Sức khỏe hôm nay

Vẹo cột sống vì bàn học gấp

(SKGĐ) Chúng ta đang đổ lỗi những chiếc cặp sách quá nặng làm hỏng cột sống của trẻ. Nhưng chính những chiếc bàn gấp đang góp phần tích cực vào việc này mà nhiều người vẫn không biết.

Bàn gấp – Tiện nhưng không lợi

Bàn gấp là dụng cụ học tập không chiếm diện tích nên rất được ưa chuộng cho những không gian học tập nhỏ hẹp. Nó có thể di chuyển được nên cũng rất thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt nhóm trẻ tiểu học vì có thể di chuyển đi bất cứ đâu để học cùng ông bà, bố mẹ. Nhưng nó có 3 nhược điểm khiến trẻ không ngồi được ở tư thế chuẩn gây hại cột sống:

Thứ nhất vì trẻ phải bẻ gập hai chân xuống sàn nhà khiến hai chân không tạo ra một mặt phẳng và dễ làm cho người bị nghiêng về bên thấp. Ngồi trong tư thế nghiêng thường xuyên sẽ khiến cột sống của trẻ cong vẹo đi.

Thứ hai là diện tích bàn lại nhỏ khiến trẻ phải co kéo, thu người, gấp tay… để chỉnh tư thế để phù hợp. Cách co kéo này cũng khiến cột sống đã bị lệch vẹo, cơ thể gò bó và dễ gây ra biến dạng.

Thứ ba, bàn gấp không được cố định chắc xuống sàn nên trẻ có thể vừa học vừa tỳ ngực vào bàn, đẩy bàn ra phía trước. Bàn trượt về trước và kéo cơ thể cơ thể trẻ nghiêng theo gây tác động lên sống lưng.

Mặt khác khoảng cách từ sàn nhà đến bàn chỉ có một cỡ, không thiết kế riêng cho từng nhóm tuổi. Nên nếu trẻ quá thấp, các em sẽ phải với lên, rất mỏi và dễ cận thị. Nếu như trẻ quá cao, trẻ sẽ phải cúi xuống, dễ gây mỏi và dễ gây gù cột sống.

Vẹo cốt sống dẫn đến yếu thể lực

Tật vẹo cột sống không chỉ làm xấu dáng người mà sẽ ảnh hưởng tới nhiều yếu tố sức khỏe khác của trẻ. Vẹo cột sống trước tiên làm cho cột sống dễ bị thoái hoá khi trưởng thành. Vì tư thế lệch chuẩn dễ khiến xơ chai và thoát vị đĩa đệm.

Thêm vào đó, vẹo cột sống khiến thể tích lồng ngực không thể lớn tối đa mà bị hẹp lại về một bên vẹo. Từ đó dẫn tới việc phổi hoạt động không bình thường. Vẹo cột sống cũng có thể cản trở hoạt động của tim nên hạn lượng máu mà tim cung cấp cho cơ thể.

Những yếu tố này cộng hưởng dẫn tới nguy cơ trẻ không đủ sức tham gia các môn thể thao hoạt động mạnh như chạy, nhảy, bơi, lội, đu xà… Hậu quả là trẻ không phát triển thể chất tối đa.

Chọn bàn chuẩn cho con

- Bàn cần cố định hoặc không dễ bị di động bởi những tác động nhỏ.

- Chiều dài tối thiểu 1m và chiều rộng tối thiểu 50cm.

- Mặt bàn nên cao ngang hông trẻ và ghế ngồi phải tạo ra một khoảng cách tối thiểu 20-25cm từ mặt bàn lên cằm. Bạn nên chọn ghế có thể chỉnh được chiều cao.

- Tránh chọn bàn cao khiến trẻ không chạm chân xuống đất. Kiểu bàn này sẽ phân tán bớt lực dễ gây ra mỏi chân, tê chân, ê mông và gây ra nhiều biến cố cho vùng khung chậu.

- Bàn nên được thiết kế nghiêng một chút về phía cơ thể để khi đọc sách, ánh sáng phản chiều từ sách vào mắt sẽ theo hướng chính diện mà không theo hướng xiên. Mắt sẽ không bị loá và vẫn nhìn thấy rõ chữ.

 BS.Cao Hồng Phúc

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/veo-cot-song-vi-ban-hoc-gap-6175/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY