Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, trong đó có 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật.
Phía công ty NANOGEN đã sản xuất 5.000 liều vắc xin COVID-19 để thử nghiệm. Dự kiến, ngày 10/12 tới đây, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam. Dự kiến việc tuyển chọn và thăm khám sức khỏe sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần để chọn ra 60 người đạt tiêu chuẩn vào giai đoạn 1.
Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19. |
Trong giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng lần này, có sự tham gia của 60 tình nguyện viên đã chọn, được chia làm 3 nhóm để tiêm thử vắc xin Covid-19 với hàm lượng khác nhau từ 15mg đến 100mg. Những người được lựa chọn này đều là người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-60, tuyệt đối không mắc bệnh truyền nhiễm, không có bệnh nền hay mắc tình trạng dị ứng. Bởi vắc xin cũng như thuốc, có thể xảy ra tình trạng dị ứng. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong 1 tháng.
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành thử nghiệm trên quy mô 600 người, thời gian kéo dài từ 2-3 tháng và sau đó lại thực hiện gối tiếp giai đoạn 3. Theo đại diện của Công ty NANOGEN, nếu mọi việc thuận lợi, đến khoảng tháng 4 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng và từ tháng 5 có thể đưa vắc xin vào tiêm chủng.
Trước đó, tại cuộc họp báo cáo về tình hình nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước diễn ra ngày 5/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước đẩy nhanh tiến độ để sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Ông Long cũng nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19. Bộ Y tế đã chủ động thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi, đàm phán với các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để sớm tiếp cận được nguồn vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng chống dịch trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm.
Bên cạnh NANOGEN, phía IVAC cũng cho biết dự kiến cuối tháng 12, đơn vị này sẽ nộp hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Covid-19 cho Bộ Y tế và đầu năm 2021 sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, đầu tháng 3/2021 hoặc nhanh nhất là cuối tháng 2/2021 sẽ tiến hành thử nghiệm trên người. IVAC trước đó cũng đã gửi mẫu vắc xin sang Ấn Độ và Mỹ để thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột.
Vắc xin Covid-19 phải qua quy trình chuẩn 5 giai đoạn như mọi loại vắc xin khác
Xác định rõ việc sản xuất vắc xin Covid-19 trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng và cần đẩy nhanh, tuy nhiên, phía Bộ Y tế cũng đã đưa ra quy trình chặt chẽ và trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, vắc xin Covid-19 cũng phải tuân thủ quy trình chuẩn 5 giai đoạn như mọi loại vắc xin khác.
Vắc xin Covid-19 phải trải qua quy trình chuẩn 5 giai đoạn trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi. |
- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vắc xin. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.
- Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật.
- Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau.
- Giai đoạn 4 và 5: Cấp phép lưu hành vắc xin và theo dõi sau cấp phép. Sau khi vắc xin được cấp phép sử dụng trên người, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để giảm bảo rằng, vắc xin đủ an toàn khi sử dụng trên người.
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 triển khai công tác phòng chống dịch diễn ra chiều 7/12 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin COVID-19.
Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nếu thuận lợi cũng phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắc xin COVID-19 do đó, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: