Tâm linh hôm nay

Tuệ Trung Thượng Sỹ với nghĩa như của Kinh Kim Cang

Sinh tử hay sống ch*t, phiền não hay Bồ-đề, thiên đàng hay địa ngục, khổ vui, mê ngộ, … chỉ là những trò chơi đuổi bắt bất tận của những ý niệm nhị nguyên với tâm thức chứa đầy ngã tưởng và phi ngã tưởng; pháp tưởng và phi pháp tưởng.

Gia tài ấy chính là Như, của báu mà không có bất cứ của báu nào có thể so sánh. Của báu ấy, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã khai quật bằng tất cả những tĩnh lự miên mật, tối thượng của chính ông.

Tuệ Trung Thượng Sỹ là một trong những khuôn mặt lớn về Phật học của Phật giáo đời Trần, nhất là đối với Thiền học. Tuệ Trung Thượng Sĩ có tên là Trần Tung, sinh năm 1230 và mất 1291,1 con trưởng của Yên Sinh Vương - Trần Liễu. Ông ta còn có tước hiệu Hưng Ninh Vương, đã cùng với Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải đánh bại Nguyên Mông.

Tuệ Trung Thượng Sỹ rất được vua Trần Thánh Tông quý trọng, nhất là về mặt trí tuệ và phong cách sống của ông. Tuệ Trung Thượng Sỹ là bậc Thượng Sỹ ở trong giới tuệ học bấy giờ. Tên của ông đã nói lên con người và phong cách hành xử của ông, nên vua Trần Thánh Tông đã giao Thái tử Khâm tức là vua Trần Nhân Tông sau này, cho ông giáo dục.

Vua Trần Nhân Tông đã viết bài thơ ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sỹ ngay nơi bức chân dung của ông và bài thơ này đã được ghi lại ở trong Thượng Sỹ hành trạng như sau:

Giá lão cổ chùy

Nhân nan danh mạc

Lương hoàng khúc xích

Thái đế đạc lạc

Năng phương năng viên

Năng hậu năng bạc

Pháp hải độc nhãn

Thiền lâm tam giác.


Lê Mạnh Thát dịch:


Đây bậc Cổ chùy

Người đâu dễ vẽ

Thước góc Lương hoàng

Mõ chuông Thái đế

Hay tròn hay vuông

Mỏng dày đủ vẻ

Biển pháp một mình

Rừng thiền ba phía.2


Đối với vua Trần Nhân Tông, thì Tuệ Trung Thượng Sỹ là một con người có tài năng đa dạng, không dễ gì định vị kích thước để tạo nên một bức ảnh chính xác về ông hay chính cuộc đời của ông. Tuệ Trung Tượng Sĩ, theo vua Trần Nhân Tông là con mắt độc nhất của biển pháp bấy giờ (Pháp hải độc nhãn), và là người có khả năng dạy dỗ và đáp ứng nhu cầu thiền học cho ba bậc thượng, trung và hạ căn của xã hội, hay thiền học của Tuệ Trung Thượng Sỹ hàm chứa giáo nghĩa đầy đủ cả ba thừa, gồm Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa, và đầy đủ cả ba mặt tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn mà vua Trần Nhân Tông gọi Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sỹ là Thiền lâm tam giác, nghĩa là rừng thiền đầy đủ cả ba mặt.
Vua Trần nhân Tông còn nhận xét: “Thượng Sỹ bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. khí lượng thâm trầm, phong thái nhàn nhã”.

Như vậy, kinh Kim Cang Bát-nhã đã ảnh hưởng đến phong cách và cuộc đời của Tuệ Trung Thượng Sỹ như thế nào?

Ta hãy đọc bài thơ vạn sự quy như của ông, để có thể thấy sự chứng nghiệm của ông về hữu và phi hữu, về vô và phi vô bằng Tuệ giác Kim Cang trong bài thơ này.

Tùng vô hiện hữu, hữu vô thông

Hữu hữu vô vô ất cánh đồng

Phiền não Bồ-đề nhân bất nhị

Chân Như vọng nghiệp tổng giai không

Thân như huyễn kính, nguyệt như ảnh

Tâm Nhược thanh phong, tính nhược bồng

Hưu vấn tử sinh ma dữ Phật

Chúng tinh củng bắc, thủy triều đông.


Nghĩa là:


Từ vô hiện hữu, hữu vô thông,

Hữu hữu, vô vô, ắt hẳn đồng,

Phiền não, Bồ-đề vốn không khác,

Chân Như, vọng niệm thảy đều không.

Thân như gương ảo, như bóng nguyệt,

Tâm tợ gió thanh, tính cỏ bồng,

Đừng hỏi tử sinh, ma và Phật,

Muôn sao chầu Bắc, nước chầu đông.


Như vậy, qua bài thơ ta thấy, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã đập vỡ mọi ý niệm nhị biên mà thể nhập thực tính Trung đạo, hay là thực tướng Bát-nhã.

Bằng Tuệ giác Kim Cang, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã trực nhận, hữu và vô hay có và không là hai mặt của một thực tại. Ngay nơi hữu mà vô, ngay nơi có mà không; ngay nơi vô mà hữu hay ngay nơi không mà có. Hữu và vô hay không và có, chúng không hề tách rời nhau mà luôn có mặt trong nhau. Cho đến thân và tâm, sống và ch*t, ma và Phật cũng vậy. Chúng không bao giờ tách biệt nhau. Thân và tâm, sống và ch*t, ma và Phật tất cả đều là không có tự tính, hết thảy bản tính của chúng đều là như.

Như mà Tuệ Trung Thượng Sỹ đã đề cập ở trong bài thơ này, chính là nghĩa như của các pháp, mà kinh Kim Cang bản dịch của Ngài La Thập gọi là Như Lai. “Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa”.3 Và ở trong bản phạn văn, đức Phật đã nói với tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Như Lai là để gọi cho Chân Như; Như Lai là để gọi cho pháp tính bất sinh; Như Lai là để gọi cho sự đoạn tận của các pháp; Như Lai là tên gọi của Tuyệt đối bất sinh”.4

Tuyệt đối bất sinh là Niết-bàn hay là tính không của pháp giới. Tính không ấy là như. Như thì không còn khởi hiện mọi ý tưởng về ngã hay phi ngã, về nhân hay phi nhân, về chúng sanh hay phi chúng sinh, về thọ mạng hay phi thọ mạng, về pháp hay phi pháp mà ở trong kinh Kim Cang Bát-nhã đức Phật đã dạy cho tôn giả Tu-bồ-đề và thính chúng lúc bấy giờ mà trong bản Phạn văn ta có như sau:

“Hỡi Tu-bồ-đề! Vì chính các vị Bồ-tát Đại sĩ, thì không có khởi hiện ý tưởng tự ngã, không khởi hiện ý tưởng chúng sinh, không khởi hiện ý tưởng sĩ phu và không khởi hiện ý tưởng thọ mạng.

Hỡi Tu-bồ-đề! Chính những vị Bồ-tát Đại sĩ, cũng không khởi hiện ý tưởng về pháp và về không phải pháp.

Hỡi Tu-bồ-đề! Và chính họ cũng không còn khởi hiện về ý tưởng và về không phải ý tưởng.

Hỡi Tu-bồ-đề, tại sao? Vì nếu những vị Bồ-tát Đại sĩ còn hiện khởi ý tưởng về pháp, thì chính họ còn có mắc kẹt tự ngã, còn có mắc kẹt chúng sanh, còn có mắc kẹt sĩ phu và thọ mạng.”

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tại sao? Vì đối với Bồ-tát Đại sĩ, thì không còn nắm giữ cái hiểu về pháp hay không phải pháp.5

Tự thân của các pháp là như, nên vô cũng như mà hữu cũng như; hữu hữu cũng như, mà vô vô cũng như; phiền não cũng như, mà Bồ-đề cũng như; chân như cũng như, mà vọng niệm cũng như; thân cũng như, mà tâm cũng như; sống cũng như, mà ch*t cũng như; ma cũng như, mà Phật cũng như; đông cũng như mà bắc cũng như.

Tóm lại, đối với Tuệ giác Kim Cang, thì bản tính của các pháp là rỗng lặng, bình đẳng, nên không có pháp nào là không Như. Vì vậy, kinh Kim Cang nói: “Như là nghĩa của các pháp”.(Chư pháp như nghĩa).

Và như là vậy, nên vô vi cũng có nghĩa là như. Các pháp từ nơi như hay từ nơi vô vi mà biểu hiện khác nhau.6 Nên, trong bài thơ ấy, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã nói về nghĩa như, do ông đã giác ngộ từ Tuệ giác Kim Cang.

Và như của kinh Kim Cang, cũng đã được Tuệ Trung Thượng Sỹ đề cập đến trong bài thơ Mê Ngộ của ông:

Mê khứ sinh không sắc

Ngộ lai vô sắc không

Sắc không mê ngộ giả

Nhất lý cổ kim đồng.

Vọng khởi tam đồ khởi

Chân thông ngũ nhãn thông


Niết-bàn tâm tịch tịch

Sinh tử hải trùng trùng.

Bất sinh hoàn bất diệt

Vô thỉ diệc vô chung

Đản năng vong nhị kiến

Pháp giới tận bao dung.


Nghĩa là:


Mê lầm sinh không

Ngộ rồi không sắc không

Sắc, không, mê, ngộ ấy

Xưa nay một lẽ đồng.

Vọng khởi, ba đường khởi

Chân thông, năm mắt thông

Niết-bàn tâm tĩnh lặng

Biển sống ch*t trùng trùng.

Không sinh, lại không diệt

Không thỉ, cũng không chung

Chỉ thường quên nhị kiến

Pháp giới thảy bao dung.


Qua bài thơ, ta thấy tinh thần Tâm kinh Bát-nhã và Kim Cang Bát-nhã đã được Tuệ Trung Thượng Sỹ diễn tả một cách minh triệt. Mê lầm là mê lầm đối với sắc không và giác ngộ cũng là giác ngộ đối với sắc không. Không có sự mê lầm hay giác ngộ nào tách rời khỏi sắc và không cả. Bởi lẽ sắc và không hay mê và ngộ xưa nay đều cùng chung một lý tính. Lý tính ấy là Không tính hay là như. Lý tính ấy không có sinh, không có diệt, không có khởi điểm, không có kết thúc mà Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: “Bất sinh hoàn bất diệt, vô thỉ diệc vô chung”. Và theo ông, muốn chứng nhập toàn thể lý tính ấy, thì hãy quên mất nhị kiến (đản năng vong nhị kiến).

Nhị kiến là những nhận thức do nhị nguyên đối đãi hay do sáu căn và sáu trần tiếp xúc và đối đãi với nhau làm điều kiện cho các nhận thức sinh khởi, nên nhận thức ấy là nhận thức mê lầm. Hoặc nhị kiến là hai kiến chấp sai lầm đối với ngã và pháp là sinh hoặc là diệt; là thường hoặc là đoạn; là lai hoặc là khứ; là đồng nhất hoặc là dị biệt. Nghĩa là người tu tập mà còn kẹt vào những kiến chấp hay những ý niệm về ngã và pháp. Như vậy, thì không thể nào hội nhập với pháp giới Chân Như. Và khi đã thông đạt Chân Như của pháp giới, thì đạt thông luôn cả năm cách nhìn, mà Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: “Chân thông ngũ nhãn thông”.

Ngũ nhãn là năm con mắt gồm: Nhục nhãn là mắt phàm phu; Thiên nhãn là mắt của chư thiên; tuệ nhãn là mắt trí tuệ chung của hàng thánh giả Thanh văn và Bồ-tát; pháp nhãn là mắt nhìn thấy pháp tính Chân Như của hàng Bồ-tát đại sĩ và Phật nhãn là mắt nhìn thấy mọi sự hiện hữu bằng tuệ giác hoàn toàn.

Ở kinh Kim Cang Bát-nhã, Tôn giả Tu-bồ-đề đã thưa với đức Thế Tôn rằng, Ngài có đầy đủ cả năm con mắt ấy.7 Như vậy, theo Tuệ Trung Thượng Sĩ, chỉ cần quên mất nhị kiến, hay không ruổi rong theo nhị kiến, thì thông đạt Chân Như của pháp giới, và năm cách nhìn của năm con mắt không còn có sự đối ngại. Nghĩa là ngay nơi nhục nhãn có đủ cách nhìn của cả bốn con mắt kia.

Bởi vậy, ta biết kinh Kim Cang là hội điểm tu tập và chứng ngộ của Tuệ Trung Thượng Sỹ về Như, và cũng từ hội điểm ấy, mà ông phóng ra sự siêu thoát ngay giữa cuộc đời đầy bụi bặm này.

Như vậy, ta biết kinh Kim Cang là giáo lý chủ não của Phật học đời Trần. Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và nhất là Tuệ Trung Thượng Sỹ đã hội nhập lý tính vô trú hay Như của kinh Kim Cang và ông đã biểu lộ lý tính ấy trong mọi hành xử vô trú của ông một cách tự nhiên. Đời sống của ông là đạo của ông và đạo của ông là đời sống của ông, cả hai không hề có một lằn mức ý niệm phân chia nào. Ông đã sống như vậy và ông đã nói như vậy.

Có vị Tăng hỏi thế nào là thanh tịnh pháp thân?

Tuệ Trung đáp:

“Ra vào đống phân ngựa. Nghiên tầm vũng nước trâu”.

Vị tăng hỏi:

“Làm sao mà chứng nhập được?”

Tuệ Trung:

“Bỏ được những khái niệm về dơ bẩn, thì tức khắc đó là thanh tịnh pháp thân”.

Trong đời sống của chúng ta cứ lẽo đẽo với những nhận thức nhị biên, với những khái niệm nhớp sạch, thì không bao giờ ta bước vào được thế giới vô niệm hay là thế giới của pháp tính Chân Như hoặc pháp thân thanh tịnh. Kinh Viên giác nói: “Vị xuất luân hồi nhi biện viên giác, bỉ viên giác tính tức đồng lưu chuyển”. Nghĩa là: chưa ra khỏi luân hồi mà biện minh về tính viên giác, thì tính viên giác ấy cũng đồng như luân hồi. Hoặc “Dĩ luân hồi tâm, sinh luân hồi kiến, nhập ư Như Lai đại tịch diệt hải, chung bất năng chí”. Nghĩa là: Dùng tâm luân hồi, sinh ra kiến thức luân hồi, mà muốn vào biển cả vắng lặng của Như Lai, thì hoàn toàn không vào đến được”.8

Thế giới của pháp tính Chân Như, pháp thân thanh tịnh hay là biển cả vắng lặng là thế giới mà Tuệ Trung Thượng Sỹ nói cho ta qua bài kệ sau đây:

Bản lai vô cấu tịnh

Cấu tịnh bổn hư danh

Pháp thân vô quái ngại

Hà trược phục hà thanh.


Nghĩa là:


Xưa nay không nhớp sạch

Nhớp sạch vốn tên suông

Pháp thân là vô ngại

Lấy gì sạch với dơ?


Có vị hỏi: Trong kinh có câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ý như thế nào?

Tuệ Trung ngồi im lặng. Một lát sau, ông nhìn người kia và hỏi rằng: Ông có hiểu không?

Người kia: Không hiểu.

Tuệ Trung: Ông có sắc thân không?

Người kia: Có.

Tuệ Trung: Vậy, sao gọi sắc là không?

Tuệ Trung: Ông thấy cái không có hình sắc không?

Người kia: Không thấy.

Tuệ Trung: Vậy, sao gọi không là sắc?

Người kia: Như vậy, rốt cuộc là thế nào?

Tuệ Trung: Sắc chẳng phải không; không chẳng phải sắc.

Lại nói tiếp:

Sắc tức thị không không tức thị sắc

Tam thế Như Lai phương tiện lực

Không bổn vô sắc sắc vô không

Thể tính minh minh phi thất đắc.


Nghĩa là:


Sắc chính là không, không chính là sắc

Sức phương tiện của Như Lai ba đời

Không vốn không sắc, sắc vốn không không

Thể tính sáng choang, không hề được mất.


Tuệ Trung Thượng Sỹ do giác ngộ được thấu tính Chân Như vô trú, không sinh, không diệt nơi vạn hữu bằng Tuệ giác Kim Cang, nên mọi phong thái hành xử của ông hết sức tự tại.

Do đó đối với ai tu tập hay thực hành Bồ-tát đạo mà còn mắc kẹt nơi ý niệm trì giới và nhẫn nhục, thì ông dùng tuệ giác Kim Cang để chặt đứt ngay:

Trì giới kiêm nhẫn nhục

Chiêu tội bất chiêu phúc

Dục tri vô tội phúc

Phi trì giới nhẫn nhục.


Nghĩa là:


Trì giới và nhẫn nhục

Rước tội không rước phước

Muốn biết không tội phước

Đừng trì giới nhẫn nhục.


Thể tính của ta là Như. Thể tính ấy, vốn sáng choang, đâu có ô nhiễm mà phải trì giới cho hết nhiễm ô; thể tính của ta vốn vững chãi bất hoại, thì đâu cần phải nhẫn nhục để được kiên trì, bất hoại?

Lại nữa, thể tánh của ta là pháp thân thanh tịnh, thì đâu cần phải trì giới để cho được thanh tịnh pháp thân; thể tính của ta vốn tịch chiếu cùng khắp, thì đâu cần phải nhẫn nhục để cùng khắp lặng chiếu và thể tính của ta vốn bình đẳng cùng khắp, thì đâu cần phải nhẫn nhục để đoạn tận tham sân, chấp ngã. Nên hết thảy pháp mà Đức Phật trình bày cho chúng ta tu học, chỉ là phương tiện giúp ta giác ngộ mà không phải là giác ngộ, vì vậy ở kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu-bồ-đề rằng:

“Những người nào, nếu tâm họ còn bám vào ý niệm, thì họ còn bị kẹt vào ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng; và nếu tâm của họ còn bám vào ý niệm pháp, thì họ vẫn còn kẹt vào ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng. Và tại sao? Vì nếu tâm của họ còn bám víu vào ý niệm không phải pháp, thì họ vẫn còn kẹt vào ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng.

Vì lý do đó, nên đừng bám víu vào pháp và cũng đừng bám víu vào không phải pháp.

Vì do nghĩa này, nên Như Lai thường nói với các Tỷ-kheo rằng: Quý vị phải biết, pháp tôi nói ví như chiếc bè, pháp còn phải buông bỏ, huống là không phải”. 9

Tuệ Trung Thượng Sỹ đã nắm được tuệ kiếm Kim Cang này, nên ông đã chặt đứt mọi chấp thủ của những kẻ đối diện với ông một cách ngang tàng và lẫm liệt.

Hoàng hậu Thiên Cảm em gái của Tuệ Trung Thượng Sỹ đã mời ông vào cung để ăn tiệc. Trên bàn tiệc có đầy đủ cả hai món mặn và chay. Ông không gắp món chay mà gắp món mặn, Hoàng hậu Thiên Cảm hỏi:

“Anh tu thiền mà ăn thịt cá, thì làm sao mà thành Phật được?”.

Tuệ Trung đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói: “Văn thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”.

Thành Phật chỉ là một cách nói ước lệ, chứ chẳng có Phật nào tự thấy mình thành Phật cả. Và Phật là thể tính giác ngộ nơi mỗi chúng sanh, nếu để cho thể tính ấy bị khuất lấp bởi phiền não thì Phật là chúng sanh, và phiền não lắng yên, giác tính biểu hiện, soi chiếu toàn triệt và cùng khắp, thì chúng sanh là Phật, chứ có Phật nào ngoài giác tính mà thành hay đắc, nên Tuệ Trung Thượng Sỹ nói với Hoàng hậu Thiên Cảm rằng: “Phật không cần thành anh, anh không cần thành Phật” là vậy.

Cuộc đối thoại giữa hai anh em của Tuệ Trung Thượng Sỹ ta thấy chẳng khác nào cuộc trò chuyện giữa Phật và Tôn giả Tu-bồ-đề ở kinh Kim Cang rằng:

“Này Tu-bồ-đề! Thầy nghĩ Như thế nào? Như Lai có chứng đắc vô thượng giác không? Có pháp nào được nói bởi Như Lai không?

Tôn giả Tu-bồ-đề, thưa rằng: Đúng như con hiểu ý nghĩa của Ngài dạy, thì không có pháp nào được khẳng định là Vô thượng giác và không có pháp nào khẳng định được nói bởi Như Lai.

Vì sao? Vì pháp được nói bởi Như Lai, pháp ấy đều không thể nắm bắt, không thể diễn đạt, không thể gọi là pháp, không thể gọi là phi pháp.

Vì sao? Vì hết thảy các bậc hiền thánh từ nơi pháp vô vi mà thông hiểu”.10

Nơi những cuộc trò chuyện như vậy, những ý niệm đắc và phi đắc, Phật và phi Phật; pháp và phi pháp, tất cả đều đã bị kiếm tuệ Kim Cang chặt đứt hoàn toàn.

Có lần Vua Trần Nhân Tông hỏi: “Chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu, thì làm thế nào thoát khỏi tội báo?”

Tuệ Trung trả lời: “Nếu có người đang xây lưng lại, bất chợt có vua đi ngang qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì đó, ném bất ngờ mà trúng nhằm vua. Thử hỏi trong lúc ấy, người ấy có sợ vua không và vua có giận người ấy không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau cả”.

Nói xong, Tuệ Trung còn đọc bài kệ:

Vô thường chư pháp hành

Tâm nghi tội tiện sanh

Bản lai vô nhất vật

Phi chủng diệc phi manh.

Nhật nhật đối cảnh thì

Cảnh cảnh tòng tâm xuất

Tâm cảnh bản lai vô

Xứ xứ ba-la-mật.


Nghĩa là:


Các pháp hành vô thường

Tâm nghi tội liền sanh

Xưa nay không một vật

Không giống, không nẩy mầm.

Mỗi ngày lúc đối cảnh

Mọi cảnh từ tâm sanh

Tâm cảnh xưa nay không

Nơi nơi đều viên mãn.


Ăn thịt cá mà không tác ý, nghĩa là không khởi lên ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, không khởi lên pháp tưởng và phi pháp tưởng, không khởi lên mất và được, thủ và xả, thì ngay khi ăn, nghiệp không sinh, lấy gì mà thọ báo. Chúng sanh ăn mà thọ báo là do lúc ăn xúc thọ đi kèm với tác ý, tưởng và tư, hoặc đi kèm theo những tư niệm Phật hay chúng sanh, phiền não hay Bồ-đề, sinh tử hay Niết-bàn, pháp hay phi pháp, được hay mất, thủ hay xả, nên sinh khởi nghiệp, dẫn đến thọ quả báo khổ vui trong ba đời và sáu nẻo. Còn ăn không tác ý, không tưởng và không tư, thì ăn chỉ là ăn, ăn chỉ là thọ báo và trả báo, nên ăn xong là báo hết, chẳng có tội phúc gì trong cách ăn và khi ăn ấy.

Vì vậy, với tuệ kiếm Kim Cang, Tuệ Trung Thượng Sỹ không những chặt đứt phăng những ý niệm nhân ngã, nhị biên đối với mình khi tiếp xúc với vạn cảnh, mà ông còn phá vỡ và chặt đứt những ý niệm phân biệt vọng tưởng ngay ở nơi những người có cơ duyên trực diện với ông.

Ông nói:

Thân tòng vô tướng, bổn lai không

Huyễn hóa phân sai thành nhị kiến

Ngã nhân tợ lộ diệc tợ sương

Phàm thánh như lôi, diệc như điện.


Nghĩa là:


Thân từ vô tướng, xưa nay

huyễn hóa phân sai thành nhị kiến.

Ta, người như mốc, cũng như sương

Phàm, thánh cũng như sấm, như chớp.


Nhị kiến là cái thấy nhị biên, cái thấy đối đãi, cái thấy thuộc về các pháp hữu vi sinh diệt không phải là cái thấy của Tuệ giác Kim Cang.

Cái thấy của Tuệ giác Kim Cang là cái thấy từ vô vi mà biểu hiện, có khả năng chặt đứt mọi cái thấy đối đãi, giữa ta và người; giữa phàm và thánh. Ta và người, phàm và thánh chỉ là những ý niệm hư huyễn bất thực, của tâm thức chứa đầy ngã tưởng, phi ngã tưởng, chứa đầy pháp tưởng và phi pháp tưởng. Những tưởng ấy, chúng khởi sinh và hủy diệt một cách nhanh chóng, như sương, như mốc, như sấm chớp và như điện xẹt vậy.

Mọi hoạt dụng vắng bặt hết thảy ý niệm ngã và phi ngã, vắng bặt mọi ý niệm pháp và phi pháp, đều là như và là diệu dụng của như. Đi đứng nằm ngồi, nói năng, động tịnh đều là như và từ nơi Như mà thõng tay vào chợ đời sinh tử, chỉ thẳng cho mọi người tính như ngay ở nơi chợ đời ấy.

Nghĩa là chỉ thẳng cho người đời biết rằng: Sinh cũng như mà diệt cũng như; cả sinh và diệt đều như; huyễn cũng như mà chân cũng như; cả chân và huyễn đều Như; Bồ-đề là như mà phiền não cũng như; cả Bồ-đề và phiền não đều là như; Thiên đàng là như mà địa ngục cũng như; cả Thiên đàng và địa ngục đều là như; Nước sôi lửa bỏng cũng như mà nước mát thanh trong cũng là như; Ngồi thiền cũng như mà không ngồi thiền cũng như; Thuyết pháp cũng như mà không thuyết pháp cũng như,… Nghĩa là khi tâm đã lặng yên hết các tưởng, thì thấy muôn cảnh đều là như và có thể tự do rong chơi khắp cả mười phương thế giới mà chẳng có gì ràng buộc.

Nên, Tuệ Trung nói:

Tâm chi sinh hề, sinh tử sinh,

Tâm chi diệt hề, sinh tử diệt.

Sinh tử nguyên lai tự tính không,

Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt.

Phiền não, Bồ-đề ám tiêu ma

Địa ngục thiên đường tự khô kiệt

Hoạch than lô thán đốn thanh lương

Kiếm thụ đao sơn lập tồi chiết.

Thanh văn tọa thiền ngã vô tọa

Bồ-tát thuyết pháp ngã thuyết thực

Sinh tử vọng sinh, tử vọng tử

Tứ đại bổn không tòng hà khởi

Mạc vi khát lộc sấn dương diệm

Đông tẩu Tây trì vô tạm dĩ.

Pháp thân vô khứ diệc vô lai

Chân tính vô phi diệc vô thị

Đáo gia tu trí bãi vấn trình

Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ

Ngu nhân điên đảo bố sinh tử

Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.


Nghĩa là:


Sinh của tâm chừ, sinh tử sinh;

Diệt của tâm chừ, sinh tử diệt!

Sinh tử xưa nay bản tính không

Huyễn thân này rồi cũng sẽ diệt.

Phiền não, Bồ-đề cũng tiêu vong

Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.

Nước sôi lò bỏng liền tươi mát

Núi kiếm rừng đao gãy sạch trơn

Thanh văn thiền tọa ta không tọa

Bồ-tát thuyết pháp, ta thuyết thực

Sinh chính vọng sinh, tử vọng tử

Tứ đại vốn không, khởi chỗ nào?

Đừng làm nai khát săn sóng nắng

Chạy ruổi đông tây chẳng tạm dừng.

Chân tính không phi cũng không thị

Đến nhà còn hỏi đường chi nữa?

Thấy trăng, đâu nhọc tìm tay chỉ!

Sợ hãi tử sinh người điên dại

Đạt ngộ thong dong bậc trí hiền.


Tâm là ông chủ của sinh và diệt của sống và ch*t, của phiền não và Bồ-đề, của thiên đàng và địa ngục, của khổ và vui, của lửa bỏng hay ao mát, nên Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: “Tâm chi sinh hề, sinh tử sinh; Tâm chi diệt hề, sinh tử diệt”. Nghĩa là: Sinh của tâm chừ, sinh tử sinh; diệt của tâm chừ, sinh tử diệt!”. Tâm là cứ điểm cho cái sinh nó sinh và là cứ điểm cho cái diệt nó diệt. Sinh và diệt là hai mặt biểu hiện của tâm, nhưng mà thể tính của tâm, thì không hề sinh diệt. Và Ông đã giải quyết một cách triệt để, nhằm chuyển hóa đối với tâm sinh diệt ấy, bằng quán chiếu Bát-nhã. Nghĩa là luôn luôn quán chiếu để thấy rõ: “Sinh tử nguyên lai tự tính không”.

Thấy rõ tự tính sinh tử ở nơi tâm vốn không, thì cái sinh, sinh khởi từ vọng tâm hay cái diệt bị hủy diệt từ vọng tâm đều hoàn toàn vắng lặng, bấy giờ các ý niệm nhị nguyên từ nơi tâm thức hoàn toàn không còn sinh khởi, tính giác viên minh tự hiển bày, sự an lạc và sự tự do có mặt một cách đích thực với ta, khiến ta không còn phải ruổi rong kiếm tìm.

Vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: “Đến nhà còn hỏi đường chi nữa?”. Hay là “thấy trăng, đâu nhọc tìm tay chỉ?”.

Thấy rõ chân tính của ta xưa nay vắng lặng, sáng trong vô nhiễm, thường tại mà siêu việt mọi ý niệm đối đãi thị phi, thì không còn phải ruổi rong tìm kiếm Phật hay Tổ bên ngoài mà hãy hát lên bài ca diệu thường, tươi vui, sáng trong và linh hoạt, từ sự sống hay từ bản thể tịch lặng xưa nay. Như ông nói trong bài Diệu Khúc Bản Lai Tu Cử Xướng:

Thôi tìm Thiếu thất11 với Tào khê12

Thể sáng chưa từng bị lấp che

Gió lộng không chia cao với thấp

Trăng soi chẳng ngại chiếu trăm bề.

Mầu thu đậm nhạt tùy duyên sắc

Bùn sao vương được đoa sen hè

Diệu khúc muôn đời nên cử xướng

Đông Tây Nam Bắc chạy tìm chi?13


Sinh tử hay sống ch*t, phiền não hay Bồ-đề, thiên đàng hay địa ngục, khổ vui, mê ngộ, … chỉ là những trò chơi đuổi bắt bất tận của những ý niệm nhị nguyên với tâm thức chứa đầy ngã tưởng và phi ngã tưởng; pháp tưởng và phi pháp tưởng.

Ta chỉ cần buông bỏ mọi ý niệm ấy, thì chân tính hay Như tính hiện bày một cách trọn vẹn ngay nơi đời sống của chúng ta, và ngay nơi thế giới mà chúng ta đang hiện hữu mà hát ca bài ca diệu thường xưa nay bất tận.

Ấy là thông điệp hay là bản trường ca muôn thuở mà Tuệ Trung Thượng Sỹ đã hát ca lên từ Như tính diệu thường của biển tâm bình lặng, mà lời ca càng lúc càng hùng tráng bay vút phi thường, chạm tới làm rung chuyển và rơi đổ những tâm hồn nhỏ bé, những kiến thức ngái ngủ, những danh nghĩa rỗng tuếch đã và đang dựng đứng ngăn chặn trên mọi nẻo đường về.

Thông điệp đã là như, thì mọi thông điệp không như, chứa đầy ngã kiến đều phải rơi rụng. Lời ca đã là như, thì mọi âm ngữ huyễn hoặc, mọi cung bực dối trá, điên cuồng đi từ ngã tưởng đều bị lời ca ấy quét sạch như mặt nhật quét sạch sương mù.

Thông điệp hay bản trường ca quý báu ấy, là gia tài của tất cả chúng ta, mà trước ta hơn bảy trăm năm, Trần Nhân Tông đã tiếp nhận và đã nói ở trong Cư Trần Lạc Đạo Phú rằng:

“Gia trung hữu bửu hưu tầm mích”.

Nghĩa là:

“Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm”.

Trong ngôi nhà của chúng ta đã có báu vật, chỉ cần biết quay lại và biết cách sử dụng, là tức khắc không những ta trở nên giàu có, bền chắc, phú cường mà còn có khả năng giúp đỡ cho những bè bạn láng giềng chung quanh ta nữa.

Gia tài ấy chính là Như, của báu mà không có bất cứ của báu nào có thể so sánh. Của báu ấy, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã khai quật bằng tất cả những tĩnh lự miên mật, tối thượng của chính ông.

Nói cách khác, bằng tuệ giác Kim Cang, ông đã khai quật được kho báu Như, từ sự sống bụi bặm của cuộc đời, cách đây tám thế kỷ cho thời đại của ông tiêu dùng. Còn thế hệ của chúng ta hôm nay có khai quật được kho báu ấy và thừa hưởng được như ông và thế hệ của ông hay không, chúng ta mỗi người phải tự trả lời lấy!

Thích Thái Hòa
-
Chú thích:
1. Theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử PGVN, tập 3, trang 759, Nxb Tp HCM 2002.
2. Sđd, tr. 776
3. 即諸法如義, tức chư pháp như nghĩa, La Thập, Đại chính tạng 8, tr. 751a27
4.Như Lai là để gọi cho Chân Như, tiếng Phạn: bhūtatathatāyā etad adhi-vacanam. Như Lai là để gọi cho Pháp Tính Bất Sinh, tiếng Phạn: anutpādadharmatāyā etadadhivacanam. Như Lai là để gọi sự đoạn tận của pháp, tiếng Phạn: dharmocched-asyāitad-adhivacanam. Như Lai là tên gọi của Tuyệt Đối Bất Sinh, tiếng Phạn: atyantānutpannasyāitad-adhivacanam. (Buddhist Sanskrit Texts, số 17, tr. 84).
5. Buddhist Sanskrit Texts số 17, tr.76.
6. La Thập, Đại chính 8, tr. 749 b18
7. La Thập, Đại chính 8, tr.751b12.
8. Kinh Viên Giác, Đại chính 17, tr. (?)
9. La Thập, Kim cang Bát-nhã, Đại chính tạng 8, tr.749.
10. La Thập, Kim cang Bát-nhã, Đại chính tạng 8, tr.749b11.
11. Thiếu thất là nơi Bồ-đề-đạt-ma, vị Tổ sư 28 của Thiền tông Tây Trúc hay Ấn Độ đến Trung Hoa ngồi thinh lặng chin năm đối diện với tường bích vào thời vua Lương Vũ Đế của Trung Hoa và trở thành sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.
12. Tào Khê là nơi ngài Huệ Năng chuyển vận pháp thiền.
13. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận 1, tr.330, Nxb Văn học Hà Nội 199

Thích Thái Hòa

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tue-trung-thuong-sy-voi-nghia-nhu-cua-kinh-kim-cang-d23082.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY