Mất tình thân vì… tiểu són
Từ ngày bước sang tuổi 50, bà Hòa (Q.1, Tp.HCM) bỗng dưng thay tính đổi nết, ngày xưa hăng hái, nhiệt tình, quảng giao bao nhiêu thì giờ lại khép mình, lặng lẽ bấy nhiêu. Đến cả chuyện sang nhà con gái ở vài tuần bà cũng không chịu, lúc nào cũng ru rú ở nhà, hết ra lại vào.
Mọi người nghĩ bà bước sang tuổi tiền mãn kinh nên tính khí thất thường, chỉ có chồng bà là biết nguyên nhân thật sự. Chẳng là, gần đây, bà Hòa bỗng dưng mắc chứng “đi tè mất kiểm soát” (hay còn gọi là chứng tiểu són), cứ hễ ho hay cười to là nước tiểu lại trào ra gây ướt quần khiến bà Hòa rất khó chịu và ngại đến chỗ đông người.
Bạn có biết?
Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 13 triệu người mắc chứng tiểu són, chủ yếu là phụ nữ. Tỉ lệ bị tiểu són ở phụ nữ dưới 60 tuổi là 10-25%. |
Không đến nhà hàng xóm thì hàng xóm lại sang nhà bà chơi. Nhưng hễ ai đến chơi, có kể chuyện gì vui vẻ, hài hước lắm bà Hòa cũng chỉ dám cười nhè nhẹ, không dám thả ga hết cỡ. Chưa kể là cứ thỉnh thoảng bà lại phải chạy vào nhà vệ sinh thay thay, rửa rửa nên khách phải ngồi chơi một mình. Nhiều người tưởng nhầm là bà khinh người, hay ghét họ nên khách đến không tiếp, dần dần chẳng ai sang chơi với bà nữa. Bà Hòa hiểu cả nhưng chẳng biết giải thích thế nào, chỉ biết ngồi nhà hi vọng “bệnh lạ” sớm khỏi.
Cũng mắc căn bệnh oái oăm như bà Hòa, nhưng tình trạng của bà Hân (Đống Đa, Hà Nội) có phần nghiêm trọng hơn. Vì nhà có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, nên bà Hân không thể cứ chạy ra chạy vào thay rửa mỗi lần tiểu són. Sau một hồi suy nghĩ, tính toán, cuối cùng bà Hân nghĩ ra giải pháp là sử dụng băng vệ sinh.
Nhưng vì quá bận, lại tin rằng nước tiểu không ảnh hưởng nhiều nên bà toàn quên thay băng vệ sinh, có khi để từ sáng đến chiều. Được một thời gian, bà Hân liên tục cảm thấy “vùng kín” ngứa ngáy, khó chịu, rồi những cơn đau bụng dưới lâm râm xuất hiện, cho đến khi thấy tiểu ra máu thì bà Hân sợ quá đành đến bệnh viện khám. Bác sỹ kết luận bà Hân bị viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu cần uống kháng sinh liều cao và đặt thuốc. Đúng là không cái dại nào bằng cái dại nào!
Không chết người nhưng vô cùng bất tiện
Theo BS. Trần Thị Bình, khoa Phụ khoa, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quân Đội, tình trạng tiểu són có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam giới và phụ nữ nhưng phần lớn là phụ nữ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu són như ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con, do thoái hóa mô cơ, dãn dây chằng nâng đỡ vùng dây chậu, bắp thịt yếu… dẫn đến tình trạng nước tiểu thoát ra thình lình không theo ý muốn.
Bên cạnh đó, việc bị nhiễm trùng đường tiểu, bọng đái bị kích thích mạnh, cơ thể bị suy giảm nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh khiến vùng sàn chậu yếu đi cũng dẫn đến tiểu són. Ngoài ra, những người mắc bệnh như parkinson, liệt nửa người, sưng tuyến tiền liệt, đái tháo đường cũng có nhiều khả năng bị tiểu són…
Chứng tiểu són thường không gây chết người nên nhiều người chấp nhận “chung sống hòa bình” với nó, tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sinh hoạt như những câu chuyện kể trên cũng như những chứng bệnh liên quan như viêm nhiễm đường sinh dục, viêm đường tiết niệu... Nếu người bệnh chọn cách “sống chung” cần có biện pháp vệ sinh hợp lý, khoa học để không gây hại cho các bộ phận khác.
Để điều trị chứng tiểu són cần chuẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, những ai đang mắc chứng tiểu són có thể áp dụng một vài cách sau:
Hạn chế đồ uống có cồn hoặc caffeine
Các loại đồ uống cồn chứa hoặc caffeine như bia, rượu, café, trà đặc… đều có thể kích thích khiến bàng quang hoạt động mạnh hơn gây ra chứng tiểu són. Việc hút thuốc lá tưởng chừng như vô can nhưng bạn cũng nên bỏ qua thói quen này vì thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư bàng quang. Chất nicotine trong thuốc lá cũng gây kích thích bàng quang dẫn đến tình trạng tiểu són thêm trầm trọng. Hay những cơn ho do hút thuốc lá cũng có thể khiến tiểu són diễn ra thường xuyên hơn.
Uống đủ lượng nước cơ thể cần
Bị tiểu són không có nghĩa là bạn chỉ được uống ít nước vì điều này dẫn đến tập trung nước tiểu và gây táo bón. Táo bón khiến trực tràng quá đầy, có thể đè nặng lên bàng quang khiến bàng quang bị kích thích và tình trạng tiểu són càng nặng thêm. Bạn nên chia đều lượng nước cần uống vào ban ngày và hạn chế uống nước vào ban đêm.
Luyện tập phương pháp Kegel
Phương pháp tập luyện Kegel là phương pháp luyên nhằm tăng lực cho nhóm cơ vệ - cụt của sàn chậu nhằm tăng khoái cảm trong quan hệ tình dục nhưng nó cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát chứng tiểu són.
Cách luyện tập:
Hãy bắt đầu tập trong những lần đi tiểu bằng cách vừa đi tiểu vừa dừng lại để tập thể dục cho nhóm cơ cụt - vệ, đây là nhóm cơ nằm ở sàn chậu giúp kiểm soát việc đi tiểu. Một thời gian bạn sẽ quen với động tác này và có thể tập bất kỳ lúc nào trong ngày theo 1 trong 3 cách như sau:
- Co rút nhóm cơ cụt - vệ và giữ trong 3 giây rồi nghỉ 3 giây, làm như vậy 12 lần.
- Co rút nhóm cơ cụt - vệ và giữ trong 10 giây, thả lỏng trong 5 giây, làm lại 12 lần.
- Co rút nhiều lần liên tiếp rồi giữ trong 10 giây. Thở sâu rồi tiếp tục.
Thực hành một trong 3 cách nói trên ít nhất 3 lần mỗi ngày , mỗi lần kéo dài khoảng 5 phút, để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau 8-10 tuần tập luyện sẽ có khả năng kiềm chế chứng tiểu són, giúp người bệnh giảm bớt sự bất tiện và khó chịu.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Chủ đề liên quan: