý. Câu chuyện của Mạnh Mẫu là một ví dụ. Mẹ của Mạnh Tử là người đàn bà đặc biệt, từ bi, tấm lòng yêu thương con và rất biết giáo dục. Hay như mẹ của Bác Hồ cũng là một người mẹ rất nhân từ.

"Phúc đức tại mẫu" còn cho thấy luật nhân quả. Một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, có tình thương giúp đỡ mọi người lúc khó khăn, hoạn nạn... sẽ truyền phúc cho con. Có thể khi đó người được giúp đỡ chưa có khả năng trả ơn cho người phụ nữ đó nhưng khi họ tốt hơn, người làm ơn cho họ có thể không còn sống nhưng họ vẫn muốn đền ơn cho những người con, người cháu của người mà họ mang ơn.

Hay trong việc dựng vợ gả chồng của con cũng có phần ảnh hưởng từ chính người mẹ. Xưa có câu "Lấy vợ kén tông" nhắc nhở người con trai khi xác định đến với cô gái nào cần tìm hiểu cả tông chi họ hàng của cô ấy mà có nên đi xa hơn trong mối quan hệ tình cảm, kết hôn hay không. Xem xét ở đây không phải là nhà vợ giàu có hay không mà xem có nề nếp, đảm đang, chung thủy. Thường họ sẽ nhìn vào người mẹ để "chiếu" vào người con gái. Một người mẹ nói những lời cay nghiệt, suốt ngày chửi bới sẽ khó dạy bảo con gái thành người hiền thục, đảm đang...

Phương Thuận

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-bai-tho-me-toi-chui-ke-trom-gay-tranh-cai-ngam-ve-phuc-duc-tai-mau-20210413170314378.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY