Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vì lời hứa nuôi ăn mà người đàn ông mất vợ thành công nên duyên cùng cô gái trẻ nhà nghèo cách đây 73 năm

Hiện tại cụ bà trong vụ mai mối ngày ấy đã 93 tuổi nhưng cụ vẫn nhớ rõ ràng câu chuyện được giúp để tìm chồng cách đây 73 năm.

Trong những năm tháng kháng chiến, chuyện lập gia đình, lấy vợ, sinh con thường được gác lại.

Bởi vậy, có những câu chuyện tình yêu, hai con người đến với nhau theo cách thức khá đơn giản nhưng lại có cái kết tốt đẹp, chung sống hạnh phúc đến lúc "nhắm mắt xuôi tay".

Cô cháu gái này tên Hoàng Minh Châu, đang là sinh viên 1 trường Đại học có tiếng và cũng là một nhạc sĩ Indie tài năng. Châu kể rằng anh trai của cụ nội mình đã được mai mối khi còn trong quân đội.

Cụ của Mai tên là Nhất. Người kể lại toàn bộ câu chuyện mai mối năm xưa cho Minh Châu biết chính là cụ Vi Thị Hồi - vợ cụ Phức. Hiện tại, cụ Hồi đã 93 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhớ hết những chi tiết từ câu chuyện cách đây cả 73 năm.

Châu kể: "Cụ Nhất chính là anh trai ruột của cụ nội mình. Hồi bố mình còn bé, cụ nội sắp mất cứ khóc, dặn bố rằng sau này con có điều kiện thì đi tìm anh trai cho cụ. Để kể về câu chuyện này thì phải nhắc đến biến cố năm xưa khi hai cụ còn sinh sống ở Lạng Sơn. Cụ Nhất mất cả vợ và con trong một lần quân Pháp ném bom nên ông tuyệt vọng, bỏ đi luôn, thành ra anh em thất lạc".

Cụ bà - vợ của cụ Hồ Văn Nhất đã hơn 90 tuổi.

Cuối cùng, gia đình Châu đã đi tìm và kiếm ra được người anh năm xưa của cụ. Hai bên đi lại và vô cùng thân thiết. Cũng vì những cuộc gặp gỡ, qua lại này mà Châu được nghe kể về câu chuyện hai cụ được làm mối để lấy nhau.

"Hồi ấy, sau khi vợ con mất thì cụ Nhất rời xứ Lạng sang Cao Bằng rồi đi bộ đội. Cụ không nhắc lại khoảng thời gian đau thương ở Lạng Sơn nữa. Thế nhưng, những tâm sự của cụ Nhất thì cũng có nhiều người biết", Minh Châu kể.

Cuối năm 1947, cụ Nhất đến Tuyên Quang để làm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân và tạm trú trong một nhà dân ở Sơn Dương. Gia đình này nghèo khổ, đông con, luôn trong tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc. Đó chính là nhà của cụ Hồi.

Châu cho hay: "Cụ bà kể lại rằng hồi đó cả nhà không ai biết chuyện gì hết. Họ chỉ biết rằng người đàn ông luôn đeo khăn đen che mặt khi ra ngoài kia là một người vô cùng quan trọng. Người đàn ông tên Nhất đi theo để bảo vệ người quan trọng đó.

Có lẽ thấy thương hoàn cảnh gia đình cụ Hồi nghèo quá nên những người ở nhờ đã chia số gạo cho gia đình cụ ăn. Tuy vậy, nhà cụ Hồi đông con lắm, gạo không đủ để chia. Chuyện ăn uống trong nhà cũng chẳng khấm khá hơn là bao".

Ảnh của cụ Nhất khi về già.

Những tình hình của gia đình này các bộ đội hiểu hết. Cũng vì sự nghèo khó đó mà những người ở nhờ đã nghĩ ra cách thức "mai mối" cho một cặp đôi nên duyên vợ chồng .

Châu kể: "Biết trong nhà người dân nghèo này có một cô con gái đến tuổi cập kê lại xinh xắn, nhanh nhẹn nên những chú bộ đội nghĩ cách mai mối cho người anh Nhất vốn mang nhiều tâm sự.

'Gia đình xem, vừa khéo chúng tôi có anh Nhất chưa có vợ con gì, lại cũng lớn tuổi rồi. Cô có ưng thì lấy anh Nhất, về anh ấy nuôi cho'. Đây chính là câu nói mai mối khi ấy.

Khi đó cụ Hồi mới chỉ là cô gái 20 tuổi nhưng nhớ hết cả. Và rồi cô gái miền núi đồng ý hôn sự , hai người họ được tổ chức lễ thành hôn đơn giản, kết làm vợ chồng. Gia đình cô bớt được một miệng ăn mà anh cận vệ Nhất lại có vợ, vẹn cả đôi đường".

Cụ bà vẫn rất minh mẫn và thích kể về chuyện năm xưa.

Câu chuyện này cụ bà 93 tuổi vẫn nhớ rất rõ. Dù nó trôi qua được 73 năm rồi nhưng mọi diễn biến của nó cụ chẳng thể quên được. Theo Minh Châu, kể lại câu chuyện này lúc nào cụ bà cũng cảm kích và cảm động vô cùng.

Cụ Nhất và cụ bà làm vợ chồng được 47 năm. Sau này, cụ ông về làm cán bộ ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Minh Châu được nghe cụ bà kể lại rằng ông là một người đúng chuẩn phong cách quân nhân, chẳng biết nói lời hoa mỹ mà luôn dùng hành động để thể hiện tình cảm của mình.

Người kể lại câu chuyện tình yêu của cụ mình.

Họ đã có với nhau 4 người con: 2 trai, 2 gái. Cụ Nhất qua đời vào năm 1994. Cụ bà cô đơn hơn kể từ khi ông ra đi. Có lẽ, vụ mai mối với lời nhắn gửi "sẽ nuôi cơm" là một kỷ niệm đẹp và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong suốt cuộc đời của người phụ nữ đã sống gần 1 thế kỷ.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vi-loi-hua-nuoi-an-ma-nguoi-dan-ong-mat-vo-thanh-cong-nen-duyen-cung-co-gai-tre-nha-ngheo-cach-day-73-nam-20200519204048915.htm)
Từ khóa: gia đình

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY