Tâm linh hôm nay

Vài tản mạn về Thiền

Kinh sách tư liệu nói về Thiền, hiện nay rất phong phú. Khi chúng ta đọc, nghiên cứu, học tập qua kinh sách, chỉ có thể nắm được phần tướng, may ra hiểu được chút nào phần thể, rất khó lòng bước vào thực chứng.

I. Duyên khởi


Vào những ngày đầu xuân Ất Mùi, được đọc bài: “Tìm Thiền Trong Đạo Chúa” của linh mục Giuse Nguyễn Văn Thư, tôi ngạc nhiên, đạo Chúa mà cũng có thiền ư? Nên tò mò tìm đọc ba bài nhận xét về bài viết của Linh mục, do mấy tác giả: Tịnh Liên, Minh Mẫn, Bùi Kha.Tôi thấy nội dung bài viết của Linh mục có nhiều điều bất ổn, nên phải tìm đọc thêm bài “Đạo Phật Đạo Chúa đối chiếu” của giáo sư Trần Chung Ngọc bao gồm 4 lãnh vực cốt tủy của hai tôn giáo nói trên.

•Căn bản đức tin tôn giáo trong đạo Phật và đạo Chúa.

•Đức Phật và Chúa Giê su: Giáo chủ của hai tôn giáo.

•Giáo lý của Phật và Chúa.

•Đạo Phật và đạo Chúa mang lại những phúc lợi gì cho nhân loại.


Đọc xong tôi càng thấy rõ hơn, hai đạo này như nước với dầu làm sao hòa tan với nhau được, minh minh bạch bạch như con quạ thì đen con cò thì trắng.

Vì lẽ đó, nên tôi không muốn bàn thêm về mối quan hệ giữa hai tôn giáo. Hơn nữa tôi không phải là phật tử hay con chiên, mà chỉ là người thờ đạo Ông bà và chịu ảnh hưởng Tam Giáo. Vì vậy, tôi chỉ muốn mạn đàm về Thiền và những gì liên quan đến Thiền với truyền thống văn hóa Việt nam mà thôi.


Trước khi vào phần chánh đàm luận về Thiền, tôi muốn nói nhỏ với Linh mục Nguyễn Văn Thư: Linh mục là người khoác áo nhà tu, không nên làm và không nên khuyên con chiên đi “bấng” của người khác làm của riêng như linh mục đã dự định: “trong cái khung cảnh của xã hội ồn ào náo nhiệt ngày nay, chúng ta cùng nhau ‘mạo muội ’(hay táo bạo) đi tìm một lối đi ‘đại kết tân thời’: Mượn cái ‘bao’ (vỏ) của Thiền,với những kinh nghiệm về phương pháp và kỹ thuật dồi dào, rồi thay vào bên trong (cái ruột) bằng những nội dung, những giáo lý, những tâm tình đạo Chúa.

Nói khác đi, ta dùng toàn chất liệu căn bản Ky tô giáo được lồng trong cái hình thức Thiền theo nhà Phật ".


Làm như thế chẳng khác hàng giả hàng nhái, ăn cắp nhãn hiệu của người khác dán vào sản phẩm của mình, “Treo đầu dê bán thịt chó”. Kiểu làm thiếu chính trực như thế không nên!


II. Chánh đề


* Mạn đàm Thiền qua Thánh Giáo Lượng


Tôi nghĩ, khi nói về Thiền ta phải bàn đến ba lãnh vực Thể, Tướng và Dụng của Thiền.


1.-Thể của Thiền:

Giống như trăng tròn đầy, viên dung hoàn toàn vô ngại. Nên còn gọi là thực thể, thực tánh, thực lý, thuộc về Đạo học, nên nó vượt ra ngoài ngôn từ (ly ngôn). Không thể dùng văn tự hay khái niệm để diễn đạt (Ngôn ngữ đạo đọan, tâm hành xứ diệt). Vì vậy mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã tuyên bố: “Giáo Ngoại Biệt Truyền, Bất Lập Văn Tự, Trực Chỉ Nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật” (truyền ngoài giáo lý, không dùng văn tự, chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật).


Lục Tổ Huệ Năng cũng thế, khi trình kệ Vô Tướng lên ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Ngài viết:

“Bồ Đề Bổn Vô Thọ,

Minh Cảnh Diệc Phi Đài

Bản Lai Vô Nhất Vật,

Hà Xứ Nhã Trần Ai”

Tạm dịch:

(Bồ đề vốn không gốc,

Gương sáng chẳng cần đài

Xưa nay không một vật,

Bụi bám chỗ nào đây? )

2.-Tướng của Thiền:

Tướng tròn như hình măt trăng, những hiện tướng như Thiền viện, Thiền thất, Thiền trượng. Thiền đàm, Thiền tọa …Thiền sinh, Thiền sư... và “giả trang Thiền tướng”.v.v...

3.-Dụng của Thiền:

Như ánh trăng mát dịu chiếu khắp trần gian. Dụng là thành quả tốt đẹp...do họcThiền, hành Thiền, tu Thiền đúng pháp mà có. Thiền đúng pháp thì thân tâm an lạc, tật bịnh tiêu trừ, tâm hồn thanh thản. Gia đình nào biết ứng dụng Thiền trong cuộc sống hàng ngày thì gia đình đó sẽ có hòa thuận, êm ấm, an vui hạnh phúc. Quốc gia xã hội nào biết ứng dụng Thiền trong cách quản lý, trị nước an dân thì quốc gia xã hội đó được an bình thịnh trị, nhân dân hạnh phúc ấm no.


Về phương diện tâm linh, nếu công phu Thiền tập tinh tấn, miên mật, đúng pháp thì sẽ sớm đạt thành chánh quả! Có thể nói diệu dụng của Thiền vô cùng to lớn và rất mầu nhiệm, bất khả tư nghì.

Kinh sách tư liệu nói về Thiền, hiện nay rất phong phú. Khi chúng ta đọc, nghiên cứu, học tập qua kinh sách, chỉ có thể nắm được phần tướng, may ra hiểu được chút nào phần thể, rất khó lòng bước vào thực chứng. Chúng ta biết, giỏi như ngài giáo thọ sư Thần Tú mà khi trình bài kệ “Vô Tướng” lên ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Tổ nói “chưa vào được cửa”.


Kệ Ngài Thần Tú:

“Thân Thị Bồ Đề Thọ

Tâm Như Minh Cảnh Đài

Thời Thời Thường Phất Thức

Vật Sử Nhã Trần Ai”

Tạm dịch:

(Thân là cây Bồ Đề

Tâm như đài gương sáng

Hằng giờ siêng lau chùi

Đừng để bám bụi trần).

Giáo pháp của Phật rất nhiều. Gồm chung là ba tạng kinh điển. Nhưng một phật tử tại gia có thể đọc và học tập giáo lý qua “Bộ Phật học Phổ thông” do cố Hòa Thượng Thiện Hoa biên soạn cũng có thể tạm gọi là đủ. Tuy gọi là Phật học Phổ thông, nhưng bao gồm nhiều lãnh vực mà chúng ta cần biết.


Trở lại việc đàm luận về Thiền, chúng ta nên biết qua một số thiền phái căn bản như Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.


Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử

Theo Bách khoa toàn thư mở; Wikipedia. Trúc Lâm Yên Tử (竹林安子) là một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm cũng là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang. Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử và Yên tử là dòng Thiền hợp nhất của Việt Nam vào thế kỷ thứ 12, bao gồm dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi.

Sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, ngài Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.[1]

Thiền phái Trúc Lâm do một vị vua nhà Trần sáng lập, được xem là dạng Phật giáo chính thức của Đại Việt thời đó, và rồi cũng chịu mai một với sự thịnh suy của triều đại.


Vì vậy, sau ba vị Tổ nói trên, hệ thống truyền thừa của phái này không còn rõ ràng, nhưng có lẽ không bị gián đoạn vì đến thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị Thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm và nổi bật nhất là Thiền sư Minh Châu Hương Hải (theo Nguyễn Hiền Đức).


Sau một thời gian ẩn dật, dòng thiền này sản sinh ra một vị Thiền sư xuất sắc là Hương Hải, người đã phục hưng tông phong Trúc Lâm. Trong thế kỉ thứ 17-18, thiền phái này được hoà nhập vào Lâm Tế tông và vị Thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Đăng.


Qua mạn đàm về Thiền, tôi muốn mời bạn tham khảo thêm: Vài bài học về Thiền như, dưới đây:


Thiền Phật giáo, như chúng ta thường được nghe nói đến, là chủ trương ‘bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật’ (đại ý là không cần chữ nghĩa, giáo lý, mà chỉ thẳng vào chơn tâm, thấy tánh là thành Phật). Thật vậy, ai mà không thích thú khi được nghe câu chuyện trên núi Linh Thứu (Linh Sơn) khi đức Thế Tôn đưa cành hoa lên thì ngài Ca Diếp mĩm cười ( ‘niêm hoa vi tiếu’), trong khi hội chúng chưa ai có phản ứng gì, và đức Thế Tôn đã truyền y bát cho ngài Ca Diếp làm vị tổ thứ hai từ đó.


Trong thời đại của chúng ta, Sogyal Rinpoche, một vị thầy Tây Tạng, người đã được thụ huấn với nhiều vị lạt ma tên tuổi nhất của Tây Tạng, đồng thời cũng được hấp thụ nền giáo dục tân tiến của tây phương, người đã thành công khi đem Phật giáo Tây Tạng giảng dạy ở phương tây với lề lối tư duy của họ mà ngài đã quen thuộc. Ngài nêu ra ‘4 lỗi ’ làm cho ta không thể thấy được chơn tâm (cái mà ngài gọi là ‘tự tính tâm’ và Bồ Đề Đạt Ma gọi là ‘tánh’ hay đức Phật gọi là ‘chơn tâm’ (2).


Tự tính tâm quá gần gũi đến nỗi ta khó nhận ra

Nó quá sâu xa nên ta khó dò cho thấu

Nó luôn luôn có mặt hiện tiền, nó quá dễ ta không tin nổi

Nó quá bao la ta không dung chứa nỗi


Những phân tích này của Sogyal Rinpoche có phải nhắc ta nhớ đến Lục Tổ Huệ Năng (638-713) - vị tổ ‘tướng mạo quê muà nhưng trí tuệ phi thuờng’ - khi đựơc ngũ tổ khai thị rồi, cũng hân hoan thốt lên những lời nói về ‘tự tánh’ tức là ‘chơn tâm’ trong kinh Lăng nghiêm, và cũng là ‘tự tánh tâm ‘của Sogyal vậy (3):

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh

Đâu ngờ tự tánh vốn không sinh diệt

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp


Lời phát biểu của Lục Tổ giúp chúng ta liên hệ đến lời dạy của đức Phật về ‘Thường, Lạc, Ngã, Tịnh’ trong Diệt Đế: đó là tự tánh thanh tịnh hay là cái ‘chân ngã’ - tâm như một tấm gương trong sáng (vốn tự thanh tịnh) có khả năng chiếu sáng kỳ diệu bất cứ vật gì đi ngang qua nó (vốn tự đầy đủ, hay sanh muôn pháp) một cách bình đẳng và trung thực ,không phân biệt, không phản ứng (vốn không dao động).


Sau Lục Tổ Huệ Năng 10 thế kỷ, thiền sư Nhật Bankei (1622-1693) cũng nói: ‘Tâm là một cơ cấu năng động, nghề của nó là phản chiếu, ghi lại và hồi tưởng những ấn tượng về thế giới bên ngoài; nó như một loại gương soi sống động ,luôn luôn vận hành, không bao giờ ở yên từ giây phút này sang giây phút kế tiếp. Trong cái tâm như gương sáng này những ý tưởng đến rồi đi, sinh, diệt rồi tái sinh tùy hoàn cảnh, tự bản chất chúng không tốt cũng không xấu’ hay: ‘vì tâm Phật đang chiếu sáng kỳ diệu trong tất cả mọi người nên bạn có thể học hỏi đủ thứ , ngay cả những hành vi lầm lạc . . . ‘(4). Ở đây, Bankei gọi ‘tâm’ là ‘Tâm Phật bất sinh’ Thật là thú vị khi được nghe lời dạy của các bậc Thầy nói ‘mỗi người một kiểu’ nhưng cốt lõi giống nhau về bản chất của TÂM - tức là ‘tự tánh tâm’ , ‘chơn tâm’ , ‘tâm Phật bất sinh’ hay ‘tự tánh’ v..v.. cũng chỉ là một mà thôi .

Đọc Bankei, ta thấy vị thiền sư Nhật này ‘gặp gỡ’ Lục Tổ Huệ Năng ở rất nhiều điểm. Ví dụ như ‘nhất hạnh tam muội’ của Lục Tổ thì Bankei gọi là ‘thực chứng tâm Phật sống động’, ông nói: ‘với một người thực chứng tâm Phật một cách rốt ráo thì khi vị ấy đi ngủ cũng đi ngủ với tâm Phật, khi dậy là dậy với tâm Phật, khi đi là đi với tâm Phật, khi đứng là đứng với tâm Phật, khi nằm là nằm với tâm Phật, khi ngồi là ngồi với tâm Phật, khi nói là nói với tâm Phật, khi im lặng là im lặng với tâm Phật, khi ăn cơm là ăn cơm với tâm Phật, khi uống trà là uống trà với tâm Phật, khi mặc aó là mặc áo với tâm Phật v..v.. Vào mọi lúc, vị ấy an trú liên tục trong tâm Phật, vị ấy hành xử ung dung tùy theo hoàn cảnh, cứ để mọi sự theo cách tự nhiên của chúng; chỉ cốt là không làm những việc ác, làm những việc lành . . . . nhưng không tự hào về những việc lành của mình ,không bám víu vào đó và ghét cái xấu, vì như vậy là đi nguợc tâm Phật. Tâm Phật không thiện cũng không ác, mà vận hành vượt ngoài cả thiện ác . . . (5).


Tương tự, Lục Tổ Huệ năng và thiền sư Bankei còn gặp nhau ở ‘tự tánh bất động’ Lục Tổ dạy: Này thiện tri thức, người mê tuy thân bất động nhưng mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người (tức là) cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo. Này thiện tri thức, sao gọi là toạ thiền? Trong pháp môn này không chuớng không ngại; ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là TỌA, trong thấy tự tánh chẳng động gọi là THIỀN. Ngài nhấn mạnh: tọa thiền không phải là ngồi một chỗ nhắm mắt lại chỉ cần ‘thân yên’ là được đâu:

Khi sống, ngồi chẳng nằm,

ch*t rồi nằm chẳng ngồi

Một bộ xương mục thúi

Có gì gọi công phu? (6)


Bankei cũng căn dặn đệ tử: rán sức tu hành, cố toạ thiền . . . để được giác ngộ đều sai. Không có gì khác nhau giữa tâm của chư Phật với cái phật tâm nơi mỗi chúng sanh. Mong cầu đạt giác ngộ là tạo ra một sự phân hai thành ra có người đựơc giác ngô và chân lý được giác ngộ. Khi còn đeo đẳng một chút nào cái ước muốn đạt giác ngộ, thì lập tức đã giả từ cái bất sinh, đi nguợc lại tâm Phật . . . . Cái gì không vướng vào thế giới bên ngoài chính là tâm Phật’(7).


Rõ ràng Lục Tổ và Bankei, hai nguời đã nói theo ngôn ngữ của thời đại mình nhưng nội dung chuyên chở Đạo thì y hệt nhau; và tư tưởng của hai ngài cũng không khác câu chuyện ‘mài ngói làm gương soi’ giũa Mã Tổ và Nam Nhạc là bao nhiêu:


Mã Tổ đạo Nhất (709-788) là một thiền sư rất nổi tiếng, (môn đệ của ngài đông hơn của ngài Huệ Năng nữa) đang ngồi thiền trong am thì sư Nam Nhạc đi đến và hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?

- Để làm Phật

Sư bèn cầm một miếng ngói đến trước am ngồi mài trên phiến đá, Mã Tổ hỏi:

-Sư mài ngói để làm gì?

- Để làm gương

- Mài ngói sao thành gương được?

- Sư đáp: còn ngồi thiền há thành Phật được sao ? v..v.. ( 8).


Tất nhiên câu chuyện còn dài, chỉ xin trích ra một đọan để thấy cái ý giống nhau giữa những bậc minh triết khi chỉ điểm về Tâm, về Đạo v..v..


Thực tập bài học này, ta không chỉ ngồi thiền mà thôi, vì đó chỉ mới là ‘thân yên’ chưa đủ, còn phải ‘tâm yên’ nữa, nghĩa là theo Lục Tổ thì ‘đừng thấy lỗi nguời, chỉ nên thấy lỗi mình thì mọi việc trong ngoài mới gọi là ‘lìa tướng’ và ‘bất động’ được; và theo Bankei thì đừng khởi mong cầu, dù là mong cầu được giác ngộ ,đừng bị vướng mắc, dao động bởi bất cứ gì khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài , hãy để cho những ham muốn, giận hờn, phiền não v..v.. đến rồi đi tự nhiên như những đám mây đến, đi trong bầu trời - hình ảnh rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Những đám mây không phải là bầu trời, và không ‘thuộc về’ bầu trời, chúng chỉ lơ lửng giữa không gian và không lệ thuộc vào đâu, nhưng chúng không bao giờ có thể để lại dấu vết làm lấm lem bầu trời trong sáng.


Vị thầy Tây Tạng Sogyal Rinpoche còn phân tích rõ ràng hơn khi phân biệt ‘Tâm và tự tánh của Tâm’: có nhiều phương diện của Tâm, nhưng hai phương diện nổi bật nhất đó là ‘cái Tâm thông thuờng’ (Sem) và ‘Tâm bản nhiên’ (Rigpa) ‘Tâm thông thường’ là cái tâm có khả năng phân biệt, có ý thức về nhị nguyên (tốt-xấu ,yêu -ghét, lấy -bỏ v..v..) .Đó là cái tâm suy nghĩ, đạt kế hoạch, ham muốn, cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ, cái tâm tạo ra những đợt sóng say mê hay tư duy và cảm xúc tiêu cực , cái tâm cứ luôn luôn quyết định, đánh giá, và xác định sự hiện hữu cuả nó bằng cách cắt xén, đặt tên củng cố kinh nghiệm v..v.. Còn cái ‘tâm bản nhiên’ là cái tuyệt đối không dính dáng tới đổi thay và ch*t chóc ( thường còn và không sinh diệt); đó là sự tỉnh giác trong sáng uyên nguyên của trí tuệ giải thoát, có tính sáng chói và luôn luôn tỉnh thức. Đừng tưởng rằng ‘tâm bản nhiên’ chỉ có trong tâm ta mà thôi; kỳ thực nó là bản chất của mọi sự vật, vì vậy, trực nhận bản tính tự nhiên của Tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của mọi sự vật, hiện tượng. Sogyal còn bảo rằng ‘tâm bản nhiên ‘này là ‘Thượng Đế’ đối với người Ky Tô và Do Thái giáo, là ‘đại ngã’ hay ‘Shiva’ hay ‘Brahman’ hay ‘Vishnu’ của Ấn Độ giáo, là ‘Tinh chất ẩn nấp’ đối với những nhà thần bí học ‘Sufi’ -còn Phật tử thì gọi là ‘Phật tính’ (9).


Bài học ở đây là chúng ta thực tập sống tỉnh thức để không bị tâm bình thường lôi kéo theo thất tình lục dục, cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn v..v.. mà sống gần với bản tâm thanh tịnh, nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời như một tấm gương trong sáng, phản ánh trung thực ‘như-nó-là’ ( as-it-is) không thêm bớt, vẽ vời, suy diễn v..v.. vì theo Sogyal Tâm Phật (hay Phật tính, hay Tâm Bất Sinh v..v..) luôn luôn hoàn hảo; ‘ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được và chúng sanh với tất cả vô minh có vẻ bất tận ,cũng không thể làm cho nó lấm lem’


Xin mượn lời của Thầy Sogyal xác định ‘chỗ ở’ của tâm: (10)


‘Vậy thì Tâm- Phật tính- đích thực nằm ở đâu? - nó nằm ngay nơi tự tính của tâm , cái tự tính được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên. Phật tính ấy thật đơn giản, tự nhiên như nhiên đến nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng hay bị nhiễm ô, nó thuần tịnh tới nỗi vượt ra ngoài cả ý niệm dơ sạch . . . Nhưng nói về tự tánh tâm ví như bầu trời chỉ là một ẩn dụ để giúp ta tưởng tượng được tính chất bao la vô biên bao trùm tất cả của nó nhưng Phật tính còn có một tính chất mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức, biết nhận thức mà vẫn trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt :

Sinh tử không làm nó xấu hơn

Niết bàn không làm nó tốt hơn

Nó chưa từng sinh

Nó chưa từng diệt

Chưa từng giải thoát

Chưa từng mê lầm

Chưa từng có, cũng chưa từng không

Nó không có một giới hạn nào

Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả


* Mạn đàm Thiền qua các giai thọai.


Hồi tôi còn nhỏ, khỏang thập niên 30 ngày Phật đản, nguời ta gọi là ngày Giổ Bụt nhằm ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch. Chứ không gọi là ngày Phật Đản vào rằm tháng 4 như bây giờ.


Tôi còn nhớ rõ, năm ấy tôi lên 8 tuổi đi học chữ Nho với ông bác họ, là thầy đồ, được nghe thầy kể nhiều chuyện trong làng Nho rất hay,và vô cùng thâm thúy. Trong đó có câu chuyện liên quan đến vị Thiền sư trú trì chùa làng tôi. Sư "hiền như bụt" và tu hành rất tinh tấn, nên được bà con bá tánh, dân chúng trong vùng hết lòng kính mếm, quy tụ về chùa rất đông. Vì thế, nên Sư bị ông nghè Luận trong làng rất thâm Nho sinh lòng ganh tị, làm bài thơ tứ tuyệt rất hay đem biếu Sư. Sư vui mừng đón nhận và đem bài thơ treo ở phòng khách.


Nội dung bài thơ viết:


" Dậu thời nhật dĩ nhập tây phương

Nguyện hiến nam mô (vô) bái Phật đường

Cứu thế bán văn tòan bất dụng

Bồ đề tâm thượng giác nhân lương".


(Đến giờ dậu mặt trời lặn về phương tây

Sư lên chánh điện lạy Phật cầu nguyện

Cứu đời chẳng cần dùng nửa lời văn

Dùng tâm Bồ đề giác ngộ người lương thiên).


Vài hôm sau, có vị Hòa thượng từ phương xa đi du hóa ghé chùa thăm Sư. Trong khi đương ngồi dùng trà, đàm đạo Phật sự thì Hòa thượng nhìn đọc bài thơ và nói: "Ai làm bài thơ nầy rất thâm thúy có ý châm biếm Sư rất nặng. Không nên treo". Rồi ngài phân tích, câu 1 chữ (thời) mà không có chữ nhật là thành chữ (tự là chùa). Câu 2 chữ (hiến) mà không có chữ nam là thành chữ (khuyển là chó). Câu 3 chữ (cứu) mà không có chữ văn là thành chữ (cầu là tìm kiếm). Câu 4 ghép chữ nhơn với chữ lương thành chữ (thực là ăn). Như vậy, bài thơ nầy chỉ lấy 4 chữ (tự khuyển cầu thực). Vô cùng thâm hiểm.


Người ta nói ông nghè Luận thâm Nho nầy, sau khi ch*t bị đọa làm kiếp con chó và được nhà chùa đem về nuôi .


Thầy kết thúc câu chuyện bằng lời khuyên: "các con sau nầy lớn khôn nên người không được hủy báng chư Tăng mà mang tội." Tôi còn nhớ mãi lời khuyên của thầy.


III. Kết luận


Thiền cơ góp nhặt dong dài,

Chân như, Phật tánh không ngòai Tâm ta.

Được sinh vào cõi Ta Bà,

May gặp Phật pháp ắt là thiện duyên.

Chánh pháp chơn truyền Phật Tổ Tông,

Học hành không dốt cũng không thông.

Đến nay tính lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trong đầu một chữ " KHÔNG."


Đàm luận mãi không cùng, nói năng hòai không hết. Sau đây xin mượn bài tụng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong sách "Thiếu Thất Lục Môn " để kết thúc cho bài viết này:

"Pháp ta truyền đến xứ này,

Độ người mê muội, cứu người ngu si.

Một hoa năm cánh đúng kỳ,

Tự nhiên hưng thịnh Thiền quy rộng truyền.


Đuốc hồng rộng mở khóa vàng

Rẽ con sóng ngọc bè sang sông rồi.

Năm nhà chỉ một pháp thôi,

Lời cùng ý tận không người không ta."

Trần Kiến Tánh

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, NXBGD 2000

2. Lịch sử Thành Phố Uông Bí

3.Thích Thanh Từ: Thiền sư Việt Nam, TP HCM 1995.

4.Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận I-III, Hà Nội 1992.

5.Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo đàng trong, TP HCM 1995



Trần Kiến Tánh

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/vai-tan-man-ve-thien-d17668.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY