12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Vì sao nhiễm COVID-19 lại có thể gây mất khứu giác tạm thời, triệu chứng có mất sau khi khỏi bệnh?

Mất khứu giác tạm thời là triệu chứng thần kinh chính và là một trong những dấu hiệu gợi ý sớm nhất - phổ biến nhất ở người mắc COVID-19.

Các nghiên cứu thậm chí khẳng định rằng, triệu chứng mất khứu giác tạm thời giúp phát hiện người nhiễm bệnh tốt hơn cả các triệu chứng điển hình khác như sốt và ho.

Các thống kê cho thấy, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có nguy cơ mất khứu giác cao gấp 27 lần nhưng chỉ có nguy cơ sốt, ho hoặc khó thở cao hơn khoảng 2,2 - 2,6 lần so với bệnh nhân không nhiễm COVID-19. Tuy vậy cơ chế gây mất khứu giác ở những bệnh nhân này hiện chưa được giải thích rõ ràng.

Mất khứu giác tạm thời giúp phát hiện người nhiễm COVID-19 tốt hơn cả các triệu chứng điển hình khác như sốt và ho – (Ảnh: Internet).

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học về thần kinh tại Trường Y Harvard (Mỹ) dẫn đầu đã xác định được các loại tế bào khứu giác trong khoang mũi trên dễ bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều đáng ngạc nhiên là các tế bào thần kinh cảm giác phát hiện và truyền khứu giác đến não không nằm trong số các loại tế bào bị tổn thương do virus này.

Theo báo cáo trên tạp chí Science Advances vào ngày 24/7, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác không biểu hiện gen mã hóa protein thụ thể ACE2 mà SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Thay vào đó, ACE2 được biểu hiện trong các tế bào cung cấp hỗ trợ chuyển hóa, cấu trúc cho các tế bào thần kinh khứu giác, cũng như một số quần thể tế bào gốc và tế bào mạch máu.

Nhà nghiên cứu Sandeep Robert Datta, phó giáo sư sinh học thần kinh tại Viện Blavatnik (Harvard Medical Schoool) cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng coronavirus thay đổi khứu giác ở bệnh nhân không phải bằng cách lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào thần kinh mà bằng cách ảnh hưởng đến chức năng hỗ trợ các tế bào”.

Việc thực hiện 5K và tiêm vaccine vẫn là những biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan – (Ảnh: Internet).

Nghĩa là, trong hầu hết các trường hợp, nhiễm SARS-CoV-2 không có khả năng làm tổn thương vĩnh viễn các tế bào thần kinh khứu giác.

Sau khi khỏi bệnh, các tế bào thần kinh khứu giác sẽ khôi phục lại chức năng nhận biết mùi như ban đầu. Tuy vậy các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cần có thêm dữ liệu và hiểu rõ hơn về cơ chế cơ bản để xác nhận kết luận này.

Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng dữ liệu có thể giúp mở đường cho các câu hỏi về sự tiến triển của bệnh, chẳng hạn: Liệu mũi có hoạt động như một ổ chứa SARS-CoV-2 hay không.

Những nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi các nghiên cứu trong các cơ sở cho phép thí nghiệm với coronavirus sống và phân tích dữ liệu thông qua khám nghiệm tử thi.

Mất khứu giác tạm thời có thể xem là biểu hiện để nhận biết người nhiễm COVID-19 rõ ràng hơn cả. Mặc dù triệu chứng tạm thời này sẽ mất khi người bệnh phục hồi nhưng điều này cũng gây không ít phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người nhiễm.

Trong bối cảnh hiện nay, tiêm vaccine và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa 5K vẫn được xem là tối ưu để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/vi-sao-nhiem-covid-19-lai-co-the-gay-mat-khuu-giac-tam-thoi-trieu-chung-co-mat-sau-khi-khoi-benh-31556/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY