12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Ung thư cổ tử cung và những điều cần biết

Không giống như một số loại ung thư khác, bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Mặc dù vậy, đa phần các bệnh nhân khi đến khám và điều trị đều đã đến giai đoạn nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5.100 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và có khoảng 2.400 phụ nữ mất vì căn bệnh ung thư quái ác này. Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe, đứng thứ 2 trong các loại ung thư mà phụ nữ thường mắc phải. Hãy tham khảo bài viết tổng quát về bệnh ung thư cổ tử cung dưới đây để có cái nhìn đúng và đủ hơn về căn bệnh này, từ đó chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé!

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là cơ quan nối giữa phần thân tử cung (nơi thai nhi làm tổ, phát triển) và âm đạo (ống sinh). Một khi những tế bào niêm mạc của cổ tử cung bị đột biến, chúng sẽ phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành nên các khối u gây nên bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp thứ 2 ở phụ nữ.

Hiện nay, có các loại ung thư cổ tử cung phổ biến như:

- Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC)

- Ung thư biểu mô tuyến

- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ

- Ung thư biểu mô tuyến vảy

- Ung thư mô liên kết tuyến

- Ung thư hắc tố

- U lympho

Trong đó, loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Theo thống kê, loại ung thư này chiếm đến 80 - 85% trong tổng số các trường hợp ung thư cổ tử cung và có thể điều trị khỏi nếu phát hiện kịp thời.

Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là gì?

Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus - HPV) là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiễm virus HPV không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị ung thư cổ tử cung. Vì virus HPV có hơn 150 loại khác nhau, trong đó:

- Khoảng 90% trường hợp có thể bị thải nhiễm nhờ vào hệ miễn dịch của cơ thể.

- Khoảng 10% nhiễm dai dẳng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, virus có thể gây biến đổi tế bào và gây nên các bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và âm đạo ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn ở cả nam và nữ….

HPV 16 và HPV 18 là hai chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất.

Bạn biết không, virus HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da trong khi quan hệ tình dục, bao gồm cả khi quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn hay đường miệng. Một số thống kê còn cho thấy, có đến 80% phụ nữ nhiễm HPV một lần trong đời, ngay cả khi chỉ quan hệ tình dục với một người.

Đặc biệt, trong số các chủng thì HPV 16 và HPV 18 là hai chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, vì chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung

Bên cạnh nhiễm virus HPV, còn có một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung như:

- Độ tuổi: Phụ nữ 35 tuổi trở lên, nhất là nhóm phụ nữ 45-50 tuổi sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao. Bệnh hiếm gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi. Và có hơn 20% trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi.

- Quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục không có biện pháp tránh thai an toàn khi còn trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi); Quan hệ với nhiều bạn tình; Quan hệ với một bạn tình nhưng người đó bị nhiễm HPV hoặc có nhiều bạn tình khác.

- Hút thuốc: Hóa chất từ thuốc lá có thể được hấp thụ qua phổi và đưa vào máu đi khắp cơ thể. Vì thế, phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với những người không hút thuốc. Thói quen hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến quá trình chống lại sự nhiễm trùng của HPV.

- Suy giảm hệ miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch

- Nhiễm Chlamydia

- Nhiễm HIV

- Mang thai sớm trước lúc 20 tuổi

- Phụ nữ có thu nhập thấp: Khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điển hình như tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV.

- Chế độ ăn ít trái cây và rau quả

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư cổ tử cung

Các dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung

Theo các chuyên gia, từ khi nhiễm virus HPV cho đến giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung, hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế, nhiều chị em phụ nữ đã vô tình bỏ lỡ giai đoạn phát hiện sớm, khiến việc điều trị bệnh chuyển sang giai đoạn muộn và khó khăn hơn.

Do vậy, lời khuyên dành cho chị em phụ nữ chính là hãy đi khám phụ khoa định kỳ. Đặc biệt, cần đến gặp bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng bất thường như:

- Đau vùng xương chậu, đau lưng

- Đau rát khi quan hệ

- Đi tiểu không kiểm soát

- Giảm cân đột ngột

- Vùng kín chảy máu bất thường

- Kinh nguyệt thay đổi thất thường

Những phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Tùy vào loại ung thư cổ tử cung, mức độ lây lan và sức khỏe của bệnh nhân mà các y bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay bao gồm:

- Phẫu thuật ung thư cổ tử cung

- Xạ trị ung thư cổ tử cung

- Hóa trị ung thư cổ tử cung

Nhìn chung, nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm thì việc chữa trị sẽ dễ dàng, thậm chí là có thể chữa khỏi, bảo tồn chức năng sinh sản và cơ hội sống sót cao. Ngược lại, nếu phát hiện bệnh muộn, các bác sĩ có thể cần tiêu diệt tế bào ung thư triệt để bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Các phương pháp này có thể không giữ được chức năng sinh sản của tử cung, khiến người bệnh mất khả năng sinh con. Vì thế, việc phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nói chung, và sức khỏe sinh sản của người bệnh nói riêng.

Vậy làm sao để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm, vì thế cách tốt nhất để phát hiện sớm căn bệnh này chính là làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ như xét nghiệm Pap ( Papanicolaou) và xét nghiệm HPV:

Xét nghiệm Pap (Papanicolaou) và xét nghiệm HPV giúp sàng lọc nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ngay từ sớm.

- Xét nghiệm Pap hay còn gọi là xét nghiệm phết tế bào tử cung: Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư, cũng như phát hiện sự hiện diện của tế bào bất thường có thể trở thành ung thư. Xét nghiệm này rất đơn giản và không gây đau đớn, bạn có thể thực hiện xét nghiệm Pap khi 21 tuổi. Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm Pap bình thường, bạn có thể sẽ không cần xét nghiệm Pap trong vòng 3 năm tiếp theo.

- Xét nghiệm HPV hay còn gọi là xét nghiệm tìm kiếm virus gây u nhú ở người: Xét nghiệm này giúp phát hiện các loại virus có thể gây ra những thay đổi tế bào bất thường dẫn đến ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV nên bắt đầu từ 25 tuổi. Nếu kết quả âm tính với HPV, bạn có thể tầm soát lại sau ít nhất 3 năm. Người có kết quả dương tính với hai chủng HPV 16 và HPV 18 thường được các bác sĩ chỉ định soi cổ tử cung để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.

- Phụ nữ từ tuổi 30 trở lên: Được khuyến khích nên làm đồng thời cả hai xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV. Nếu cả hai xét nghiệm đều cho kết quả âm tính thì có thể đợi đến 5 năm sau để sàng lọc thêm lần nữa.

- Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên: Nếu xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung trong vòng 10 năm cho kết quả bình thường thì không cần thực hiện sàng lọc thêm.

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mà còn có thể làm giảm khả năng sinh sản, cướp đi thiên chức làm mẹ, cũng như hạnh phúc của người phụ nữ. Chính vì thế, bên cạnh việc khám phụ khoa định kỳ, thực hiện sàng lọc bằng xét nghiệm pap và HPV, thì bạn nên bảo vệ sức khỏe bản thân sớm bằng những việc làm đơn giản, chẳng hạn như:

- Tiêm vaccine HPV: Được khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 9-26, bất kể có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, vaccine sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Những ai dưới 45 tuổi đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng hiệu quả sẽ giảm đáng kể.

Tiêm vaccine HPV sớm là một trong những cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất.

- Quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ tình dục quá sớm, hoặc quan hệ với nhiều bạn tình.

- Xây dựng lối sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng bằng cách: Tránh làm việc căng thẳng, tránh xa thuốc lá, ngủ đủ và sâu giấc, luyện tập thể thao đều đặn, vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách….

- Có chế độ ăn uống hợp lý và khoa học như bổ sung nhiều trái cây và rau củ quả, uống đủ nước, không bỏ bữa… Những việc làm đơn giản này sẽ góp phần giúp cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng tốt và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Kết luận: Với phụ nữ, ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh nguy hiểm, thường gặp và có nguy cơ tử vong cao. Vì thế, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, chị em cũng nên có lối sống lành mạnh, khám phụ khoa định kỳ và nhất là thực hiện sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung sớm để phát hiện và điều trị hiệu quả.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ung-thu-co-tu-cung-va-nhung-dieu-can-biet-31240/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY